Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm do lo ngại về thực trạng kinh tế Trung Quốc che mờ những tác động từ việc OPEC+ cắt giảm sản lượng và số lượng giàn khoan dầu khí đang hoạt động tại Mỹ giảm tuần thứ 7 liên tiếp.
Giá dầu thô Brent kết thúc phiên giảm 48 cent, tương đương 0,6%, xuống 76,13 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 49 cent, tương đương 0,7%, xuống 71,29 USD. Khối lượng giao dịch không nhiều do thị trường Mỹ nghỉ lễ trong ngày 19/6.
Cả hai hợp đồng đã kết thúc tuần trước với mức tăng hơn 2%.
Một số ngân hàng lớn đã cắt giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội năm 2023 của Trung Quốc sau khi dữ liệu tháng 5 vào tuần trước cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau COVID đang chững lại.
Trung Quốc dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản vào thứ Ba sau khi giảm tương tự đối với các khoản vay chính sách trung hạn vào tuần trước để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.
Jorge Leon, phó chủ tịch cấp cao của Rystad Energy, cho biết thị trường dầu mỏ đang theo dõi các dấu hiệu tiếp theo về việc liệu nền kinh tế toàn cầu có phục hồi hay không.
“Phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng hồi phục kinh tế của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay và hiệu quả của các biện pháp kích thích được công bố gần đây của nước này, cũng như khả năng của Mỹ và Châu Âu trong việc tránh suy thoái kinh tế trong bối cảnh lãi suất tăng,” ông Leon cho biết.
Tuy nhiên, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng lên mức cao thứ hai trong lịch sử, giúp thúc đẩy giá dầu tăng trong tuần vừa qua, và các công ty năng lượng của Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí tự nhiên đang hoạt động tuần thứ bảy liên tiếp, chuỗi giảm kéo dài nhất kể từ tháng 7 năm 2020.
Xuất khẩu dầu của Iran tăng cũng gây áp lực lên giá. Theo các chuyên gia tư vấn, dữ liệu vận chuyển và một nguồn tin thân cận với vấn đề này, xuất khẩu dầu thô và sản lượng dầu của Iran đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023 bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, bổ sung vào nguồn cung toàn cầu khi các nhà sản xuất khác đang hạn chế sản lượng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga trong tháng này đã đồng ý về một thỏa thuận sản lượng dầu mới và nhà sản xuất lớn nhất của nhóm, Saudi Arabia, cũng cam kết cắt giảm sản lượng sâu vào tháng Bảy.
Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa thuộc TD Bank, cho biết: “Xét về tâm lý trên thị trường dầu thô, các nhà giao dịch đang khá bi quan. "Nhưng từ một góc nhìn rộng hơn, cộng đồng các nhà phân tích vẫn đang cho rằng thị trường sẽ thiếu hụt đáng kể trong những tháng tới."
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm với lượng giao dịch thấp do thị trường Mỹ nghỉ lễ và đồng USD hồi phục sau khi giảm ở phiên liền trước. Các nhà giao dịch đang chờ đợi bài điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell tại Đồi Capitol vào cuối tuần.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,3% xuống 1.952,00 USD/ounce. Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 giảm 0,4% xuống còn 1.964,00 USD. Hoạt động giao dịch thưa thớt do thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ.
Giá bạc phiên này giảm 0,7% xuống 23,98 USD/ounce, bạch kim giảm 0,5% xuống 977,25 USD, trong khi palladium giảm 0,7% xuống 1.400,65 USD.
Chỉ số Dollar index nhích lên từ mức thấp nhất trong một tháng vào thứ Sáu. USD mạnh lên khiến vàng thỏi trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho biết câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ khiến vàng thoát ra khỏi giao dịch giới hạn trong phạm vi từ 1.940 USD đến 1.980 USD, "do các sự kiện của tuần trước cuối cùng đã không hỗ trợ được giá tăng kéo dài".
Giá vàng thỏi tuần trước đã giảm 0,2% khi các nhà giao dịch tăng cường đặt cược vào việc Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 7 sau khi các quan chức của họ đưa ra những phát ngôn đầu tiên kể từ khi ngân hàng trung ương giữ lãi suất ổn định trong tháng này sau 10 lần tăng liên tiếp.
Các thị trường hiện đang chờ đợi bài phát biểu trước quốc hội của ông Powell vào thứ Tư và thứ Năm để biết các tín hiệu về lãi suất trong tương lai.
Các nhà phân tích của Heraeus viết trong một ghi chú: “Lãi suất thực tế sẽ tiếp tục tăng khi lạm phát giảm vào cuối năm, làm giảm sức hấp dẫn của vàng với tư cách là tài sản không mang lại lợi tức và sẽ củng cố đồng đô la”.
Ngoài ra, Liên minh châu Âu đang chờ báo cáo lạm phát vào thứ Tư, với các thị trường phần lớn cho rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng vào tháng Bảy, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào thứ Năm. Tăng lãi suất làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không mang lại lợi tức.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng chịu áp lực giảm vào thứ Hai do không có thông tin về việc Trung Quốc, nước tiêu thụ đồng hàng đầu thế giới, kích thích kinh tế. Đồng USD mạnh lên cũng làm giảm nhu cầu đồng – kim loại tính bằng USD.
Hợp đồng đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên giảm 0,3% xuống 8.543 USD/tấn. Giá kim loại được sử dụng trong ngành điện và xây dựng này đã chạm 8.634 USD/tấn vào thứ Sáu, mức cao nhất kể từ ngày 10/5.
Một nhà kinh doanh kim loại cho biết: “Đồng đang phản ứng với việc chưa thấy bất kỳ biện pháp kích thích dứt khoát nào từ Trung Quốc”, đồng thời cho biết thêm rằng khối lượng giao dịch rất ít do Mỹ trong kỳ nghỉ lễ”
"Đồng đô la tăng không giúp được gì và chúng ta đang ở trong giai đoạn nhu cầu kim loại công nghiệp chậm theo mùa." Đồng tiền của Mỹ mạnh hơn làm cho các kim loại được định giá bằng đô la trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều này có thể làm suy yếu tiêu dùng.
Tuy nhiên, các thương nhân cho biết kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất chuẩn vào thứ Ba, lần đầu tiên giảm lãi suất trong vòng 10 tháng, sẽ giúp củng cố tâm lý trên thị trường kim loại công nghiệp.
Một yếu tố hỗ trợ cho giá đồng là dự trữ giảm trong các kho của Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giảm 76% xuống 61.090 tấn kể từ ngày 24/2.
Đối với những kim loại công nghiệp khác, giá thiếc kỳ hạn 3 tháng trên sàn LME tăng 0,5% lên 27.100 USD/tấn; nhôm giảm 1,4% xuống 2.240 USD, kẽm giảm 2,1% xuống 2.427 USD, chì giảm 0,5% xuống 2.131 USD và niken giảm 2,4% xuống 22.480 USD.
Trong nhóm kim loại đen, giá quặng sắt trên thị trường châu Á giảm trở lại sau khi tăng trong tuần trước do giá thép giảm do nhu cầu yếu và nguồn cung tăng.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) - được giao dịch nhiều nhất - kết thúc phiên giảm 0,12% xuống 809,5 nhân dân tệ (113,08 USD)/tấn, sau khi tăng khoảng 2% vào tuần trước. Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 7 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 0,05% xuống 113,45 USD/tấn, sau khi tăng hơn 4% trong tuần trước.
Giá thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 0,74%, thép cuộn cán nóng giảm 0,75%, dây thép cuộn giảm 0,61% và thép không gỉ SHSScv1 giảm 2,1%.
Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư J.P. Morgan dự báo nguy cơ giá quặng sắt sẽ tiếp tục giảm, các biện pháp trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sẽ nhằm mục đích thúc đẩy việc hoàn thành xây nhà và bán hàng, tác động đến dòng tiền của các nhà phát triển, thay vì trực tiếp kích thích hoạt động xây dựng mới.
Trên thị trường nông sản, sàn Chicago đóng cửa nghỉ lễ nên không có giao dịch ngũ cốc.
Đối với các mặt hàng khác, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 trên sàn London giảm 0,2% kết thúc ở mức 701,20 USD/tấn.
Trung Quốc đã nhập khẩu 40.000 tấn đường trong tháng 5, giảm 86,6% so với cùng tháng năm ngoái, theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan công bố hôm Chủ nhật.
Giá cà phê Robusta kỳ hạn trên sàn ICE tăng vào thứ Hai, hướng trở lại mức cao kỷ lục của tuần trước, với đà tăng gần đây được thúc đẩy bởi hoạt động mua của các quỹ trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung.
Cà phê robusta tháng 9 kết thúc phiên tăng 1,3% lên 2.783 USD/tấn sau khi lập mức cao kỷ lục 2.797 USD vào thứ Sáu.
Các đại lý cho biết đợt tăng giá gần đây một phần được thúc đẩy bởi lực mua trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Các nhà đầu cơ cà phê Robusta đã tăng vị thế mua ròng thêm 1.517 lô lên 46.051 lô tính đến ngày 13 tháng 6, dữ liệu hôm thứ Sáu cho biết.
Hiện tượng thời tiết El Nino có thể mang lại thời tiết khô hạn cho Đông Nam Á và có thể hạn chế sản lượng cà phê robusta tại nhà sản xuất hàng đầu thế giới - Việt Nam - trong năm nay.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm do nhu cầu trì trệ kéo dài và các yếu tố cơ bản yếu, trong khi sự lạc quan trước đó từ các cam kết kích thích kinh tế ở Trung Quốc đã phai nhạt.
Hợp đồng cao su giao tháng 11 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên giảm 1,1 yên, tương đương 0,5%, xuống 210,2 yên (1,48 USD)/kg.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 50 CNY xuống còn 12.085 CNY (1.688,34 USD)/tấn. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7 trên nền tảng SICOM của Sở giao dịch Singapore được giao dịch lần cuối ở mức 133,0 US cent/kg, giảm 1%.
Nội các Trung Quốc đã họp vào thứ Sáu để thảo luận về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cam kết đưa ra các bước chính sách kịp thời trong bối cảnh có dấu hiệu đà phục hồi sau COVID đang mờ dần.
Tồn kho cao su tại các kho do Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải theo dõi tăng 0,6% so với một tuần trước đó, lần đầu tiên tăng sau gần 3 tháng, làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung dư thừa có thể kéo giá xuống thấp hơn.
Giá dầu giảm cũng làm giảm sức hấp dẫn của cao su tự nhiên.
Giá hàng hóa thế giới:

 

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

71,29

+0,67

+0,95%

Dầu Brent

USD/thùng

76,09

-0,52

-0,68%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

66.590,00

+590,00

+0,89%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,65

+0,01

+0,49%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

265,10

-2,95

-1,10%

Dầu đốt

US cent/gallon

251,01

-4,13

-1,62%

Dầu khí

USD/tấn

731,50

-4,50

-0,61%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

78.000,00

+2.900,00

+3,86%

Vàng New York

USD/ounce

1.963,10

-8,10

-0,41%

Vàng TOCOM

JPY/g

8.887,00

-4,00

-0,05%

Bạc New York

USD/ounce

24,27

-0,07

-0,30%

Bạc TOCOM

JPY/g

108,70

+0,50

+0,46%

Bạch kim

USD/ounce

980,20

+1,51

+0,15%

Palađi

USD/ounce

1.415,93

+5,12

+0,36%

Đồng New York

US cent/lb

387,45

-2,40

-0,62%

Đồng LME

USD/tấn

8.540,00

-26,50

-0,31%

Nhôm LME

USD/tấn

2.241,00

-30,00

-1,32%

Kẽm LME

USD/tấn

2.437,00

-41,00

-1,65%

Thiếc LME

USD/tấn

26.900,00

-51,00

-0,19%

Ngô

US cent/bushel

597,50

+23,00

+4,00%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

701,50

+28,75

+4,27%

Lúa mạch

US cent/bushel

404,50

+1,25

+0,31%

Gạo thô

USD/cwt

15,44

+0,09

+0,59%

Đậu tương

US cent/bushel

1.342,25

+50,00

+3,87%

Khô đậu tương

USD/tấn

403,30

+19,50

+5,08%

Dầu đậu tương

US cent/lb

57,87

+1,42

+2,52%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

718,80

+8,40

+1,18%

Cacao Mỹ

USD/tấn

3.236,00

-26,00

-0,80%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

180,75

-2,20

-1,20%

Đường thô

US cent/lb

26,09

+0,46

+1,79%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

265,65

-0,75

-0,28%

Bông

US cent/lb

80,10

+0,50

+0,63%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

--

--

--

Cao su TOCOM

JPY/kg

132,40

-0,80

-0,60%

Ethanol CME

USD/gallon

2,16

0,00

0,00%

 

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)