NÔNG SẢN
Giá đậu tương tiếp tục giảm dưới mức kháng cự 1300 khi các vấn đề trong việc việc vận tải nội địa ở Mỹ khiến cho các quốc gia nhập khẩu chính trở nên dè dặt hơn trong việc mua hàng và thể hiện rõ trong các đơn hàng khiêm tốn của Trung Quốc.
Giá dầu đậu tương tăng nhẹ nhờ ảnh hưởng từ đà tăng của dầu cọ do những số liệu xuất khẩu tích cực hơn trong tháng 8 của Malaysia. Tuy nhiên, mức tăng bị hạn chế do triển vọng nhu cầu nhập khẩu từ Ấn Độ sẽ giảm xuống đáng kể do giá dầu thực vật tăng cao thúc đẩy sản xuất nội địa. Trong bối cảnh giá dầu và đậu tương chỉ thay đổi nhẹ so với tuần trước, giá khô đậu tương kết tuần cũng giảm không đáng kể.
Giá ngô tăng mạnh gần 2% do chất lượng mùa vụ ở Mỹ tiếp tục giảm xuống tuần thứ 3 liên tiếp và sản lượng ethanol có tuần thứ 2 tăng trở lại và đạt mức 937,000 thùng/ngày.
Lúa mì là mặt hàng có mức tăng cao nhất thị trường trong tuần trước khi nguồn cung thắt chặt vẫn là yếu tố hỗ trợ giá. Sản lượng lúa mì tại Pháp và Canada tiếp tục bị cắt giảm. Tại Úc, tình trạng khô hạn suốt thời gian vừa qua cũng gây ra lo ngại nhất định, bất chấp sản lượng được dự báo ở mức cao thứ2 trong lịch sử.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Hai mặt hàng cà phê kết thúc tuần với diễn biến trái chiều. Trong khi giá Robusta tăng cả năm phiên và kết thúc tuần với mức tăng 5% lên 2151 USD/tấn, giá Arabica giảm 0.88% còn 186.4 cents/pound.
Các nhà đầu tư Robusta vẫn tỏ ra rất lo ngại về chuỗi cung ứng ở khu vực Đông Nam Á, bởi tình tình dịch bệnh ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Tổng số ca nhiễm ở Việt Nam đạt gần 700,000 ca và có thể tăng đến 1 triệu ca. Nhiều tỉnh thành đã nới lỏng bớt các chính sách giãn cách, tuy nhiên, các hoạt động vận chuyển trong nước vẫn chưa thể khôi phục lại như giai đoạn trước dịch. Giá Arabica cũng được hưởng lợi từ đà tăng của giá Robusta, tuy nhiên, mức hỗ trợ không còn đủ mạnh để giúp giá đóng cửa tuần với sắc xanh bởi các khu vực trồng cà phê chính ở Brazil được dự báo sẽ có mưa. Tình hình thời tiết thuận lợi khiến cho áp lực bán gia tăng trên thị trường.

KIM LOẠI
Thị trường kim loại trải qua một tuần đầy biến động khi lực bán dồn dập trên thị trường khiến cả bốn mặt hàng đều đóng cửa trong sắc đỏ.
Ở thị trường kim loại quý, giá Bạc giảm mạnh 6.5% còn 22.34 USD/ounce, giá bạch kim giảm gần 3% còn 930.6 USD/ounce. Cả hai mặt hàng đều chịu áp lực bán mạnh khi đồng USD hồi phục trở lại. Chỉ số Dollar Index tăng lên 92.3 điểm, mức cao nhất trong hai tuần sau khi có tin tức doanh số bán lẻ tháng 8 vượt mọi kỳ vọng của giới chuyên môn, phản ánh triển vọng hồi phục tốt của nền kinh thế số 1 thế giới. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư hiện đang ưu tiên nắm giữ tiền mặt, thể hiện qua việc dòng tiền được dịch chuyển bớt khỏi các thị trường chứng khoán, thị trường tiền điện tử, và thị trường trái phiếu. Ngoài sức ép từ đồng bạc xanh, giá bạch kim vẫn giảm do cuộc khủng hoảng chip trên toàn cầu, buộc các nhà sản xuất ô tô trên toàn cầu cắt giảm sản lượng, và làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ cho kim loại này.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá đồng giảm gần 5% còn 4.264 USD/pound, giá quặng sắt giảm mạnh 13% còn 114.55 USD/tấn. Cả hai mặt hàng đều chịu áp lực bán dồn dập trước các tin tức tiêu cực từ phía Trung Quốc. Bất chấp tỷ lệ tiêm chủng đã đạt hơn 90%, một đợt dịch mới bùng phát ở tỉnh Phúc Kiến trong tuần vừa rồi khiến cho tâm lý các nhà đầu tư trở nên rất lo ngại cho triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục bán đồng từ kho dự trữ quốc gia và tiếp tục giới hạn nghiêm ngặt sản lượng thép, do đó, giả cả hai mặt hàng sẽ tiếp tục gặp nhiều sức ép trong thời gian tới.

NĂNG LƯỢNG
Dầu thô tăng tuần thứ 4 liên tiếp khi nguồn cung bị bó hẹp do ảnh hưởng của các cơn bão tại Vịnh Mexico. Cụ thể, giá WTI tăng 3.38% lên 71.82 USD/thùng. Gía Brent tăng 3.18% lên 74.56 USD/thùng.
Sau một thời gian dài mắc kẹt trong khoảng giao dịch hẹp, dầu thô đã lấy lại mức giá trong tháng 7 nhờ vào nguồn cung bị bó hẹp. Theo ước tính của Tổ chức Năng lượng Quốc tế IEA, cơn bão Ida có thể khiến cho sản lượng dầu tại Vịnh Mexico thiệt hại đến 30 triệu thùng, bù đắt cho nhu cầu sụt giảm tại khu vực châu Á do tác động của dịch COVID-19 và sản lượng tăng thêm từ OPEC+. Trong khi đó, cả 3 tổ chức lớn là IEA, EIA, OPEC đều đưa ra nhận định tích cực về tăng trưởng nhu cầu thế giới trong quý IV tại báo cáo mới nhất, do đó không khó hiểu khi thị trường bứt phá lên mức cao. Thị trường cũng kỳ vọng Trung Quốc sẽ tăng hạn ngạch nhập khẩu trong 1-2 tháng tới, giải phóng sức mua từ các nhà máy lọc dầu độc lập.
Khí tự nhiên tăng mạnh 3.48% lên 5.146 USD/thùng, thúc đẩy bởi nhu cầu gia tăng tại châu Âu và châu Á.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)