NÔNG SẢN
Giá dầu thô giảm mạnh do áp lực từ đồng Dollar, kết hợp với mức giảm từ dầu cọ đã khiến giá dầu đậu tương giảm mạnh gần 2.5%, mức giảm lớn nhất trong nhóm nông sản.
Mức giảm của dầu đậu tương kết hợp với việc thu hoạch diễn ra thuận lợi trong cuối tuần trước tại Midwest cũng gây áp lực lớn khiến giá đậu tương giảm mạnh 1.67%. Tuy nhiên, diễn biến trái chiều và lựa mua kỹ thuật ở hỗ trợ 340 giúp khô đậu chỉ giảm 0.7%.
Ngô mặc dù giảm mạnh nhất trong phiên sáng, nhưng lo ngại về nguồn cung của Brazil và xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi tại Mỹ sau cơn bão Ida, giúp giá tăng trở lại trong phiên tối.
Lúa mì giảm hơn 1%, nối tiếp đà giảm từ cuối tuần trước do tác động từ mức tăng của đồng Dollar và diễn biến chung của toàn nhóm nông sản.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Robusta tiếp tục tăng 0.05% lên 2152 USD/tấn, còn, giá Arabica giảm 2% còn 182.6 cents/pound. Robusta là điểm sáng của cả thị trường hàng hóa khi là một trong những mặt hàng hiếm hoi vẫn giữ được sắc xanh trên bảng giá, nhờ vào lực mua đầu cơ trước những lo ngại về chuỗi cung ứng ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến cuối phiên, phe bán tìm cách cân bằng lại thị trường khiến cho giá đóng cửa chỉ tăng 1 USD so với phiên thứ 6 tuần trước. Trái lại, giá Arabica không được hỗ trợ và bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng bán mạnh trên thị trường hàng hóa cũng như các thị trường đầu tư khác như thị trường chứng khoán, và thị trường tiền điện tử. Các nhà đầu tư đang có xu hướng thanh khoản các tài sản tài chính và chuyển sang nắm giữ tiền mặt, để tránh những biến động lớn trên thị trường sau phiên họp của FED vào thứ 5 tuần này.

KIM LOẠI
Giá bạc giảm nhẹ nhất với 0.6% còn 22.2 USD/ounce, giá bạch kim giảm 3.4% còn 899.2 USD/ounce. Lực bán ngày một dồn dập trên thị trường kim loại quý bởi vai trò trú ẩn an toàn của hai kim loại này đều thất thế trước đồng USD. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ trong các ngành công nghiệp cho bạc và bạch kim cũng giảm mạnh dưới tác động của đợt bùng phát dịch mới nhất do biến thể Delta trên toàn cầu. Bên cạnh đó, trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm nhẹ xuống mức 1.311% cho thấy dòng tiền được ưu tiền vào các tài sản an toàn khác thay vì các mặt hàng kim loại quý.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá đồng tiếp tục giảm 3.1% còn 4.11 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 1 tháng. Khủng hoảng nợ của Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn thứ hai ở Trung Quốc khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng sự sụp đổ của Evergrande sẽ khiến Trung Quốc rơi vào suy thoái như sự kiện của ngân hàng Lehman Brothers năm 2008. Tâm lý tiêu cực trước những triển vọng của Trung Quốc khiến lực bán dồn dập ở thị trường đồng phiên thứ 3 liên tiếp.
Giá quặng sắt chính thức đánh mất cột mốc 100 USD khi giá giảm mạnh hơn 8% còn 93.6 USD/tấn. Bên cạnh tâm lý tiêu cực xoay quanh “bom nợ” Evergrande, các nhà đầu tư quặng sắt dường như đã mất hết niềm tin trên thị trường khi Chính phủ Trung Quốc liên tục siết chặt các hoạt động sản xuất thép. Các nhà sản xuất thép ở tỉnh Chiết Giang được yêu cầu hạn chế hoạt động tới hết tháng 9. Đồng thời, sản lượng thép xây dựng sẽ tiếp tục phải cắt giảm từ nay cho tới ngày 15/10. Hiện, giá quặng sắt đã giảm hơn 50% so với mức đỉnh hồi tháng năm, và giá có thể tiếp tục giảm về dưới 90 USD/tấn.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 2.13% xuống 70.29 USD/thùng, Brent giảm 0.86% xuống 73.92 USD/thùng.
Không có nhiều thông tin cơ bản trong ngày hôm qua, do đó thị trường dầu thô phiên tối đã biến động theo thị trường chứng khoán. Cả 3 chỉ số chính tại Phố Wall đồng loạt giảm điểm khi thị trường rơi vào trạng thái bán tháo, do lo ngại công ty bất động sản Evergrande vỡ nợ. Nếu kinh tế Trung Quốc thực sự bước vào suy thoái, điều này sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ, nhập khẩu dầu sụt giảm.
Nhiều nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường và chuyển sang nắm giữ các tài sản trú ẩn an toàn như USD. Sau 3 phiên tăng liên tiếp, hiện Dollar Index đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng. Điều này khiến cho việc nắm giữ các tài sản định giá bằng đồng bạc xanh trở nên kém hấp dẫn, gây sức ép lên giá dầu.
Giá khí tự nhiên đánh mất mốc 5 USD/MMBTu và xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tuần khi dự báo nhiêt độ tại Mỹ sẽ giảm trong 2 tuần tới. Hiện sản lượng khí tự nhiên tại Vịnh Mexico đã đạt khoảng 83% so với bình thường.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)