NÔNG SẢN
Giá các mặt hàng giảm khá mạnh trong phiên sáng do tác động kéo dài từ báo cáo Cung – cầu tháng 09, cùng với thông tin chính phủ Argentina ký thỏa thuận ngắn hạn cho phép nạo vét sông Parana để nối lại các hoạt động xuất khẩu.
Sang đến phiên tối, đơn hàng 132,000 tấn đậu tương của Mỹ bán cho một nước giấu tên đã giúp giá mặt hàng này tăng trở lại, qua đó đóng cửa chỉ với mức giảm nhẹ 0.14%.
Đà tăng mạnh của dầu thô và dầu cọ cũng giúp giá dầu đậu tương phục hồi lại về mức tham chiếu. Qua đó, diễn biến trái chiều cùng lực mua kỹ thuật từ mức hỗ trợ 340 USD đã giúp cho giá khô đậu trở thành mặt hàng có mức tăng mạnh nhất nhóm nông sản trong phiên hôm qua.
Ngô là mặt hàng giảm mạnh nhất với gần 1% do thời tiết thuận lợi tại miền Nam Brazil đang thúc đẩy gieo trồng. Mức giảm mạnh của ngô cũng gây áp lực lên giá lúa mì, khiến giá giảm nhẹ 0.22%.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 0.66% còn 186.8 cents/ound, trong khi sắc xanh quay trở lại với thị trường Robusta đưa giá tăng nhẹ 0.44% lên 2057 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê của Brazil trong tháng 8/2021 đạt 2.67 triệu bao, giảm 25.2% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, xuất khẩu trong hai tháng 7 và 8 vừa qua, hai tháng đầu của niên vụ 2021/22, đạt 5.54 triệu bao, thấp hơn so 18.7% về khối lượng nhưng cao hơn 5.8% về giá trị so với kỳ trước. Khối lượng xuất khẩu sụt giảm rõ rệt bởi những khó khăn trong chuỗi vận chuyển trên toàn cầu, vốn chưa thể phục hồi do đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, dưới tác động của chu kỳ hai năm một và ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán và sương giá, sản lượng của Brazil đã bị ảnh hưởng đáng kể và hỗ trợ cho giá cà phê tăng.

KIM LOẠI
Diễn biến trái chiều cũng xuất hiện ở thị trường kim loại quý khi mà giá bạc giảm 0.44% còn 23.8 USD/ounce, giá kim hồi phục nhẹ 0.1% lên 957 USD/ounce. Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn chưa hồi phục, đồng thời thị trường tiền điện tử liên tiếp giảm đã khiến cho nhu cầu nắm giữ tiền mặt với giá trị thanh khoản cao như đồng USD tăng vọt. Chỉ số Dollar Index tăng lên 92.68 điểm. Đã có lúc trong phiên giá tăng lên 92.9 điểm, mức cao nhất trong vòng 2 tuần, gây áp lực lên giá của cả hai mặt hàng kim loại quý. Tuy nhiên, đến cuối phiên bạch kim là kim loại hồi phục tốt hơn do lực bắt đáy ở mức hỗ trợ 950 USD/ounce mạnh hơn.
Ở thị trường kim loại cơ bản, cả hai mặt hàng là đồng và quặng sắt đồng loạt suy yếu. Giá đồng giảm gần 2% còn 4.36 USD/pound khi mà các cuộc đình công ở hai mỏ Andina và Colorado đều đã chấm dứt khi công đoàn đạt được thỏa thuận về tiền lương. Nỗi lo về nguồn cung phần nào dịu đi khiến cho giá chịu áp lực bán và giảm. Giá quặng sắt tiếp tục giảm hơn 3% còn 127.5 USD/tấn bởi các quy định sản xuất thép ngày càng được thắt chặt. Lãnh đạo tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, yêu cầu các nhà máy địa phương điều chỉnh lịch trình sản xuất sao cho sản lượng thép thô của năm 2021 giảm. Hợp đồng quặng sắt tháng 1 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên đã kết thúc phiên thấp hơn 0.3% ở mức 113,66 USD/tấn. Các chính sách kiểm soát sản xuất thép nhằm bảo vệ môi trường của chính phủ Trung Quốc có thể khiến cho giá quặng sắt không thể phục hồi lại mức đỉnh cũ của năm nay.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.05% lên 70.45 USD/thùng, Brent tăng 0.81% lên 73.51 USD/thùng.
Theo thông báo mới nhất của Cục Thực thi An toàn và Môi trường, 44% sản lượng dầu thô tại Vịnh Mexico, tương đương khoảng 800,000 thùng/ngày vẫn đang chịu thiệt hại từ cơn bão Ida. Trong khi đó, cơn bão nhiệt đới Nicholas đang tiến tiến vào Texas và Louisiana, đe doạ gây ngập lụt một số khu vực, gây khó khăn cho công tác khôi phục hoạt động sản xuất tại Vịnh. Một số công ty đã bắt đầu cho di tản nhân công khỏi các cơ sở ngày hôm qua.
Trong khi đó, mặc dù OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu trong quý IV năm nay 110,000 thùng/ngày xuống 99.7 triệu thùng/ngày, tuy nhiên trong năm nay, nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn tăng 5.96 triệu thùng/ngày so với 2020, gần như không đổi so với báo cáo lần trước. Thông tin này cũng củng cố đà tăng của dầu thô, giúp giá đóng cửa 2 mặt hàng tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tuần.
Giá khí tự nhiên tăng rất mạnh 5.93% lên 5.231 USD/MMBTu khi sản xuất tại Vịnh Mexico vẫn chưa trở về bình thường. Gia tăng xuất khẩu khiến cho tồn kho tại Mỹ hiện thấp hơn 7.4% so với trung bình 5 năm, là tác nhân hỗ trợ giá trong những phiên gần đây.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)