Trên thị trường năng lượng, giá dầu biến động sau thông tin OPEC+ thảo luận về việc cắt giảm sản lượng, làm lu mờ lo ngại về các hạn chế nghiêm ngặt chống Covid-19 tại Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô Brent giảm 44 US cent tương đương 0,5% xuống 83,19 USD/thùng, trong đầu phiên giao dịch giảm hơn 3% xuống 80,61 USD/thùng – thấp nhất kể từ ngày 4/1/2022; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 96 US cent tương đương 1,3% lên 77,24 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 (73,6 USD/thùng). Cả hai loại dầu đều có 3 tuần giảm liên tiếp.
Matt Smith, nhà phân tích dầu hàng đầu tại công ty cung cấp các giải pháp về thị trường hàng hóa Kpler (Mỹ) cho biết có đồn đoán rằng OPEC+ đã bắt đầu đưa ra ý tưởng về việc cắt giảm sản lượng vào ngày 4/12 tới. Điều đó đã giúp bù đắp phần nào những tổn thất do cuộc biểu tình liên quan tới các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc gây ra.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Eurasia Group (Mỹ) ngày 28/11 cho hay nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc có thể thúc đẩy OPEC+ cắt giảm sản lượng sau khi giảm nguồn cung hồi tháng 10/2022. Quyết định này sẽ phụ thuộc vào sự biến động của giá dầu khi OPEC+ nhóm họp và mức độ gián đoạn rõ ràng trên thị trường do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 4/12 tới. Trong tháng 10/2022, nhóm này đã nhất trí giảm mục tiêu sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày cho đến năm 2023.
Bên cạnh đó, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các nhà ngoại giao của EU đã thảo luận về mức giá trần đối với dầu của Nga trong khoảng từ 65-70 USD/thùng, với mục đích hạn chế doanh thu của Nga, nhưng không làm gián đoạn thị trường dầu mỏ toàn cầu. G7 và EU dự kiến sẽ nhóm họp lại vào ngày 5/12 tới.
Hiện EU đang có sự chia rẽ về mức độ hạn chế giá dầu của Nga, trong đó tác động của hành động này có thể không mang lại hiệu quả.
Mức giá trần sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12 khi lệnh cấm của EU đối với dầu thô của Nga cũng có hiệu lực.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm từ mức cao nhất hơn 1 tuần do đồng USD tăng trước khi các thành viên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bình luận về cuộc chiến chống lạm phát.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.741,35 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 18/11/2022 lúc đầu phiên giao dịch; vàng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn New York giảm 0,8% xuống 1.740,3 USD/ounce.
Phillip Streible, chiến lược gia về thị trường tại công ty tài chính Blue Line Futures ở Chicago, cho biết đồng USD vừa mới giảm khỏi mức cao nhất trong ngày, một số cổ phiếu của Mỹ bị bán tháo và quan điểm của Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis James Bullard về lạm phát dường như khá “quyết đoán”.
Đồng USD đã chuyển biến tích cực sau khi giảm xuống mức thấp gần hai tuần trước đó trong phiên. Đồng USD mạnh hơn khiến các kim loại được giao dịch bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Ông James Bullard và ông John Williams, Chủ tịch chi nhánh Fed tại San Francisco, đã tuyên bố rằng còn một chặng đường dài phía trước để chống lại lạm phát. Ông Bullard nói rằng lãi suất nên được giữ ở mức cao "trong suốt năm tới và đến năm 2024".
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng tăng từ mức thấp của gần hai tháng. Vàng khá nhạy cảm với lãi suất ngày càng tăng của Mỹ bởi chúng làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ những tài sản không sinh lời như vàng.
Chủ tịch Fed Jerome Powel dự kiến sẽ phát biểu tại một sự kiện của Viện Brookings ngày 30/11 về triển vọng đối với nền kinh tế Mỹ và thị trường lao động.
Báo cáo về số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ, dự kiến công bố ngày 2/12, cũng đang nhận được sự chú ý của thị trường bởi nó có thể làm thay đổi những dự đoán về động thái chính sách tháng 12 của Fed. Các nhà giao dịch hiện đồn đoán về mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản.
Chiến lược gia Streible nhấn mạnh nhu cầu bạc có thể giảm do biểu tình và phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc vì bạc là kim loại được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm 3% xuống 20,94 USD/ounce, bạch kim tăng 0,6% lên 986,68 USD/ounce, palladium giảm 0,8% xuống 1.838,53 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do lo ngại về nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu thế giới – Trung Quốc, song đồng USD suy yếu đã hạn chế đà suy giảm giá.
Giá đồng trên sàn London giảm 0,7% xuống 7.955 USD/tấn. Lượng đồng lưu kho trên sàn London tăng 17% kể từ ngày 10/11/2022 lên 91.200 tấn.
Giá chì phiên này giảm 0,2% xuống 2.113 USD/tấn; nhôm tăng 0,5% lên 2.375 USD, kẽm tăng 0,7% lên 2.940 USD, thiếc tăng 0,5% lên 22.350 USD và niken tăng 0,7% lên 25.610 USD.
Giá quặng sắt tại Singapore giảm hơn 3% sau 3 phiên tăng liên tiếp, khi các cuộc biểu tình phản đối các hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt tại nước sản xuất thép hàng đầu – Trung Quốc – khiến thị trường thận trọng.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn Singapore giảm 1,3% xuống 97,9 USD/tấn, sau khi giảm mạnh 3,2% trong đầu phiên giao dịch.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Đại Liên tăng 2,4% lên 755,5 CNY (104,86 USD)/tấn; lúc đầu phiên giao dịch, giá quặng sắt đạt 764,5 CNY/tấn – cao nhất kể từ ngày 17/6/2022, sau khi tăng trong tuần trước đó, được thúc đẩy bởi kỳ vọng nhu cầu thép hồi phục, khi Trung Quốc đưa ra các biện pháp nhằm vực dậy lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 1,3%, thép cuộn cán nóng tăng 1,5%, trong khi thép cuộn giảm 1% và thép không gỉ giảm 0,1%.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng do thị trường hàng hóa và chứng khoán giảm bởi lo ngại tác động của cuộc biểu tình phản đối chính sách Covid-19 nghiêm ngặt tại Trung Quốc. Giá ngô kết thúc phiên biến động trái chiều giứa các kỳ hạn, trong khi đậu tương tăng.
Theo đó, giá lúa mì trên sàn Chicago giảm 2% xuống 7,8-3/4 USD/bushel, sau khi chạm 7,73-1/4 USD/bushel – thấp nhất kể từ ngày 22/8/2022. Giá đậu tương tăng 1,5% lên 14,57-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô trên sàn ICE tăng trở lại sau khi chạm mức thấp nhất 2,5 tuần trong đầu phiên giao dịch, do cuộc biểu tình phản đối các hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc, dấy lên mối lo ngại về tăng trưởng nhu cầu tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE tăng 0,05 US cent tương đương 0,3% lên 19,38 US cent/lb, sau khi chạm mức thấp 19,05 US cent/lb trong đầu phiên giao dịch. Trong tuần trước, giá đường giảm 3,6%. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn London giảm 1,1 USD tương đương 0,2% xuống 528,6 USD/tấn.
Fitch Solutions nâng dự báo giá đường trung bình năm 2023 lên 19 US cent/lb, do hạn ngạch xuất khẩu đường của Ấn Độ thấp hơn so với dự kiến.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE giảm 2,2 US cent tương đương 1,3% xuống 1,6285 USD/lb. Tuần trước, giá cà phê arabica tăng 6,4% sau khi giảm 7,7% trong tuần trước đó và chạm mức thấp nhất 16 tháng; cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn London giảm 2 USD tương đương 0,1% xuống 1.855 USD/tấn.
Giá cao su trên các sàn giao dịch Osaka và Thượng Hải cùng tăng trong phiên vừa qua. Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn Osaka tăng 1,7 JPY tương đương 0,8% lên 214 JPY (1,55 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải tăng 135 CNY lên 12.855 CNY (1.784 USD)/tấn. Giá cao su kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn Singapore cũng tăng 0,4% lên 126,6 US cent/kg.
Giá hàng hóa thế giới

 

 

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

76,86

-0,38

-0,49%

Dầu Brent

USD/thùng

82,79

-0,40

-0,48%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

65.190,00

+1.210,00

+1,89%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

6,79

-0,24

-3,37%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

229,58

-3,48

-1,49%

Dầu đốt

US cent/gallon

318,08

-3,46

-1,08%

Dầu khí

USD/tấn

877,00

-10,00

-1,13%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

78.500,00

0,00

0,00%

Vàng New York

USD/ounce

1.754,20

-1,10

-0,06%

Vàng TOCOM

JPY/g

7.762,00

-6,00

-0,08%

Bạc New York

USD/ounce

21,10

-0,02

-0,12%

Bạc TOCOM

JPY/g

92,40

+0,20

+0,22%

Bạch kim

USD/ounce

991,64

-1,18

-0,12%

Palađi

USD/ounce

1.852,50

+5,00

+0,27%

Đồng New York

US cent/lb

360,05

-1,50

-0,41%

Đồng LME

USD/tấn

7.959,00

-49,00

-0,61%

Nhôm LME

USD/tấn

2.362,50

0,00

0,00%

Kẽm LME

USD/tấn

2.937,00

+16,50

+0,56%

Thiếc LME

USD/tấn

22.354,00

+123,00

+0,55%

Ngô

US cent/bushel

669,75

-1,50

-0,22%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

782,25

+1,50

+0,19%

Lúa mạch

US cent/bushel

381,00

+1,75

+0,46%

Gạo thô

USD/cwt

17,85

-0,08

-0,47%

Đậu tương

US cent/bushel

1.451,75

-5,50

-0,38%

Khô đậu tương

USD/tấn

409,40

-2,30

-0,56%

Dầu đậu tương

US cent/lb

72,80

-0,32

-0,44%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

815,70

-1,70

-0,21%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.485,00

+1,00

+0,04%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

162,85

-2,20

-1,33%

Đường thô

US cent/lb

19,38

+0,05

+0,26%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

206,65

-4,15

-1,97%

Bông

US cent/lb

78,95

-1,23

-1,53%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

422,50

+0,20

+0,05%

Cao su TOCOM

JPY/kg

127,40

+0,20

+0,16%

Ethanol CME

USD/gallon

2,16

0,00

0,00%

 

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)