NÔNG SẢN
Ngô là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất nhóm nông sản với 3.36% cao hơn so với mức tham chiếu và đóng cửa ở mức 754.50 cents/giạ, vượt trở lại mốc kháng cự quan trọng 750 cents. Giá dầu thô bất ngờ phục hồi mạnh hơn 8% sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó, do tình hình căng thẳng ở khu vực Biển Đen chưa hề có dấu hiệu lắng xuống, cùng với việc thỏa thuận hạt nhân với Iran có nguy cơ đi vào bế tắc.
Đà tăng mạnh của giá ngô cũng giúp giá lúa mì phục hồi mạnh sau khi giảm kịch sàn trong phiên thứ Tư. Giá lúa mì Chicago tăng 2.7% lên 1098.00 cents/giạ còn lúa mì Kansas tăng 1.84% lên 1092.25 cents/giạ.
Thời tiết tại các khu vực gieo trồng lúa mì chính của Mỹ được dự báo vẫn sẽ khô hạn trong nửa cuối tháng 3 và đầu tháng 4, tiếp tục gây ra lo ngại về chất lượng mùa vụ năm nay, trong bối cảnh có đến 73% diện tích gieo trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
Diễn biến tích cực của dầu thô còn tác động trực tiếp đến giá dầu đậu tương, giúp cho mặt hàng này cũng tăng mạnh 1.47% lên mức 74.63 cents/pound. Tuy nhiên, yếu tố hỗ trợ là chưa đủ để giá vượt lên trên mức kháng cự quan trọng 75 cents.
Trong khi đó, đậu tương cũng phục hồi mạnh nhờ lực mua kỹ thuật ở vùng giá 1650 cents và đóng cửa tăng 1.17% lên mức 1668.50 cents/giạ, bất chấp các số liệu bán hàng của Mỹ không quá tích cực trong báo cáo Bán hàng Xuất khẩu phát hành hàng tuần của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Khô đậu trái chiều với toàn nhóm nông sản do áp lực từ mức tăng của dầu đậu, khiến giá giảm gần 1% về 474.1 USD/tấn Mỹ khi kết thúc phiên.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 0.6% xuống còn 216.1 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn giảm 0.4% xuống còn 2139 USD/tấn.
Theo hãng tư vấn Safras & Mercado, sản lượng cà phê niên vụ 2022/23 của Brazil sẽ đạt 61.1 triệu bao, tăng 8% so với niên vụ trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức cao kỷ lục của niên vụ 2020/21. Trong khi đó, tồn kho Arabica trên Sở ICE đã hồi phục về mức 1.07 triệu bao.
Đối với mặt hàng cà phê Robusta, nguồn cung tại nhà nước xuất khẩu chính là Indonesia đang ở mức hạn chế. Tuy nhiên giá đóng cửa trong sắc đỏ một phần là do dòng tiền của giới đầu tư đang tập trung vào nhóm mặt hàng nhiên liệu và lương thực.
Giá đường 11 đóng cửa tăng 0.7% lên mức 18.7 cents/pound, giá đường trắng cao hơn 0.6% và đạt mức 526 USD/tấn. Việc giá dầu thô tăng hơn 8% trong phiên hôm qua đã kéo theo đà tăng của giá 2 mặt hàng này. Tuy nhiên, việc nguồn cung đường trong bối cảnh hiện nay không bị gián đoạn là yếu tố kìm hãm mức tăng của giá trong phiên.
Giá cacao đóng cửa giảm 1.1%. xuống còn 2504 USD/tấn, đánh dấu chuỗi giảm 4 trong 5 phiên liên tiếp của mặt hàng này.
KIM LOẠI
Cả hai mặt hàng kim loại quý đồng loạt tăng trở lại, cụ thể, giá bạc dẫn đầu với mức tăng gần 4% lên 25.6 USD/ounce và giá bạch kim tăng 2.3% lên 1031 USD/ounce. Đồng USD suy yếu đang là yếu tố hỗ trợ rất tốt đối với nhóm kim loại quý, chỉ số Dollar Index hiện giảm về dưới mức 98 điểm, thấp nhất trong vòng một tuần. Dòng tiền đang có xu hướng phân bổ trở lại vào các thị trường trú ẩn an toàn bởi các nhà đầu tư lại lo lắng về tình hình lạm phát, khi giá dầu thô quay trở lại mức 100 USD. Mức tăng lãi suất chỉ 0.25% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có phần “nhẹ tay” và chưa đủ để kìm hãm sự gia tăng của giá hàng hoá.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng nối dài đà tăng với mức đóng cửa cao hơn 2.2% lên 4.7 USD/pound. Bên cạnh nỗi lo về nguồn cung bị thắt chặt ở nước xuất khẩu đồng lớn thứ hai thế giới, Peru, sức mua cũng được cải thiện khi mà nhà tiêu thụ số một thế giới, Trung Quốc cam kết các chính sách thúc đẩy thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế, và nới lỏng một số hạn chế phòng chống dịch Covid-19. Trái lại, giá quặng sắt không giữ được đà tăng và giảm nhẹ 0.4% về 148.7 USD/tấn.
Thị trường nhôm cũng lấy lại sắc xanh, với mức tăng gần 4% trong bối cảnh những bế tắc trong hoạt động ngoại giao ở Biển Đen lại làm dấy lên nỗi lo về sự sụt giảm nguồn cung đến từ phía Nga và cả việc các nhà máy luyện nhôm ở Châu Âu phải ngừng hoạt động vì giá năng lượng tăng.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu WTI tăng 8.4% lên gần 103 USD/thùng, và giá dầu thô Brent cũng đóng cửa cao hơn gần 9% lên 106.6 USD/thùng. Dù cả hai mặt hàng dầu thô đã lấy lại mốc 100 USD nhưng mức giá này vẫn thấp hơn khoảng 20% so với mức đỉnh được lập vào tuần trước. Sức mua trên thị trường tăng trở lại khi mà đàm phán giữa Nga và Ukraine lại rơi vào bế tắc, khiến cho nguồn cung dầu thô thế giới có thể sẽ tiếp tục ở trong tình trạng bị thiếu hụt lâu dài. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo thị trường năng lượng có thể đối mặt với “cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập kỷ”, bởi thị trường sẽ thiếu hụt 3 triệu thùng/ngày do các lệnh trừng phạt và mức giảm này lớn hơn rất nhiều so với nỗ lực cắt giảm nhu cầu tiêu thụ chỉ có 1 triệu thùng/ngày của thế giới.
Ngoài ra, Ngân hàng Morgan Stanley nâng mức dự báo giá dầu thô Brent sẽ tăng trở lại 120 USD trong quý III/2022 và dự đoán sản lượng dầu thô của Nga sẽ giảm khoáng 1 triệu thùng trong tháng 4. Ngân hàng cũng cho biết nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu sẽ giảm khoảng 600,000 thùng, trong bối cảnh Trung Quốc phải phong toả vì dịch bệnh và kỳ vọng tăng trưởng GDP kém hơn trên toàn thế giới.
Hiện Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là hai nước nắm giữ công suất dự phòng đáng kể có thể ngay lập tức giúp bù đắp sự thiếu hụt, nhưng cho đến nay họ đều chọn không tăng sản lượng, vì thế tình trạng nguồn cung eo hẹp trên toàn cầu sẽ khó có thể được khắc phục trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, thị trường dầu thô cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đợt tăng lãi suất vừa qua của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nhiều chuyên gia cho rằng mức tăng 0.25% có phần khiêm tốn và sẽ không đủ để kìm hãm việc lạm phát đang tăng nhanh nhất trong vòng 4 thập kỷ trở lại đây.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV