NÔNG SẢN
Giá đậu tương kết tuần chỉ giảm nhẹ chưa tới 0.5%. Các hoạt động xuất khẩu của Mỹ bị đình trệ sau bão Ida là yếu tố thu hẹp mức giảm do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm khi lợi nhuận ép dầu giảm xuống mức âm trong vài tháng qua.
Dầu đậu tương giảm rất mạnh hơn 5% do triển vọng nhu cầu nhập khẩu từ Ấn Độ sẽ giảm xuống đáng kể do giá dầu thực vật tăng cao thúc đẩy sản xuất nội địa. Với giá đậu tương không thay đổi quá nhiều, việc dầu đậu tương sụt giảm là yếu tố hỗ trợ cho giá khô đậu tương, và giúp đây là mặt hàng nông sản duy nhất vẫn giữ được sắc xanh trong tuần vừa qua.
Giá ngô chịu áp lực suốt các phiên đầu tuần nhưng đà giảm đã bị chặn lại bởi phiên thứ 6 khi báo cáo Cung - cầu được công bố. Đà giảm do kỳ vọng của thị trường về nguồn cung ở Mỹ được nới lỏng với mức năng suất và diện tích gieo trồng đều tăng lên nên khi số liệu được công bố, tác động “bearish" đã không còn mạnh.
Lúa mì là mặt hàng dẫn đầu đà giảm của thị trường trong tuần trước. Báo cáo Cung - cầu không có quá nhiều thay đổi bất ngờ đối với mặt hàng này, thay vào đó là những dấu hiệu cho thấy lo ngại trước đó của thị trường về nguồn cung đã giảm bớt. Sản lượng lúa mì của Canada và Australia đều tăng lên đã gây sức ép chính lên giá.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Hợp đồng cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12 kết thúc tuần giảm 2.6% còn 188.05 cents/pound, hợp đồng Robusta kỳ hạn tháng 11 cũng giảm 0.5% còn 2048 USD/tấn.
Sau hai tuần giao dịch thăng hoa, cả hai mặt hàng cà phê đều chịu áp lực chốt lời. Các yếu tố hỗ trợ cho giá cà phê Arabica và giá cà phê Robusta đều thiên về dài hạn, trong khi đó, các tin tức trong tuần qua đều không đủ tích cực để giúp giá trụ vững trước lực bán. Tâm điểm tuần qua là báo cáo tháng 8 của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO). Báo cáo này chỉ ra rằng cân bằng cung cầu cà phê trên toàn cầu trong năm nay đã tăng lên 2.6 triệu bao, cao hơn 30% so với dự báo tháng 7, xóa tan những lo ngại về thâm hụt nguồn cung trước đó. Trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ cần để ý đến diễn biến thời tiết ở Brazil khi những khu vực trồng cà phê Arabica được dự báo có mưa, và điều này có thể gây sức ép lên giá.
Giá đường 11 và đường trắng cũng giảm trung bình 4.2% về lần lượt là 414 USD và 464 USD/tấn. Giá đường mất đà tăng của tháng 7 và tháng 8 bởi với nhu cầu giảm do giá cước tăng cao và sản lượng giảm ở nhà sản xuất hàng đầu Brazil đã được định giá. Bên cạnh đó, các quỹ giảm vị thế mua ròng cũng khiến cho giá đường giảm mạnh.

KIM LOẠI
Giá bạc giảm gần 4% còn 23.9 USD/ounce, giá bạch kim giảm mạnh 6.3% còn 956 USD/ounce.
Dù không có các tin tức nào liên quan tới các chính sách tiền tệ của FED khiến cho giá của cả hai mặt hàng kim loại quý chịu áp lực trực tiếp, nhưng tâm lý tiêu cực của các nhà đầu tư về triển vọng của thị trường đã khiến cho giá bạc và bạch kim đều giảm mạnh. Thị trường lao động Mỹ tiếp tục hồi phục và chỉ số giá sản xuất PPI cao hơn so với dự báo, làm tăng khả năng làm tăng khả năng FED sẽ thắt chặt các chính sách tiền tệ. Đáng chú ý, Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới cho biết cân bằng cung cầu bạch kim sẽ ở mức thặng dư khiến cho thị trường bạch kim vốn đã ảm đạm, từ nay giá sẽ gặp phải áp lực bán mạnh hơn.
Ở thị trường kim loại cơ bản, đồng là kim loại duy nhất duy trì được sắc xanh khi kết thúc tuần với mức tăng 2.7% lên 4.45 USD/pound, cao nhất trong vòng hơn 1 tháng. Giá đồng được hỗ trợ bởi những lo ngại về nguồn cung khi tồn kho đồng trên Sở giao dịch Thượng Hải giảm về 61.84 tấn, mức thấp nhất trong vòng 10 năm. Bên cạnh đó, lực mua ở các khu vực kỹ thuật quan trọng cũng làm tăng thêm hiệu ứng của tin tức, giúp giá bứt phá trong tuần vừa rồi.
Trái lại, giá quặng sắt tiếp tục giảm hơn 9% còn 131.76 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 1 năm. Đây cũng là mức giảm lớn nhất trong số 25 mặt hàng. Các hoạt động sản xuất thép, lĩnh vực tiêu thụ quặng sắt lớn nhất, bị hạn chế bởi các chính sách bảo vệ môi trường của chính phủ Trung Quốc. Các nhà chức trách quy định sản lượng thép năm nay không được cao hơn năm ngoái, và điều này đã khiến cho giới đầu tư gần như mất đi niềm tin về triển vọng của thị trường. Hợp đồng quặng sắt tháng 1 trên Sở giao dịch Hàng hóa Đại Liên đã kết thúc tuần ở mức 113,66 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 0.62% lên 69.72 USD/thùng, giá Brent tăng 0.43% lên 72.92 USD/thùng.
Nguồn cung thiếu hụt thể hiện rõ nhất trong Báo cáo Dầu khí hàng tuần của EIA trong tuần trước, khi sản lượng dầu thô tại Mỹ sụt giảm kỷ lục gần 1.5 triệu thùng trong tuần kết thúc 03/09. Tình hình tại Mỹ cũng giúp thị trường nhanh chóng vượt qua lo ngại tại Trung Quốc. Mặc dù Cục Quản lý Dự trữ Chiến lược và Lương thực Quốc gia Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành đấu giá công khai kho dầu để giảm áp lực giá nguyên liệu trong nước, tuy nhiên sự thiếu hụt thông tin về lịch trình và sản lượng cụ thể khiến các thương nhân nghi ngờ về tác động lâu dài của chiến lược này. Nhất là khi Trung Quốc được kỳ vọng sẽ gia tăng hạn ngạch nhập khẩu cho các nhà máy tư nhân trong quý IV năm nay, và các nước châu Á như Ấn Độ cũng đang từng bước thoát khỏi tác động của dịch.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng 4.8% trong tuần, thúc đẩy bởi nhu cầu xuất khẩu do mức tăng kỷ lục tại thị trường châu Âu. So với năm ngoái, sản lượng khí tự nhiên xuất khẩu đã tăng hơn 40%.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)