NÔNG SẢN
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, sắc xanh bao phủ hoàn toàn bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sở CBOT.
Giá đậu tương tăng 4.7% chủ yếu nhờ lo ngại về hạn hán quay trở lại trong 2 tuần cuối tháng 7 ở Midwest sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên chất lượng mùa vụ ở đây. Tuy nhiên, kháng cự tâm lý ở mức 1400 đã hạn chế đà tăng của đậu tương trong tuần vừa qua.
Dầu đậu tương kết tuần tăng mạnh 7% bằng chuỗi phiên tăng liên tiếp trong tuần. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, cùng với việc giá dầu thô neo ở mức cao là những nguyên nhân khiến giá dầu thực vật tăng mạnh, từ đó hỗ trợ cho đà tăng của dầu đậu tương. Khô đậu tương cũng tăng lên 2% trong tuần trước nhưng mức tăng nhẹ nhất trong số các mặt hàng nông sản do bị hạn chế bởi diễn biến trái chiều với giá dầu đậu tương.
Giá ngô cũng tăng mạnh gần 7% nhưng mô hình kĩ thuật đang khá yếu. Khô hạn khiến mực nước các con sông ở khu vực Nam Mỹ xuống thấp đến mức cảnh báo gây cản trở cho quá trình vận chuyển ngũ cốc và xuất khẩu tại đây là yếu tố góp phần hỗ trợ cho giá ngô bên cạnh dự báo thời tiết khô nóng ở Midwest. Ngược lại, yếu tố thời tiết tại Brazil có sự cải thiện tốt hơn khi nhiệt độ không còn quá lạnh, phản ánh qua tiến độ thu hoạch nhanh hơn tại bang Mato Grosso là yếu tố đã hạn chế đà tăng của mặt hàng này.
Lúa mì là mặt hàng dẫn đầu mức tăng của thị trường nông sản trong tuần vừa qua. Với mức tăng hàng tuần lớn nhất trong 4 năm. Thời tiết khô hạn tại vùng Đồng Bằng phía Bắc của Mỹ, Nga và Canada làm gia tăng lo ngại về chất lượng mùa vụ và nguồn cung năm nay bị thắt chặt là yếu tố hỗ trợ cho gía. Bên cạnh đó, lũ lụt ở EU cũng là yếu tố đáng quan tâm do lũ lụt ở một số nước, tiêu biểu là Pháp đang làm giảm chất lượng lúa mì và trì hoãn giai đoạn thu hoạch tại đây.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Thị trường Cà phê đóng cửa tuần với sắc xanh bao phủ bảng giá của cả hai mặt hàng. Giá Arabica New York kỳ hạn tháng 9 tăng mạnh 6.5% lên 161.35 cents/pound tương đương với mức 3557.15 USD/tấn. Đà tăng của giá ổn định trong tuần và kết thúc tuần bằng một phiên tăng mạnh khi Hiệp hội Cà phê xanh Mỹ cho biết lượng hàng tồn kho vào cuối tháng 6 vừa qua giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai tháng.
Đối với Cà phê Robusta, giá tăng tuần thứ 4 liên tiếp lên 1767 USD/tấn. Giá giằng co tương đối mạnh trong tuần và gặp phải áp lực chốt lời khiến cho mức tăng có phần yếu hơn so với giá Cà phê Arabica. Tuy nhiên, những khó khăn khâu xuất khẩu như thiếu hụt containers và cước tàu biển cao vẫn hỗ trợ tốt để giá đóng cửa tuần với sắc xanh.
Giá dầu cọ tăng mạnh hơn 8%, quay trở lại mức cao nhất 2 tháng nhờ nguồn cung dầu thực vật eo hẹp cùng với việc đồng Ringgit của Malaysia giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 08/2020 đến nay.
Đối với đường 11, đồng Real tăng trở lại từ mức thấp nhất 1.5 tháng trong tuần qua đã giúp giá đường tăng mạnh 2.5%, kéo theo mức tăng của đường trắng. Trong khi đó, đà tăng mạnh của cả nhóm nông sản đã tác động tích cực đến giá bông. Đà tăng chỉ bị cản lại ở vùng kháng cự tâm lý 90 cents.

KIM LOẠI
Thị trường kim loại quý diễn biến trái chiều trong tuần qua. Giá Bạc đi ngang ảm đạm trong vòng 1 tuần nhưng rồi kết thúc tuần bằng một phiên giảm mạnh đưa giá về mức 25.8 USD/ounce. Trái lại, giá Bạch kim giằng co mạnh trong suốt một tuần rồi đóng cửa với mức tăng nhẹ 1% lên 1108.5 USD/ounce. Thị trường gần như đã “miễn nhiễm” với nỗi sợ lạm phát khiến cho giá cả hai mặt hàng kim loại quý đều bị ảnh hưởng bởi lưc bán mạnh vào thứ 6 tuần vừa qua. Tuy vậy, giá Bạch kim được hỗ trợ nhiều hơn khi cuộc bạo động ở Nam Phi làm dấy lên mối lo nguồn cung khi các hoạt động sản xuất có nguy cơ bị gián đoạn.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng giảm nhẹ 0.5% về 4.323 USD/pound. Thị trường đang có sự tích lũy đi ngang rõ rệt với biên độ 4.229 – 4.37 USD/pound. Các tin tức xoay quanh nhu cầu tiêu thụ và các biện phấp kiểm soát giá của Chính phủ Trung Quốc dần trở nên bão hòa, do đó, các nhà đầu tư cần một chất xúc tác mạnh hơn để đưa giá bứt phá. Trong khi đó, giá Quặng sắt tiếp tục tăng và đóng cửa tuần ở mức 214 USD/tấn. Đà tăng vẫn được hỗ trợ trong bối cảnh nhu cầu thép tăng mạnh khi ngành xây dựng toàn cầu phục hồi. Bên cạnh đó, việc sản lượng thép được dự báo sẽ tiếp tục giảm khi Chính phủ Trung Quốc thắt chặt các hoạt động sản xuất để đảm bảo các mục tiêu về mội trường cũng khiến cho giá Quặng sắt không ngừng tăng nóng.

Tong hop dien bien thi truong

NĂNG LƯỢNG
Giá dầu giảm mạnh với việc các nước OPEC+ nối lại các vòng đàm phán. Kết thúc tuần vừa rồi, giá WTI giảm 3.69% xuống 71.81 USD/thùng, giá Brent giảm 2.59% xuống 73.59 USD/thùng.
Việc nối lại các đàm phán của OPEC+ cho thấy quyết tâm điều tiết thị trường của các thành viên chủ chốt. Sau hơn 2 tuần trì hoãn với hàng loạt các cuộc họp báo từ phía các thành viên từ khi cuộc họp chính sách dự kiến bắt đầu vào ngày 1/7, cuối cùng vào hôm qua, các bên đã kết thúc với thoả thuận ban đầu là tăng sản lượng thêm 400,000 thùng/ngày từ tháng 8 và kéo dài thời gian thoả thuận cắt giảm đến cuối năm 2022. Nhóm cũng tăng sản lượng cơ sở cho Saudi Arabia và Nga (tăng 0.5 triệu thùng/ngày lên 11.5 triệu thùng/ngày), Iraq (tăng 0.15 triệu thùng/ngày lên 4.8 triệu thùng/ngày), Kuwait (tăng 0.15 triệu thùng/ngày lên 3 triệu thùng/ngày) UAE (tăng 0.3 triệu thùng/ngày lên 3.5 triệu thùng/ngày) kể từ tháng 05/2022. Điều này ngay lập tức gây áp lực đến giá dầu sáng nay, với giá mở cửa tiếp tục giảm so với cuối tuần trước. Số ca COVID-19 tăng trở lại tại New York cũng tác động tiêu cực đến giá.
Giá khí tự nhiên diễn biến giằng co trong tuần, với giá chịu tác động tiêu cực theo đà giảm của giá dầu thô và triển vọng tăng lên vào mùa hè.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)