NÔNG SẢN
Đà tăng vọt của đậu tương đang bị chững lại trong ngày hôm qua khiến giá kết phiên thay đổi không đáng kể. Nhu cầu nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc đang có dấu hiệu quay trở lại là yếu tố hỗ trợ giá nhưng áp lực chốt lời từ phiên tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 6 khiến giá không thể tiếp tục duy trì xu hướng.
Dầu đậu tương tăng mạnh 1.14% nhờ ảnh hưởng từ việc dầu cọ tăng phiên thứ 4 liên tiếp và mức phục hồi của thị trường năng lượng. Áp lực trái chiều từ mặt hàng này cũng khiến cho giá khô đậu tương giảm 0.82%.
Giá ngô tiếp tục duy trì đà tăng từ đầu tuần với mức tăng gần 1.2% nhờ số liệu về lượng tồn kho ethanol của Mỹ cũng tiếp tục giảm 335,000 thùng xuống 21.2 triệu thùng. Tồn kho thấp sẽ kích thích tăng sản xuất trở lại và kéo theo nhu cầu tiêu thụ ngô trong ngành công nghiệp này.
Lúa mì tiếp tục trải qua một phiên diễn biến trái ngược với ngô mặc dù đây là 2 mặt hàng thay thế nhau trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tác động trái chiều từ nguồn cung là yếu tố khiến giá vẫn đi ngang và duy trì ngay trên mức hỗ trợ 725 trong vài phiên gần đây.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica tăng nhẹ 0.3% lên 186.35 cents/pound, giá Robusta gần như không đổi so với phiên hôm trước, ở mức 1973 USD/tấn. Có thể thấy, đối với thị trường cà phê, mức giá hiện tại của cả hai mặt hàng là khá hợp lý, và các nhà đầu tư cũng không còn quá nhiều động lực để mua vào. Dự báo cho thấy miền Nam ở Brazil sắp có mưa đã làm dịu đi những nỗi lo về khí hậu khô hạn sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây Cà phê. Bên cạnh đó, tin tức về hình hình dịch bệnh và khó khăn trong chuỗi vận chuyển ở Việt Nam dần trở nên bão hòa so với giai đoạn trước. Do đó, lực mua và lực bán hiện tại khá cân bằng đối với thị trường cà phê.
KIM LOẠI
Hai mặt hàng kim loại quý đồng loạt lao dốc với giá Bạc giảm 0.5% xuống 23.78 USD/ounce, giá Bạch kim đóng cửa với mức giảm 1.6% còn 993.5 USD/ounce. Thị trường trú ẩn an toàn gặp nhiều sức ép trước sự gia tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử trong thời gian gần đây. Hai chỉ số thước đo là S&P500 và Nasdaq liên tục lập các đỉnh mới, đáng chú ý, chỉ số S&P500 đã tăng tháng thứ 7 liên tiếp. Dòng vốn đổ vào các đồng tiền điện tử tăng mạnh khiến cho tổng vốn hóa toàn thị trường tăng lên hơn 2000 tỷ USD.Vì vậy, chỉ số Dollar Index giảm còn 92.8 điểm cũng không đủ hỗ trợ cho giá của Bạc và Bạch kim tăng.
Đối với các mặt hàng kim loại cơ bản, sắc xanh tiếp tục duy trì ở thị trường đồng phiên thứ 4 liên tiếp giúp giá tăng 0.22% lên 4.27 USD/pound. Công ty khai thác lớn nhất thế giới BHP vẫn chưa đạt được thỏa thuận về tiền lương với công đoàn, khiến cho các hoạt động khai thác tại mỏ đồng Escondilda có thể rơi vào trạng thái bị đình trệ và gây sức ép lên nguồn cung trên toàn cầu. Bên cạnh đó, cú sụt giảm mạnh của giá đồng ở tuần trước cũng thu hút rất nhiều các nhà đầu tư tham gia bắt đáy, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh ở Trung Quốc đang được kiểm soát tốt hơn.
Trái lại, giá quặng sắt tiếp tục giảm nhẹ 0.1% về 148 USD/tấn. Dòng tiền vẫn chưa quay trở lại thị trường trong bối cảnh các công ty sản xuất thép vẫn bị giới hạn đầu ra để đảm bảo các mục tiêu bảo vệ môi trường của Chính phủ Trung Quốc.
NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, WTI tăng 1.21% lên 68.36 USD/thùng, Brent tăng 1.69% lên 72.25 USD/thùng.
Giá tăng lên mức cao nhất trong vòng một tuần bất chấp lo ngại dịch COVID-19 có thể tiếp tục gia tăng. Tồn kho dầu thô và xăng đều giảm mạnh hơn dự báo trong bối cảnh lượng nhiên liệu cung cấp ra thị trường (products supplied) đạt gần 21 triệu thùng/ngày – mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, khi Mỹ bắt đầu bước vào phong toả. Nhập khẩu ròng tiếp tục tăng khi các nhà máy tăng gia tăng công suất lên 92.4% - mức cao nhất kể từ đầu tháng 6. Tất cả các yếu tố trên đều chỉ ra mức tiêu thụ nội địa mạnh trong tuần vừa rồi, bất chấp dịch COVID-19 gia tăng. Số liệu trên cũng chỉ ra rằng nhu cầu đi lại của người dân Mỹ vẫn còn rất cao, bất chấp xu hướng làm việc ở nhà vẫn còn tiếp tục khi tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin chưa đạt mức kỳ vọng.
Giá khí tự nhiên tăng nhẹ 0.23% lên 3.925 USD/MMBTu theo đà của giá dầu.