Năng lượng: Giá dầu tháng 3 giảm mạnh nhất kể từ tháng 11
Giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng vào thứ Sáu và kết thúc tuần tăng thứ hai liên tiếp do nguồn cung thắt chặt ở một số nơi trên thế giới và dữ liệu lạm phát của Mỹ cho thấy tốc độ tăng giá đang chậm lại.
Hợp đồng dầu Brent kỳ hạn tháng 6 được giao dịch sôi động nhất tăng 1,29 USD, tương đương 1,6%, lên 79,89 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent kỳ hạn tháng 5 – vừa đáo hạn - tăng 50 cent, tương đương 0,6%, lên 79,77 USD/thùng.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5 tăng 1,30 USD, tương đương 1,8%, lên 75,67 USD/thùng, tăng khoảng 9% trong tuần.
Bất chấp mức tăng của ngày thứ Sáu, dầu Brent và WTI đã ghi nhận mức giảm hàng tháng lần lượt là 5% và 2%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11. Giá dầu Brent giảm quý thứ ba liên tiếp, lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ năm 2015.
Dữ liệu vào thứ Sáu cho thấy chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang, tăng 0,3% trong tháng 2 so với tháng liền trước, so với mức tăng 0,6% trong tháng 1 và dự đoán tăng 0,4% trong cuộc thăm dò ý kiến của Reuters.
Các dấu hiệu cho thấy lạm phát đang chậm lại có xu hướng hỗ trợ giá dầu vì điều này có thể dẫn đến việc Fed tăng lãi suất ít mạnh mẽ hơn, làm tăng nhu cầu của nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro như hàng hóa và cổ phiếu.
Giá dầu cũng tăng sau khi các nhà sản xuất đóng cửa hoặc giảm sản lượng tại một số mỏ dầu ở khu vực bán tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq sau khi đường ống xuất khẩu phía bắc bị dừng.
Một số nguồn tin cho biết với việc giá dầu phục hồi từ các mức đáy gần đây, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh do Nga dẫn dầu có thể sẽ giữ nguyên thoả thuận về sản lượng dầuhiện tại ở cuộc họp vào ngày 3/4 tới.
OPEC đã bơm 28,90 triệu thùng mỗi ngày (bpd) trong tháng này, giảm 70.000 bpd so với tháng Hai, một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy. Sản lượng giảm hơn 700.000 thùng/ngày so với tháng 9.
Kim loại quý: Giá vàng tăng quý thứ 2 liên tiếp
Giá vàng đã tăng quý thứ hai liên tiếp do thị trường ngày càng tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Mỹ sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất khiến vàng trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư.
Giá vàng giảm trong phiên thứ Sáu, với vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.968,25 USD/ounce, sau khi có lúc tăng 0,4% sau dữ liệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng nhẹ trong tháng Hai. Giá vàng giao sau cũng giảm 0,6% xuống 1.986,2 USD.
Giá bạc giao ngay trong phiên này tăng 0,4% lên 23,96 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,6% lên 991,77 USD/ounce; trong khi palladium đi ngang ở mức 1.464,77 USD/ounce.
Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại quý độc lập tại New York, cho biết: “Giá vàng tăng nhanh nhưng quay đầu đị xuống sau báo cáo về chi tiêu tiêu dùng. Những nhà đầu cơ giá lên muốn có mức đóng cửa rất cao, lý tưởng là trên 2.000 USD/ounce vào cuối quý, như một bàn đạp để thách thức mức cao kỷ lục mọi thời đại 2.070 USD/ounce, tuy nhiên, thị trường kim loại quý không diễn biến theo hướng đó”.
Chỉ số USD, trong khi giảm trong quý I, đã ổn định vào thứ Sáu, gây áp lực lên nhu cầu đối với vàng - được định giá bằng đồng bạc xanh.
Chứng khoán toàn cầu tăng điểm trong phiên cuối tháng, sau khi dữ liệu về PCE mang lại hy vọng về một chính sách nâng lãi suất bớt quyết liệt hơn từ Fed. Vàng, vốn được xem là một kênh trú ẩn an toàn, sẽ mất giá khi nhà đầu tư có hứng thú với các tài sản rủi ro hơn.
Tuần trước, giá vàng đã chạm mốc 2.000 USD/ounce sau vụ phá sản bất ngờ của 2 ngân hàng khu vực của Mỹ, khiến nhiều người cược rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tạm dừng nâng lãi suất để ngăn chặn nguy cơ tình trạng sụp đổ lây lan trong hệ thống ngân hàng toàn cầu. 
Kim loại công nghiệp: Giá tăng trong quý I
Giá đồng giảm vào thứ Sáu nhưng vẫn tăng khoảng 7,5% trong quý I do nhu cầu tại nước tiêu dùng hàng đầu thế giới - Trung Quốc - phục hồi sau đợt sụt giảm năm ngoái, với nhiều nhà phân tích dự đoán sẽ còn tăng nữa.
Kim loại được sử dụng nhiều trong hệ thống dây điện này đạt mức cao nhất trong 7 tháng là 9.550,50 USD/tấn vào giữa tháng 1 nhưng mất đà do lãi suất của Mỹ tăng và sự phục hồi của Trung Quốc tỏ ra chậm hơn dự báo.
Những lo ngại về rắc rối của lĩnh vực ngân hàng sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế cũng gây áp lực lên kim loại trong những tuần gần đây.
Kết thúc phiên cuối tuần, giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã giảm 0,1% xuống 8.994,50 USD/tấn nhưng đã có quý tăng thứ hai liên tiếp.
Dữ liệu vào thứ Sáu cho thấy tốc độ tăng trưởng nhà máy của Trung Quốc đã chậm lại trong tháng Ba. Kết quả đó cao hơn dự kiến nhưng làm nổi bật những nghi ngờ về sức mạnh phục hồi sản xuất của Trung Quốc sau COVID.
Tuy nhiên, hàng tồn kho đồng trong các kho do Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giám sát lại giảm trong tuần tính đến thứ Sáu và hàng tồn kho trong hệ thống trao đổi LME và COMEX ở mức thấp so với tiêu chuẩn lịch sử.
Nhà phân tích Nitesh Shah của WisdomTree cho biết: “Các nguyên tắc cơ bản có vẻ mạnh mẽ, đồng thời dự đoán rằng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và sự chuyển dịch toàn cầu sang điện khí hóa sử dụng nhiều đồng sẽ thúc đẩy nhu cầu. Theo ông Shad, giá sẽ tăng cao hơn mức cao nhất của tháng 1 trong quý thứ ba, vào thời điểm đó lãi suất của Mỹ có thể giảm xuống.
Các nhà phân tích của ANZ cho biết: “Nhu cầu từ Trung Quốc cải thiện, dự trữ toàn cầu cạn kiệt và nguồn cung hạn chế sẽ giữ cho kim loại công nghiệp tương đối ổn định trước bất kỳ cơn gió ngược kinh tế vĩ mô nhẹ nào”.
Codelco của Chile, nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới, cho biết họ dự kiến sẽ duy trì mức sản xuất đồng vào năm 2023 sau khi giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Về các kim loại cơ bản khác, giá nhôm trên sàn LME phiên cuối tháng tăng 1,2% lên 2.415 USD/tấn, kẽm giảm 0,4% xuống 2.920 USD, niken tăng 2,4% lên 23.750 USD, chì giảm 1,3% xuống 2.111 USD và thiếc gần như không thay đổi ở mức 25.910 USD. Tính chung trong quý I, giá thiếc và nhôm tăng nhẹ, trong khi kẽm, niken và chì giảm.
Giá quặng sắt kỳ hạn tại Đại Liên tăng vào thứ Sáu và duy trì đà tăng quý thứ hai liên tiếp do kỳ vọng nhu cầu thép được cải thiện ở Trung Quốc trong quý hai. Những lo ngại về nguồn cung thắt chặt cũng hỗ trợ giá twang.
Giá nguyên liệu sản xuất thép đã tăng trở lại từ mức thấp trong tháng 10 do việc dỡ bỏ chính sách Zero COVID và các biện pháp hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn ở Trung Quốc đã làm sáng tỏ sự phục hồi kinh tế và triển vọng nhu cầu thép ở nước tiêu dùng quặng sắt lớn nhất thế giới.
Kỳ vọng nhu cầu của Trung Quốc được cải thiện đặc biệt đối với thép xây dựng trong mùa xuân và lượng quặng sắt tồn kho tại cảng giảm cũng thúc đẩy giá.
Tuy nhiên, những bất ổn kinh tế toàn cầu và hạn chế sản xuất thép trong nước, cùng với cảnh báo của các nhà quản lý Trung Quốc về việc đầu cơ giá quá mức, đã kìm hãm đà tăng của quặng sắt.
Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất - kỳ hạn tháng 5 - trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc đã kết thúc phiên với mức tăng 1,2% lên 907 nhân dân tệ (132,13 USD)/tấn và kéo dài mức tăng hàng quý lên hơn 6%.
Trên Sàn giao dịch Singapore, quặng sắt giao tháng 5 giảm 0,2% xuống 125,10 USD/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả quý giá tăng mạnh 10%.
Giá thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,2%, thép cuộn cán nóng tăng 0,5% và dây thép cuộn 1 tăng 0,2%, trong khi thép không gỉ giảm 1,3%.
Các nhà phân tích của Ngân hàng Quốc gia Australia cho biết: “Giá quặng sắt tiếp tục tăng do các dấu hiệu nguồn cung thắt chặt hơn trước nhu cầu theo mùa tăng vào thời kỳ xây dựng cao điểm của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, sức mạnh nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc có thể suy yếu trong nửa cuối năm nay, với việc Trung Quốc đặt mục tiêu giảm sản lượng thép thô một lần nữa trong năm nay để phù hợp với mục tiêu giảm phát thải carbon, các nhà phân tích cho biết.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc dường như cũng rất mong manh. Các nhà phân tích của Citi cho biết: “Sự phục hồi của Trung Quốc đang diễn ra nhưng có vẻ không đồng đều, với cơ sở hạ tầng và sản xuất vượt trội so với bất động sản và tiêu dùng”.
Nông sản: Giá ngũ cốc và cao su giảm
Trong phiên 31/3, giá đậu tương Mỹ tăng 2,1%, lần đầu tiên tăng trở lại trên 15 USD/bushel kể từ giữa tháng 3 sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra dự báo về diện tích gieo trồng năm 2023 và ước tính dự trữ đậu tương ở mức thấp. Giá ngô kết thúc trái chiều, với các hợp đồng kỳ hạn gần tăng nhờ trong khi các hợp đồng kỳ hạn xa giảm do dự báo vụ mùa lớn hơn dự kiến.
Trên Sàn giao dịch Chicago, đậu tương kỳ hạn tháng 5 tăng 31 cent lên 15,05-1/2 USD/bushel, sau khi đạt 15,13-3/4 USD, mức cao nhất của hợp đồng kể từ ngày 13 tháng 3. Giá ngô giao tháng 5 giảm 11 cent xuống 6,60-1/2 USD/bushel, trong khi ngô vụ mới giao tháng 12 giảm 1/2 cent xuống 5,66-1/2 USD. Giá lúa mì giao tháng 5 ổn định ở mức 6,92-1/4 USD/bushel.
Giá đậu tương kỳ hạn tăng sau khi chính phủ dự kiến diện tích trồng đậu tương năm 2023 là 87,5 triệu acre, chỉ tăng nhẹ so với năm 2022 và gần mức ước tính thấp trong cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích của Reuters. USDA cũng báo cáo dự trữ đậu tương ngày 1 tháng 3 ở mức 1,685 tỷ bushel, giảm 13% so với một năm trước.
Tính chung trong quý I, giá lúa mì giảm 12,6%, ngô giảm 2,7% và đậu tương giảm 1,2%.
Giá đường trắng giao tháng 5 trên sàn London phiên cuối tháng giảm 1,4% xuống 621,80 USD/tấn từ mức cao nhất trong vòng 10 năm rưỡi trước đó là 634,80 USD; đường thô giao cùng kỳ hạn trên sàn New York giảm 0,7% xuống 21,81 cent/lb nhưng tính chung cả tuần tăng 4,8%.
Các đại lý cho biết lượng đường trắng sẵn có để bán theo hợp đồng kỳ hạn tháng 5 có vẻ hạn chế sau khi vụ mùa ở Liên minh Châu Âu, Ấn Độ và Thái Lan cùng các nước khác thấp hơn dự kiến.
"Kỳ vọng thu hoạch giảm ở Brazil, Ấn Độ và châu Âu đang gây lo ngại về nguồn cung, trong khi giá cũng đang được hỗ trợ bởi việc tiếp tục chuyển hướng mía sang sản xuất ethanol ở Ấn Độ," Fitch Solutions cho biết trong một báo cáo.
Giá cà phê robusta giao tháng 5 giảm 0,9% xuống 2.196 USD/tấn do thị trường trượt dốc hơn nữa từ mức cao nhất trong 6,5 tháng, là 2.250 USD thiết lập hôm thứ Ba; cà phê arabica giao tháng 5 giảm 0,35% xuống 1,6920 USD/lb.
Thị trường được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng do một số nhà rang xay tăng tỷ lệ cà phê robusta rẻ hơn trong hỗn hợp trong khi xuất khẩu từ nhà sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới - Việt Nam - đang chạy chậm hơn so với mùa trước.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng vào thứ Sáu do hoạt động sản xuất của Trung Quốc mở rộng. Tuy nhiên, tính chung trong quý I, giá giảm quý thứ tư liên tiếp.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 0,9 yên, tương đương 0,4%, lên 210,0 yên (1,58 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá tăng tuần đầu tiên sau 3 tuần giảm, với mức tăng 2,9%, nhưng đã giảm tháng thứ hai liên tiếp và quý thứ tư liên tiếp, giảm lần lượt là 6,3% và 3,7%.
Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 30 CNY lên 11.930 CNY (1.738,1 USD)/tấn. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 4 trên nền tảng SICOM của Sở giao dịch Singapore tăng 0,5% lên 135,0 US cent/kg,
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc mở rộng với tốc độ chậm hơn trong tháng 3, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng phục hồi của các nhà máy sau COVID trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu hơn và thị trường bất động sản suy thoái.
Giá hàng hóa thế giới:

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)