NÔNG SẢN
Giá đậu tương tăng mạnh hơn 3% nhờ chất lượng cây trồng ở Mỹ giảm xuống cùng với đơn mua hàng 132,000 tấn cho niên vụ 2021/22 sang Trung Quốc.
Dầu đậu tương đóng cửa cao hơn 3.4% bất chấp việc dầu cọ giảm nhẹ. Thị trường năng lượng và vĩ mô mạnh hơn sau đợt bán tháo ồ ạt vào tuần trước là yếu tố hỗ trợ cho mặt hàng này. Khô đậu tương cũng tăng 2.3% theo đà tăng mạnh của nhóm họ đậu.
Giá ngô cũng diễn biến tương tự khô đậu tương với lực bán áp đảo ngay từ đầu phiên do chất lượng mùa vụ đi xuống, cùng với đơn mua hàng từ Mexico. Bên cạnh đó, xuất khẩu trong tuần xuất khẩu trong tuần 3 tháng 8 của Brazil thấp hơn 34.5% so với cùng kỳ năm trước trong khi nhập khẩu lại cao hơn rất nhiều cho thấy nguồn cung nước này đang thiếu hụt rõ ràng là yếu tố góp phần vào đà tăng hôm qua của ngô.
Giá lúa mì đóng cửa giảm nhẹ 0.17% với diễn biến hoàn toàn trái ngược với 2 mặt hàng ngũ cốc còn lại. Vụ lúa mì xuân niên vụ 2021/22 ở Mỹ đang bước vào giai đoạn kết thúc với 77% diện tích đã được thu hoạch xong. Con số này tăng từ 58% của tuần trước và bỏ xa mức trung bình 5 năm trước là 55% cùng với kỳ vọng của thị trường ở mức 74%. Thông tin này đã gây sức ép lớn đối với giá mặt hàng này.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 2.14% lên 185.75 cents/pound, hợp đồng Robusta đóng cửa với mức tăng 3.1% lên 1971 USD/tấn. Giới đầu tư Robusta vẫn lo ngại về hình hình ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tiêu thụ cà phê trên toàn cầu, khiến cho giá Robusta bật tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 1 tháng. Đáng chú ý, đà tăng lần này của giá Robusta không bị đầu cơ quá nóng và có phần bền vững hơn so với đà tăng trước đó, khi mà giá cà phê trên sở ICE Luân Đôn chỉ được kéo theo sau khi giá Arabica đã tăng mạnh. Trên sở ICE New York trong phiên hôm qua, giá Arabica cuối cùng cũng bứt phá ra khỏi khu vực đi ngang đã tích lũy trong hơn một tuần. Dường như các tin tức về lượng mưa vẫn chưa phải yếu tố đủ mạnh để các nhà đầu tư bán ra trong bối cảnh thị trường ở trong xu hướng tăng, nhất là sau khi công ty Khí tượng Somar báo cáo rằng lượng mưa trong tuần qua ở Minas Gerais ở mức 2.4mm, chỉ bằng 24% so với mức trung bình trong lịch sử.

KIM LOẠI
Giá Bạc tăng 1% lên 23.9 USD/ounce, trong khi giá Bạch kim giảm nhẹ 0.4 % còn 1010 USD/ounce. Đồng USD suy yếu trước thông tin gói kích thích trị giá 3500 tỷ USD của tổng thống Biden được Hạ Viện Mỹ thông qua. Nguồn cung tiền trên thị trường trong thời gian tới sẽ vẫn tăng khiến cho đồng bạc xanh chịu áp lực lạm phát. Chỉ số Dollar Index giảm nhẹ về 92.9 điểm và phần nào hỗ trợ cho giá Bạc tăng trong phiên hôm qua. Tuy nhiên, giới đầu tư đã dự đoán được tin tức này từ lâu nên những ảnh hưởng lên giá của gói kích thích lần này không mạnh như lần trước. Giá Bạc vẫn chưa thoát khỏi biên độ đi ngang, đồng thời giá Bạch kim vẫn chịu áp lực bán khi mà thị trường thiếu vắng một chất xúc tác có thể gia tăng lực mua.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng đóng cửa với sắc xanh phiên thứ 3 liên tiếp với mức tăng 0.5% lên 4.26 USD/pound. Tuy nhiên, khó có thể nói đà tăng của thị trường đã phục hồi lại khi lực mua của phiên hôm qua mang nhiều yếu tố kỹ thuật và giá vẫn chưa có sự bứt phá.
Giá Quặng sắt có phiên bứt phá mạnh 9% lên 148 USD/tấn. Sau đợt giảm mạnh vừa qua, mức tăng của phiên hôm qua xuất phát từ tâm lý bắt đáy của các nhà đầu tư, bởi triển vọng của thị trường vẫn được duy trì khi mà các sức ép đến từ đại dịch khiến cho nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể không duy trì quá lâu. Chính phủ nước này đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh bằng các chính sách giãn cách, và hiệu quả bắt đầu được nhìn thấy khi mà thứ 2 vừa qua Trung Quốc không ghi nhận ca mắc mới trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ ổn định nguồn cung tín dụng và sử dụng các biện pháp kích thích tiền tệ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao mức tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. Đây có thể là yếu tố tích cực hỗ trợ cho giá của cả Đồng và Quặng sắt.

NĂNG LƯỢNG
Giá dầu tiếp tục tăng mạnh ngày hôm qua với giá WTI tăng 2.89% lên 67.54 USD/thùng và giá Brent tăng 3.35% lên 71.05 USD/thùng nhờ triển vọng nhu cầu dần phục hồi trong khi sản lượng suy giảm.
Nhờ các biện pháp chống dịch cứng rắn của Trung Quốc, giao thông tại các thành phố lớn đang dần phục hồi khi số ca nhiễm mới COVID-19 giảm xuống mức rất thấp. Giới phân tích kỳ vọng các diễn biến mới này sẽ tạo đà cho nhu cầu dầu tại Trung Quốc tăng trở lại sớm hơn dự đoán trước đó.
Trong khi đó, tai nạn hoả hoạn tại Công ty dầu khí Pemex của Mexico có thể khiến cho sản lượng dầu thô của nước này sụt giảm trong nhiều tuần. Thiệt hại về sản lượng lên đến hơn 400,000 thùng/ngày – tương đương mức tăng hàng tháng của nhóm OPEC. Các đối tác thường xuyên của Pemex cho biết công ty có thể thông báo tình trạng bất khả kháng và ngừng giao hàng nếu các giếng sản xuất không được kết nối lại trong vài ngày tới. Điều này khiến cho các nhà máy lọc dầu tại Vịnh Mexico Mỹ buộc phải tìm nguồn thay thế, thúc đẩy đà tăng của giá dầu.
Giá khí tự nhiên giảm 1.24% xuống 3.896 USD/MMBTu khi các nhà máy điện lớn tại Mỹ hạ dự báo nhu cầu sử dụng trong tuần này và tuần sau.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)