NÔNG SẢN
Giá đậu tương đóng cửa tiếp tục không có nhiều thay đổi đáng kể, tuy nhiên giá đã giảm trở lại sau 3 phiên tăng liên tiếp trước đó. Mức bán hàng đậu tương tại Mỹ chỉ đạt 1.18 triệu tấn, thấp hơn khoảng dự báo của Reuters và thấp hơn 58% so với tuần trước.
Dầu đậu trải qua phiên giảm thứ 3 liên tiếp khi chịu áp lực gián tiếp từ cả dầu cọ và dầu thô. Trong khi đó, giá khô đậu tương không thay đổi so với phiên trước đó.
Giá ngô tiếp tục đà tăng mạnh trong bối cảnh lo ngại về mùa vụ Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng. Theo tin S&P Global Platt, nông dân có thể sẽ chuyển 3 triệu giạ ngô sang đậu tương.
Lúa mì là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất trong nhóm nông sản. Cơ quan Cung ứng Hàng hóa Ai Cập (GASC) đã mua 360,000 tấn lúa mì với mức giá cao hơn so với cuộc đấu thầu đầu tháng 9.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá cả hai mặt hàng cà phê tiếp tục điều chỉnh với giá Arabica giảm 0.7% còn 199.95 cents/pound, giá Robusta đóng cửa thấp hơn gần 1% so với phiên trước đó còn 2177 USD/tấn. Trong một ngày mà các thị trường mang đậm tính chất đầu tư rủi ro như thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử đều thăng hoa nhờ vào sự suy yếu của đồng USD, giá cà phê vẫn không được hỗ trợ vì trước đó đã tăng quá mạnh.
Hai mặt hàng đường cũng đồng loạt giảm trung bình 0.5% trong phiên hôm qua, khiến cho giá đường 11 vẫn chưa vượt được qua mức 20 cents và đóng cửa ở mức 19.62 cents/pound.
Bông là một trong số các mặt hàng hiếm hoi duy trì được sắc xanh trên bảng giá, sau khi có số liệu tích cực từ báo cáo Xuất khẩu hàng tuần của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Sản lượng cho niên vụ 2021/22 của Mỹ đang ở mức 360,800 kiện, tăng 6% so với mức trung bình của tháng trước. Trung Quốc cũng nhập khẩu gần 187,000 kiện, giữ vững vị thế là nhà nhập khẩu lớn nhất.

KIM LOẠI
Trong khi giá bạch kim tăng nhẹ 0.5% lên 1024 USD/ounce nhờ vào sự suy yếu của đồng USD, giá bạc không được hưởng lợi nhiều và quay đầu giảm nhẹ còn 24.12 USD/ounce. Tăng trưởng GDP của Mỹ trong tháng 9 chỉ bằng 1/3 so với kỳ trước và thấp hơn cả dự báo trước đó đã khiến cho chỉ số Dollar Index giảm mạnh về 93.3 điểm, mức thấp nhất trong vòng 1 tháng.
Giá đồng, nhôm, và các mặt hàng kim loại công nghiệp khác trên Sở LME đồng loạt tăng trở lại trong phiên ngày hôm qua. Trừ giá quặng sắt, các mặt hàng đều hồi phục ngay trong phiên sáng nhờ lực bắt đáy mạnh của thị trường sau chuỗi ngày giảm điều chỉnh. Đà tăng được củng cố thêm khi đồng USD suy yếu vào phiên tối, giúp cho giá đồng trên Sở COMEX đóng cửa tăng 1.1% lên 4.43 USD/pound, và giá nhôm cũng tăng 2.25% lên 2746.5 USD/tấn.
Trái lại, giá quặng sắt tiếp tục lao dốc khi các hoạt động sản xuất thép ngày càng bị siết chặt hơn trước thềm Thế vận hội mùa đông. Bên cạnh đó, sản lượng thép trong 9 tháng đầu năm nay vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nên các nhà máy cũng phải giảm công suất để sản lượng cả năm không vượt quá mức kỷ lục 1.6 tỷ tấn của năm ngoái.

NĂNG LƯỢNG
Giá WTI tăng nhẹ 0.18% lên 82.81 USD/thùng còn Brent giảm 0.25% xuống 83.66 USD/thùng.
Cả 2 loại dầu thô đều giảm rất mạnh trong phiên sáng, tuy nhiên đã phục hồi trở lại vào phiên tối nhờ lực mua bắt đáy. Thị trường vẫn được hỗ trợ rất nhiều từ các yếu tố căn bản, như nguồn cung thu hẹp so với nhu cầu. Theo ước tính của Ủy ban Kỹ thuật chung OPEC+, tồn kho dầu thế giới sẽ tiếp tục giảm 1.1 triệu thùng/ngày trong quý IV, so với dự báo trước đó ở mức giảm 670,000 thùng/ngày, do nhu cầu nhiên liệu tăng lên trong khi mức tăng sản lượng của các nhà sản xuất không thuộc OPEC+ thấp hơn kỳ vọng.
Khí tự nhiên giảm mạnh 6.71% xuống 5.782 USD/MMBTu sau khi phía Nga đưa ra tín hiệu sẽ gia tăng sản lượng khí cung cấp cho châu Âu, gây sức ép lên thị trường khí tự nhiên nói chung.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV