NÔNG SẢN
Giá đậu tương kết phiên tăng gần 1% khi ép dầu đậu tương tháng 08 trong báo cáo của NOPA bất ngờ tăng cao hơn tháng 07, trái với dự đoán giảm của thị trường. Thông tin đã giúp cho giá đậu tương duy trì được lực mua cho đến tận cuối phiên.
Dầu đậu tương có mức tăng mạnh nhất thị trường nhờ diễn biến giá dầu cọ Malaysia có phiên tăng thứ 3 liên tiếp nhờ các số liệu xuất khẩu tích cực trong nửa đầu tháng 09. Diễn biến trái chiều với dầu đậu tương đã hỗ trợ giá khô đậu tương tiếp tục suy yếu trong phiên hôm qua.
Giá ngô đã tiếp nối đà tăng từ phiên trước đó và đạt mức tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 8. Sản lượng ethanol của Mỹ tiếp tục có tuần thứ 2 tăng trở lại và đạt mức 937,000 thùng/ngày, cao hơn 14,000 thùng so với báo cáo trước là yếu tố chính thúc đẩy giá.
Giá lúa mì kết phiên cũng tăng mạnh khi IKAR giảm dự báo diện tích đất trồng lúa mì trong niên vụ mới của Nga xuống còn 17.3 triệu héc-ta, thấp hơn mức 17.8 triệu héc-ta trong niên vụ trước.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica tăng 1% lên 187.35 cents/pound, giá Robusta cũng đóng cửa với mức tăng 0.9% lên 2082 USD/tấn. Tuy biến thể Delta lây lan làm ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ cà phê trên toàn cầu, nhưng giá của cả hai mặt hàng vẫn được hỗ trợ từ những lo ngại do đứt gãy chuỗi cung ứng. Ở Việt Nam, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 khiến cho việc lưu thông hàng hóa trong nước gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu hụt container và cước phí tàu biển gia tăng vẫn chưa được cải thiện khiến cho hàng vẫn dồn ứ tại các cảng và khối lượng xuất khẩu Robusta trong tháng 8 giảm. Không chỉ ở Việt Nam, biến thể Delta đang bùng phát trở lại ở Trung Quốc và các cảng biển lớn bị bão Chanthu tấn công cũng gây gián đoạn chuỗi cung ứng cà phê Arabica từ Brazil.
Bên cạnh cà phê, lực mua cũng áp đảo trên thị trường đường. Giá đường 11 tăng gần 3% lên 430 USD/tấn, giá đường trắng tăng 3.3% lên 511.9 USD/tấn. Giá đường được hỗ trợ gián tiếp khi đà tăng của giá dầu thô hỗ trợ cho giá dầu ethanol mà đường vốn là một nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất.
KIM LOẠI
Ở thị trường kim loại quý, giá bạc giảm nhẹ 0.35% còn 23.8 USD/ounce, giá bạch kim tiếp tục suy yếu 0.9% còn 930 USD/ounce. Sự suy yếu của đồng USD hôm qua không hỗ trợ nhiều cho giá các mặt hàng kim loại quý bởi dòng vốn đã quay trở lại các thị trường đầu tư rủi ro. Cả ba chỉ số thước đo của thị trường chứng khoán Mỹ là S&P 500, Dow Jones và Nasdaq đồng loạt tăng trở lại sau chuỗi ngày giao dịch ảm đạm. Đồng Bitcoin cũng lấy lại mốc 48,000 USD sau hơn một tuần đi ngang. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng nhẹ cho thấy dòng tiền hầu như có sự dịch chuyển ra khỏi các thị trường trú ẩn an toàn.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá đồng bật tăng gần 2% lên 4.41 USD/pound bất chấp các tin tức tiêu cực ở phía Trung Quốc. Sản lượng công nghiệp tháng 8 tăng trưởng 5.3%, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020. Đồng thời, dịch bệnh đang bùng phát lại ở tỉnh Phúc Kiến có thể sẽ lây lan rộng hơn và làm gián đoạn các hoạt động sản xuất công nghiệp ở nước này. Do đó, mức tăng của giá đồng trong phiên hôm qua mang nhiều yếu tố kỹ thuật, và thị trường có thể điều chỉnh trong các phiên sắp tới. Quốc gia sản xuất đồng lớn nhất thế giới là Chile cũng đưa ra dự báo giá đồng trong năm 2021 sẽ đạt mức trung bình là 4.2 USD/pound do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.
Giá quặng sắt trên sở giao dịch Singapore tiếp tục giảm mạnh gần 3% còn 123.5 USD/tấn. Các nhà đầu tư đang rất “nhạy cảm” với các thông tin liên quan đến sản lượng thép ở Trung Quốc. Lực bán dồn dập trên thị trường sau khi Cục thống kê Quốc gia cho biết sản lượng thep thô của Trung Quốc giảm tháng thứ 3 liên tiếp về 83.24 triệu tấn, đưa sản lượng trung bình hàng ngày về mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1 trên Sở giao dịch Hàng hóa Đại Liên, cũng giảm 4.3% xuống 106,02 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 9/12/2020.
NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 3.05% lên 72.61 USD/thùng, giá Brent tăng 2.53% lên 75.46 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên từ tháng 7 giá Brent vượt qua mốc 75 USD/thùng.
Thị trường vượt qua lo ngại về rủi ro nhu cầu giảm do dịch COVID-19 và tập trung vào yếu tố nguồn cung. Sản lượng dầu thô trong tuần kết thúc 10/09 chỉ tăng không đáng kể 100,000 thùng so với kỳ báo cáo trước đó, vẫn thấp hơn 1.4 triệu thùng so với sản lượng bình thường. Báo cáo tuần này một lần nữa nhấn mạnh tác động của bão Ida tới sản xuất dầu tại Mỹ. Cơn bão Nicholas vừa đi qua cũng làm chậm nỗ lực phục hồi sản xuất. Do đó, ảnh hưởng của bão Ida vẫn sẽ thể hiện ở các báo cáo tới. Theo cảnh báo của IEA, mức gia tăng sản lượng của các thành viên OPEC+ chỉ đủ để bù trừ thiệt hại của Ida, do đó, phải đến tháng 10 tình trạng thiếu hụt nguồn cung mới có thể được cải thiện.
Giá khí tự nhiên tăng mạnh 3.8% lên 5.46 USD/MMBTu theo đà tăng của giá dầu.