Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ trước khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine do các thương nhân lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế vào cuối năm nay có thể làm giảm nhu cầu năng lượng.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent giảm 2,66 USD, hay 2,75%, xuống 94,12 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 18/2; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,34 USD, hay 2,12%, xuống 88,54 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 2/2.
Giá dầu giảm có lợi cho các quốc gia tiêu thụ lớn bao gồm Mỹ và các quốc gia ở châu Âu, những nước đang thúc giục các nhà sản xuất tăng sản lượng để bù đắp nguồn cung khan hiếm và chống lại tình trạng lạm phát đang ở mức quá cao.
Giá dầu đã tăng lên hơn 120 USD/thùng vào đầu năm nay trong bối cảnh nhu cầu đột ngột phục hồi sau những ngày đen tối nhất của đại dịch COVID-19 trùng hợp với sự gián đoạn nguồn cung do các lệnh trừng phạt đối với Nga- nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới- do xung đột với Ukraine đã đẩy giá năng lượng tăng vọt.
Xu hướng bán tháo hôm 4/8 diễn ra sau sự gia tăng bất ngờ lượng dầu thô trong kho dự trữ của Mỹ vào tuần trước. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, các kho dự trữ xăng, đại diện cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Mỹ, đã bất ngờ gia tăng khi nhu cầu chậm lại dưới tác động của giá xăng cao gần 5 USD/gallon.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) cho biết: “Có vẻ nhu cầu xăng dầu của Mỹ suy yếu hơn dự kiến, cùng với việc giá dầu phá vỡ các mức hỗ trợ kỹ thuật đã kéo giá dầu đi xuống vào phiên 4/8”.
Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn bị “phủ bóng đen” bởi những lo lắng ngày càng tăng về sự suy giảm kinh tế ở Mỹ và châu Âu, tình trạng nợ nần ở các nền kinh tế mới nổi và chính sách “Zero COVID-19” nghiêm ngặt ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Trong khi đó, ngân hàng Anh đã tăng lãi suất trong ngày 4/8 và cảnh báo về nguy cơ suy thoái.
Các nguồn thạo tin cho biết Saudi Arabia và UAE cũng sẵn sàng cung cấp sản lượng dầu tăng đáng kể nếu thế giới đối mặt với khủng khoảng nguồn cung nghiêm trọng trong mùa đông này.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ), cho biết: “Việc giá dầu phá vỡ mốc 90 USD/thùng hiện là một khả năng rất thực tế, điều này khá đáng chú ý với mức độ thắt chặt của thị trường”.
Một thỏa thuận của Tổ cức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (còn gọi là OPEC +) vào ngày 3/8 nhằm nâng mục tiêu sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày vào tháng 9, tương đương 0,1% nhu cầu toàn cầu, được một số nhà phân tích coi là yếu tố góp phần khiến giá dầu giảm.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng hơn 1% lên mức cao mới trong một tháng do USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm và các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 1,6% lên 1.792,19 USD/ounce, trước đó có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 5/7; vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 1,7% lên 1.806,9 USD/ounce.
Đồng USD suy yếu đã làm tăng sức hấp dẫn của vàng đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đi xuống làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng.
Các nhà đầu tư hiện đang chú ý tới báo cáo số liệu việc làm phi nông nghiệp của Mỹ, công bố vào thứ Sáu (5/8).
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,8% lên 20,20 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 3,4% và được giao dịch ở mức 928,71 USD/ounce và palladium tăng 2,7% lên 2.070,58 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng và các kim loại công nghiệp phục hồi do USD suy yếu, buộc các nhà đầu cơ tranh giành mua lại.
Đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 0,7% lên 7.729 USD/tấn trước đó giao dịch trong sắc đỏ sau ba phiên giảm giá liên tiếp.
Gianclaudio Torlizzi, đối tác tại công ty tư vấn T-Commodity ở Milan, cho biết
Việc mua vào phần lớn dựa trên mức kỹ thuật vì xu hướng ngắn hạn với đồng đã trở thành tăng giá.
Một nhà giao dịch cho biết biến động trên thị trường chủ yếu là do các quỹ đầu cơ điều khiển bằng máy tính sử dụng các thuật toán khi thị trường vượt qua mức giá mua đặt lúc trước.
Giá tăng chủ yếu bởi USD giảm do dự kiến số người thất nghiệp ở Mỹ sẽ tăng. USD yếu kiến giá các hàng hóa định giá bằng đồng tiền này trở nên rẻ hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Giá đồng trên sàn LME đã mất gần 30% giá trị kể từ khi đạt mức cao kỷ lục 10.845 USD/tấn hồi tháng 3, nhưng đã phục hồi từ mức thấp nhất 20 tháng chạm tới hôm 15/7.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đà tăng giá chỉ là tạm thời bởi xu hướng chung của thị trường hàng hóa rộng lớn là đang giảm giá. Các yếu tố tác động chính vẫn cho thấy giá sẽ giảm, bao gồm cả việc tiêu thụ tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới là Trung Quốc suy giảm.
Phiên vừa qua, giá kẽm tăng mạnh nhất, với mức tăng 5,5% lên 3.457 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 24/6 do lo lắng về nguồn cung khi các nhà máy luyện kẽm hạn chế hoạt động trong bối cảnh giá điện tăng và lượng hàng tồn trữ giảm gần một nửa trong ba tháng qua.
“Về phía nguồn cung, môi trường cung cấp năng lượng và giá cả hiện tại là một mối đe dọa đáng kể,” Glencore cho biết trong một báo cáo.
Giá nhôm trên sàn London phiên này tăng 1,2% lên 2,407 USD/tấn, chì tăng 0,9% lên 2,043 USD và thiếc tăng 0,9% lên 24,470 USD, nhưng nickel giảm 0,5% xuống 22,230 USD.
Giá quặng sắt phiên vừa qua giảm xuống mức thấp nhất một tuần bởi lo ngại nhu cầu ở Trung Quốc hồi phục không bền vững và khả năng tăng nguồn cung.
Trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 kết thúc phiên giảm 5,2% xuống 688,5 CNY (101,96 USD)/tấn,sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 28/7 là 688 CNY; quặng sắt giao tháng 9 tại Singapore giảm 2,5% xuống 107,2 USD/tấn, giảm phiên thứ 5 liên tiếp.
Đối với thép, trên sàn Thượng Hải, giá thép thanh phiên này giảm 2,9%, thép cuộn cán nóng giảm 2,4%, thép không gỉ tăng 0,4%.
Các nhà phân tích cho biết lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang gặp khó khăn, những biện pháp hạn chế Covid-19, các mục tiêu giảm khí thải carbon dẫn tới việc cắt giảm sản lượng thép, và căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng về Đài Loan tất cả gây sức ép lên tâm lý thị trường.
Do nhu cầu quặng sắt dự kiến giảm trong những tháng tới trong bối cảnh xuất khẩu ổn định từ các nhà cung cấp chủ chốt Australia và Brazil, dự trữ quặng sắt tại trung Quốc có thể tiếp tục tăng. Được biết, lượng quặng sắt nhập khẩu chứa tại các cảng của Trung Quốc tăng ổn định trong 5 tuần qua, đạt cao nhất 10 tuần ở mức 135,5 triệu tấn tính tới ngày 29/7, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương và lúa mì Mỹ tăng do các thương nhân theo dõi dự báo thời tiết nóng và khô trong tháng 8, là tháng quan trọng trong quá trình sinh trưởng của cây. Giá ngô và lúa mì phiên này cũng tăng theo xu hướng giá đậu tương.
Theo đó, hợp đồng đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 49-1/4 US cent lên 14,19 USD/bushel; ngô kỳ hạn tháng 12 tăng 9-3/4 US cent lên 6,06 USD/bushel, trong khi lúa mì đỏ mềm vụ đông giao tháng 9 tăng 18 US cent lên 7,81-3/4 USD/Bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 kết thúc phiên giảm 1,2% xuống 17,55 US cent/lb, tiến gần tới mức thấp nhất một năm chạm tới hôm 1/8. Trái lại, giá đường trắng kỳ hạn tháng 10 tăng 0,1% lên 528 USD/tấn.
Các đại lý cho biết giá dầu thô sụt giảm đã tạo áp lực giảm giá đường thô. Giá năng lượng thấp sẽ khiến dùng ít mía hơn để sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol, làm tăng nguồn cung mía để sản xuất đường.
Tereos, tổ chức đường lớn nhất của Pháp cho biết họ dự kiến sản lượng củ cải đường của Pháp trong năm nay vượt mức trung bình trong 5 năm mặc dù ít mưa.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 lúc đóng cửa tăng 2,2% lên 2,1930 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 0,9% lên 2.041 USD/tấn.
Lượng tồn trữ cà phê của sàn ICE tiếp tục sụt giảm xuống 695.135 bao loại 60 kg/bao, mức thấp nhất trong hơn 20 năm.
Sản lượng cũng đang giảm mạnh ở các nhà sản xuất arabica sạch như Honduras và Colombia.
Rabobank cảnh báo nếu tình hình thời tiết tại Brazil là tốt vào giữa tháng 8, cà phê arabica sẽ phải đối mặt với một số áp lực.
Tại Châu Á, giá cà phê Việt Nam duy trì gần mức cao nhất 4 năm do đồng USD mạnh lên và không còn tồn kho vào cuối vụ.
Các thương nhân chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức trừ lùi 20 – 40 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 trên sàn London. Trong khi đó, người trồng cà phê ở Tây Nguyên bán cà phê với giá 44.500 – 46.000 đồng (1,9 – 1,97 USD)/kg, mức cao nhất từ đầu niên vụ tới nay.
Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy Việt Nam sẽ thu hoạch được 30 triệu bao (60 kg/bao) trong niên vụ 2022/23, giảm nhẹ so với niên vụ trước đó. Xuất khẩu cà phê từ Việt Nam ước tính tăng 18,4% trong 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước lên 1,1 triệu tấn, tương đương 19 triệu bao.
Trong khi đó tại Indonesia, cà phê Sumatra được chào bán ở mức trừ lùi 50 – 60 USD so với hợp đồng tháng 8 và tháng 9 trên sàn London. Xuất khẩu của cà phê robusta Sumatra trong tháng 6 tháng tăng 45,98% so với cùng kỳ năm trước lên 16.551,68 tấn.
Giá cao su Châu Á giảm do những lo ngại mới về nhu cầu đang chậm lại tại Trung Quốc sau các thông báo về các biện pháp phong tỏa mới.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn giao dịch Osaka lúc đóng cửa giảm 2 JPY xuống 227,6 JPY (1,7 USD)/kg; hợp đồng kỳ hạn tháng 9 trên sàn Thượng Hải giảm 95 CNY xuống 11.960 CNY (1.771 USD)/tấn; kỳ hạn tháng 9 trên sàn Singapore giảm 0,7% xuống 151 US cent/kg. Thị trường lo n gại về việc nhu cầu cao su đang chậm lại tại Trung Quốc khi mở rộng phong tỏa chống Covid-19.
Giá hàng hóa thế giới

 

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)