NÔNG SẢN
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 01 tăng nhẹ không đáng kể 0.04% lên mức 1267.75 cents/giạ. Sau khi giảm khá mạnh trong nửa đầu tuần do sức ép từ diễn biến của giá dầu đậu, đậu tương đã phục hồi trở lại trong nửa cuối tuần do lo ngại về tình trạng khô hạn ở miền nam Brazil, cùng với các số liệu bán hàng tích cực của Mỹ cho Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu đậu tương số 1 thế giới.
Bất chấp việc giá dầu thô WTI tăng mạnh hơn 8% và dầu cọ cũng tăng hơn 3%, giá dầu đậu tiếp tục giảm hơn 6% về mức 53.69 cents/pound. Trong bối cảnh giá đậu tương đi ngang, việc giá dầu dậu giảm mạnh cùng lực mua kỹ thuật ở vùng hỗ trợ 350 đã giúp khô đậu tăng khá mạnh 2.3% lên mức 366.8 USD/tấn Mỹ.
Giá lúa mì Chicago kỳ hạn tháng 03 tiếp tục giảm 2.3% về mức 785.25 cents/giạ, sau khi đã giảm mạnh hơn 4% trong tuần trước đó.
Áp lực từ mức giảm mạnh của giá dầu thô thế giới và dầu cọ, cùng với diễn biến trái chiều với giá khô đậu khi đậu tương không có thay đổi nào đáng kể đã khiến giá dầu đậu giảm 1.26% và rơi khỏi mốc hỗ trợ quan trọng 55 cents.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica đóng cửa tuần giảm 4.4% còn 232.6 cents/pound. Đáng chú ý, đây là tuần đâu tiên sau 5 tuần mà giá Arabica đóng cửa trong sắc đỏ. Giá Robusta cũng giảm 0.4% còn 2376 USD/tấn.
Giá bông có tuần dầu tiên đóng cửa với sắc xanh sau ba tuần giảm liên tiếp, với mức tăng gần 2% lên 106.23 cents/pound. Ngoại trừ phiên tăng vào thứ hai, thị trường đi ngang và giằng co xung quanh mức 106 cents, khi các nhà đầu tư đều đang tìm kiếm một chất xúc tác mới để khôi phục đà tăng của giá.
Thị trường đường cũng có một tuần giao dịch sôi động khi mà giá đường 11 và đường trắng đều tăng hơn 5% lên lần lượt là 19.7 cents/pound và 511.4 USD/tấn.

KIM LOẠI
Trong khi giá bạc giảm 1.3% về 22.2 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0.9% lên 934.2 USD/ounce. Thị trường kim loại quý đang đối mặt với nhiều sức ép trước thềm cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên Bang diễn ra vào tuần này.
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng giằng co mạnh trong cả tuần rồi kết thúc tuần cao hơn 0.5% ở mức 4.287 USD/pound. Bất chấp gói kích thích gần 200 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, triển vọng của thị trường vẫn không khả quan trong ngắn hạn. Giá quặng sắt tăng mạnh gần 7% trong tuần vừa qua lên 108.4 USD/tấn.

NĂNG LƯỢNG
Giá WTI tăng 8.16% lên 71.67 USD/thùng, giá Brent tăng 7.54% lên 75.15 USD/thùng, mức tăng cao nhất trong vòng 3 tháng.
Mặc dù mới chỉ là thống kê ban đầu, hiện tại vẫn chưa có ca tử vong nào do chủng COVID-19 mới gây ra sau hơn 2 tuần kể từ khi xuất hiện. Điều này gợi ý Omicron có thể không tạo ra nhiều ảnh hưởng đáng lo ngại như chủng Delta và giúp hỗ trợ tâm lý thị trường tài chính nói chung và thị trường dầu thô nói riêng.
Bất chấp xu hướng chung của nhóm năng lượng, giá khí tự nhiên tại Mỹ vẫn giảm 5% trong tuần vừa rồi xuống mức 3.925 USD/MMBTu.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV