NÔNG SẢN
Đậu tương giằng co và đóng cửa ở mức gần thấp nhất phiên. Theo Sở giao dịch ngũ cốc Buenos Aires (BAGE), sản lượng đậu tương niên vụ 21/22 tại Argentina ước tính đạt 44 triệu tấn, cao hơn mức 43.1 triệu tấn trong niên vụ 20/21. Nguồn cung ở Argentina được nới lỏng trong khi ở Brazil, tốc độ bán hàng đang chậm lại bất chấp xu hướng giảm giá của đồng Real trong thời gian gần đây là yếu tố đã tạo sức ép lên giá.
Tốc độ ép dầu của Mỹ trong tháng 8 được dự đoán tiếp tục ở mức thấp là thông tin hỗ trợ cho dầu đậu tương. Ngược lại, áp lực trái chiều và diễn biến suy yếu của đậu tương đã khiến giá khô đậu tương giảm gần 1%.
Giá ngô tăng mạnh và lấy lại hoàn toàn mức giảm từ phiên đầu tuần. Chất lượng ngô giảm liên tiếp 3 tuần xuống mức thấp nhất niên vụ là yếu tố giúp lực mua chiếm ưu thế trong suốt phiên giao dịch.
Lúa mì dẫn đầu mức tăng của thị trường nhờ nguồn cung suy yếu hơn ở Pháp và Canada, 2 nước sản xuất lúa mì lớn trên thế giới trong khi nhu cầu nhập khẩu lúa mì trong tuần đầu tháng 9 của Ai Cập tăng mạnh.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Diễn biến trái chiều tiếp tục duy trì ở thị trường cà phê với giá Arabica giảm 0.7% còn 185.45 cents/pound, giá Robusta tiếp tục tăng 0.3% lên 2063 USD/tấn. Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, khối lượng xuất khẩu cà phê trong tháng 8 của Việt Nam đạt gần 112 nghìn tấn, giảm 8.7% so với tháng trước, lũy kế trong 8 tháng của năm nay đạt 1.077 triệu tấn, giảm 6.4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là điều không quá bất ngờ bởi tình hình dịch bệnh ở Việt Nam vẫn chưa được khống chế và những khó khăn trong chuỗi vận chuyển đã làm ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động xuất khẩu cà phê. Trái lại, giá cà phê Arabica tiếp tục lao dốc bởi những một số khu vực trồng cà phê ở miền Nam Brazil như Rio de Janeiro đã xuất hiện mưa.
Giá cả hai mặt hàng đường cũng đi ngược nhau với giá đường 11 giảm 0.11% còn 418 USD/tấn, trong khi giá đường trắng tăng 2.25% lên 495.6 USD/tấn.
KIM LOẠI
Sắc đỏ vẫn áp đảo trên bảng giá của các mặt hàng kim loại. Ở thị trường kim loại quý, giá bạch kim giảm 2% còn 938.7 USD/ounce, trong khi giá bạc hồi phục nhẹ lên 23.89 USD/ounce. Chỉ số Dollar Index giảm còn 92.6 điểm sau khi chỉ số giá tiêu dùng CPI được công bố không cao như dự đoán trước đó, khiến cho các nhà đầu tư tin rằng FED sẽ tiếp tục duy trì các chính sách tiền tệ nới lỏng.Giá bạch kim tiếp tục giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ suy giảm trong bối cảnh dịch Covid-19 gây trì hoãn các hoạt động sản xuất kinh tế trên toàn cầu.
Ở thị trường kim loại cơ bản, cả hai mặt hàng là đồng và quặng sắt tiếp tục lao dốc. Giá đồng giảm 1% còn 4.32 USD/pound, giá quặng sắt giảm 0.6% còn 126.79 USD/tấn trước những tin tức tiêu cực từ Trung Quốc. Số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng của nước này đang lây lan rất mạnh, khiến cho một số tỉnh bị bùng phát dịch như Phúc Kiến quay trở lại trạng thái giãn cách nghiêm ngặt. Việc dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát ổn định khiến cho các nhà đầu tư rất lo lắng về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc, vốn là nơi tiêu thụ đồng và quặng sắt lớn nhất trên thế giới. Điều này khiến cho lực bán ở cả hai thị trường đang áp đảo trong các phiên gần đây.
NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá Bent tăng 0.12% lên 73.6 USD/thùng, WTI nhích nhẹ 0.01% lên 70.46 USD/thùng.
Cơn bão nhiệt đới Nicholas suy yếu sau khi đổ bộ vào Texas cũng khiến cho lo ngại về gián đoạn sản xuất giảm dần.
Đồng Dollar tăng giá trong phiên tối cũng gây sức ép cho giá dầu. CPI tại Mỹ trong tháng 8 tăng 0.3%, thấp hơn kỳ vọng của thị trường đã hỗ trợ cho USD và gây sức ép các mặt hàng định giá bằng đồng bạc xanh.
Giá khí tự nhiên tiếp tục tăng 0.55% lên 5.26 USD/MBTu. Hiện tại, khoảng 40% sản lượng tại Vịnh Mexico vẫn chưa được khôi phục sau cơn bão Ida. Trong khi đó, xăng RBOB tăng 0.53% lên 2.1724 USD/gallon sau khi đường ống dẫn dầu của Colonial Pipeline ngừng hoạt động do bão.