NÔNG SẢN
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, các mặt hàng nông sản đồng loạt tăng mạnh trở lại, với sự dẫn dắt chủ yếu từ ngô và dầu đậu tương, để lấy lại toàn bộ những gì đã mất trong phiên cuối tuần trước.
Đậu tương đóng cửa tăng mạnh 3.37%, lấy lại toàn bộ mức giảm của cả tuần trước đó, bất chấp việc thời tiết được cải thiện rất lớn ở khu vực bang Illiois cuối tuần vừa rồi. Diễn biến tăng của đậu tương chủ yếu do ảnh hưởng từ mức tăng rất mạnh gần 5% của dầu đậu tương, trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung dầu thực vật, cùng với kỳ vọng về nhu cầu phục hồi, song song với quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế Mỹ.

Ngô là mặt hàng dẫn đầu xu hướng tăng của nhóm nông sản, với mức tăng lên đến 5.39%, lấy lại hơn một nửa mức giảm trong cả tuần trước. Thời tiết khô hạn tại Brazil khiến chi chi nhánh Bộ Nông nghiệp tại đây đã giảm dự báo sản lượng ngô của nước này về mức 94 triệu tấn, thấp hơn 11 triệu tấn so với báo cáo trước.
Lúa mì tăng mạnh 1.68%, nhờ ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của giá ngô và cũng đã phục hồi lại toàn bộ mức giảm trong phiên cuối tuần trước. Đà tăng này còn được hỗ trợ lớn bởi thông tin Ai Cập đang bắt đầu mua hàng trở lại thông qua đấu thầu quốc tế với gần 200,000 tấn.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Cà phê hai sàn nối tiếp đà tăng trong phiên hôm qua, khi giá Arabica kỳ hạn tháng 9 trên sở New York tăng lên 162.7 cents/pound, còn giá Robusta cùng kỳ hạn trên sở Luân Đôn tăng 1.91% lên 1711 USD/tấn. Đà tăng được củng cố nhờ vào những lo ngại về thời tiết khắc nghiệt ở Brazil khi bước vào mùa đông. Cùng với đó, tình trạng hàng kẹt cứng ở các cảng khu vực các nước châu Á như Việt Nam và Indonesia cũng góp phần duy trì sắc xanh trên bảng giá.

Đường tiếp tục tăng mạnh gần 2% trong bối cảnh nguồn cung tại Brazil vẫn đang thiếu hụt khi các nhà sản xuất lớn chuyển sang sản xuất nhiều ethanol hơn.
Bông tăng nhẹ 0.29% nhờ ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của nhóm nông sản, và việc dự đoán của thị trường về diện tích gieo trồng bông mà Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố tối mai trong báo cáo Final Acreage sẽ thấp hơn so với báo cáo Prospective Plantings hồi tháng Ba.
KIM LOẠI
Diễn biến trái chiều lại quay trở lại thị trường kim loại trong phiên giao dịch đầu tuần. Đối với các mặt hàng kim loại quý, giá Bạc giằng co mạnh trong phiên rồi đóng cửa với mức tăng nhẹ 0.52% lên 26.223 USD/ounce nhờ vào nỗ lực của phe mua để giữ giá ở vùng 26 USD. Trong khi giá Bạch kim đóng cửa giảm 0.54% về 1097.6 USD/ounce do gặp phải áp lực chốt lời sau 5 phiên liên tiếp tăng giá. Đà tăng của thị trường kim loại quý phần nào bị hạn chế bởi đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ và sự phục hồi của đồng USD vào cuối phiên.

Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng trên Sở COMEX giảm nhẹ 0.33% còn 4.278 USD/pound do mức tăng trưởng lợi nhuận của các công ty sản xuất kim loại ở Trung Quốc giảm, trong bối cảnh tồn kho tăng và chi phí bảo hiểm thấp. Tuy nhiên, hiện giá đồng vẫn gần như đi ngang trong biên độ 4.26 – 4.285 USD trong hơn một tuần qua do thị trường ảm đạm thiếu tín hiệu để giá bứt phá. Giá Quặng sắt vẫn duy trì được sắc xanh, với mức đóng cửa tăng 0.48% lên 212.59 USD/tấn, khi tồn kho nhập khẩu tại các cảng Trung Quốc giảm tuần thứ tư liên tiếp xuống 124 triệu tấn.
NĂNG LƯỢNG
Giá 2 mặt hàng dầu thô đồng loạt giảm trong phiên hôm qua khi lo ngại về dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên thế giới. Kết thúc phiên giao dịch, dầu WTI giảm 1.54% xuống 72.91 USD/thùng
Chủng Delta vi-rút COVID-19 đang lan rộng tại nhiều nước trên thế giới, dẫn đến việc một số quốc gia phải áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế di chuyển và phong tỏa. Bất chấp việc Anh lùi ngày mở cửa, hiện tại số ca nhiễm mới tại đây đã tăng lên cao nhất kể từ tháng 1. Điều này khiến cho thỏa thuận về hành lang du lịch giữa Mỹ-Anh trở nên khó khăn hơn, cho thấy du lịch và di chuyển trên thế giới vẫn đang chịu tác động tiêu cực nặng nề do dịch COVID-19, bất chấp các nỗ lực tiêm phòng vắc-xin diễn ra.

Theo phân tích của công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy, điều này có thể khiến cho OPEC+ hạn chế gia tăng sản lượng trong thời gian tới, khoảng 100,000-200,000 thùng/ngày từ tháng 8, so với kỳ vọng tuần trước của thị trường với mức tăng trên 500,000 thùng/ngày.
Giá khí tự nhiên có phiên tăng thứ 5 liên tiếp, hiện đã phá vỡ mức đỉnh năm 2019.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)