NÔNG SẢN
Mặc dù chịu lực bán áp đảo trong phiên sáng, tuy nhiên đà tăng rất mạnh của giá lúa mì trong phiên tối đã kéo giá ngô quay đầu tăng 1.3% lên mức 758.00 cents/giạ. Trong khi đó, cả 2 mặt hàng lúa mì Chicago và lúa mì Kansas đều tăng đến hơn 5% lên lần lượt là 1154.25 cents/giạ và 1157.50 cents/giạ.
Lo ngại về nguồn cung ở khu vực biển Đen, do chính phủ Nga nhiều khả năng sẽ cấm xuất khẩu 2 mặt hàng này đến hết tháng 06, trong khi mùa vụ lúa mì và ngô của Ukraine sắp tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ chiến tranh, vẫn đang là yếu tố chính thúc đẩy giá của 2 mặt hàng này.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Nga và Ukraine chiếm tổng cộng 26% lượng xuất khẩu lúa mì và 16% lượng xuất khẩu ngô toàn cầu. Do đó, việc nguồn cung bị gián đoạn tại đây thường có ảnh hưởng lớn đến giá nông sản do thị trường khó có thể tìm kiếm giải pháp thay thế.
Trong khi đó, dù phục hồi trong phiên tối nhưng đậu tương vẫn giảm gần 1% khi kết thúc phiên. Theo Hiệp hội Chế biến Hạt có dầu Quốc gia (NOPA), ép dầu đậu tương của Mỹ trong tháng 02 giảm mạnh 9.4% xuống 165.1 triệu giạ, là yếu tố cản trở chính trong phiên hôm qua.
Tồn kho dầu đậu tương trong tháng 02 tăng 1.6% lên mức 2.1 tỉ pounds, cao nhất kể từ tháng 04/2020, cũng góp phần khiến giá dầu đậu giảm 0.37% về 73.68 cents/pound.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá cà phê Arabica trên Sở ICE US giảm mạnh 3.5% xuống còn 211.15 cents/pound, giá cà phê Robusta quay đầu giảm 1.61% về mức 2081 USD/tấn.
Đối với mặt hàng cà phê Arabica, dù không đón nhận nhiều thông tin cơ bản mới từ thị trường, giá vẫn chịu áp lực giảm trong 5 phiên liên tiếp. Những chuyển biến tích cực về nguồn cung trong ngắn và trung hạn đã khiến cho các quỹ đầu tư tiếp tục cắt giảm vị thế mua đối với mặt hàng này. Ở một diễn biến khác, mức giảm của cà phê Robusta trong phiên hôm qua đã khiến giá mất đi động lực hồi phục trong 1 tuần vừa qua dù thị trường vắng bóng thông tin cơ bản.
Giá đường 11 giảm mạnh 2.09% xuống còn 18.73 cents/pound, giá đường trắng đóng cửa giảm 1.34% xuống còn 522.7 USD/tấn. Sự suy yếu của giá dầu thô là nguyên nhân chính lý giải cho mức giảm của giá đường trong 2 phiên trở lại đây.
Giá cacao đóng cửa giảm 3.41% xuống còn 2522 USD/tấn. Bên cạnh sự suy yếu trong nhu cầu tiêu thụ do lạm phát tăng cao, giá mặt hàng này còn bị ảnh hưởng bởi triển vọng tích cực của mùa vụ cacao ở Bờ biển Ngà.
KIM LOẠI
Các mặt hàng kim loại quý tiếp tục lao dốc với giá bạch kim giảm mạnh nhất với mức đóng cửa thấp hơn gần 5% vền 1002.5 USD/ounce. Đây là tín hiệu cho thấy giá bạch kim rất có thể sẽ rớt khỏi mức 1000 USD/ounce trong thời gian tới. Giá bạc cũng giảm 0.6% về 25.2 USD/ounce, đồng thời giá vàng cũng kết thúc phiên giảm gần 2% về 1917.9 USD/ounce. Không chỉ có các mặt hàng kim loại, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng nhẹ 1 điểm cơ bản lên 2.15%, cao nhất kể từ tháng 6/2019. Diễn biến giá đang chỉ ra rằng dòng tiền đang rời khỏi các kênh trú ẩn an toàn, để quay lại. với các thị trường rủi ro cao hơn.
Hiện cuộc họp tháng 3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang diễn ra, và rất có thể sẽ có thông báo tăng lãi suất ít nhất 0.25% khi phiên họp này kết thúc. Động thái này đang góp phần củng cố vị thế cho đồng USD, nhưng lại làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản như kim loại quý hay trái phiếu. Vì thế giá của cả vàng, bạc và bạch kim đều sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn nếu FED đưa ra các biện pháp thắt chặt tiền tệ mạnh tay trong thời gian tới.
Đối với nhóm kim loai cơ bản, giá đồng giảm nhẹ 0.2% về mức 4.51 USD/pound, trong khi giá sắt dẫn đầu đà giảm của nhóm kim loại với mức đóng cửa thấp hơn 6.5% về 137.7 USD/tấn. Đây là hai kim loại được tiêu thụ nhiều nhất ở Trung Quốc, nên việc nước này đang tiến hành các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, và đóng cửa nhiều tỉnh khiến cho các hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề. Nhu cầu tiêu thụ đồng và quặng sắt vì thế cũng yếu đi khiến cho giá chịu lực bán lớn.
NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 6.38% xuống 96.44 USD/thùng, trong khi giá Brent giảm 6.54% xuống 99.91 USD/thùng.
Giá đã liên tiếp chịu áp lực trong phiên sáng, do thông tin Nga và Ukraine duy trì đối thoại trong vòng đàm phán thứ 4. Các nỗ lực ngoại giao của 2 bên, trước mắt, đã khôi phục thành công các hành lang nhân đạo, bất chấp tình hình chiến sự thực tế vẫn đang nóng lên từng giờ. Ngay trước khi nối lại đàm phán, Cố vấn Tổng thống Ukraine cho biết ông kỳ vọng chiến tranh sẽ sớm kết thúc vào tháng 5. Các thông tin này đã khiến cho giá giảm gần 8 USD/thùng. Tuy vậy, giá đã phục hồi phần nào trong phiên tối sau khi vòng đàm phán thực tế kết thúc mà chưa đưa ra được cam kết cụ thể nào. Dù vậy, giá liên tục chịu sức ép trở lại trước các thông tin mới về tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc. Số ca nhiễm liên tục tăng mạnh trong những ngày gần đây có thể sẽ buộc chính phủ nước này thắt chặt hơn nữa các biện pháp phong tỏa hay kiểm soát dịch, và làm giảm nhu cầu đi lại cũng như tiêu thụ xăng dầu.
Giá cũng chịu áp lực từ khả năng nguồn cung tăng cao hơn ước tính. Thông tin từ Báo cáo Thị trường dầu của OPEC tối qua cho biết các thành viên trong tháng 2 tăng sản lượng thêm 440,000 thùng/ngày trong tháng 2, gần gấp đôi so với thỏa thuận. Dầu tiếp tục suy yếu sau khi phía Nga cho biết họ sẵn sàng chấp nhận để đàm phán hạt nhân giữa phương tây và Iran nối lại.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV