Năng lượng: Giá dầu giảm tuần đầu tiên trong 3 tuần
Giá dầu tăng hơn 2% trong phiên cuối tuần (thứ Sáu, 2/6) sau khi Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận trần nợ giúp ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của chính phủ tại quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới và dữ liệu việc làm đã thúc đẩy hy vọng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tạm dừng tăng lãi suất. Thị trường hiện chuyển sang theo dõi cuộc họp của OPEC và các đồng minh vào Chủ nhật.
Kết thúc phiên này, hợp đồng dầu thô Brent kỳ hạn tương lai tăng 1,85 USD, tương đương 2,5%, lên mức 76,13 USD một thùng, trong khi dầu thô trung cấp Tây Texas của Mỹ (WTI) tăng 1,64 USD, tương đương 2,3%, lên mức 71,74 USD. Đây là mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 26/5 đối với WTI và ngày 29 tháng 5 đối với dầu Brent.
Tính chung cả tuần, cả hai loại dầu đều giảm khoảng 1%, là lần giảm hàng tuần đầu tiên trong vòng 3 tuần.
Trong phiên thứ Năm, dầu Brent đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2021 đối với dầu Brent và tháng 3/2022 đối với dầu WTI.
Thượng viện Mỹ đã thông qua một thỏa thuận lưỡng đảng nhằm đình chỉ giới hạn trần nợ của chính phủ, sau khi được Hạ viện thông qua, ngăn chặn tình trạng vỡ nợ - có thể làm rung chuyển thị trường tài chính.
Số việc làm mới ở Mỹ trong tháng 5 tăng hơn dự kiến, nhưng Fed có thể sẽ bỏ qua đợt tăng lãi suất trong tháng này lần đầu tiên sau hơn một năm, điều đó có thể hỗ trợ nhu cầu dầu mỏ.
Các nhà giao dịch dầu mỏ tập trung theo dõi cuộc họp ngày 4 tháng 6 của OPEC+ (Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga). Nhóm này vào tháng 4 đã bất ngờ thông báo cắt giảm sản lượng 1,16 triệu thùng mỗi ngày, nhưng xu hướng tăng giá dầu vẫn không được duy trì và dầu thô đang giao dịch ở mức giá thấp hơn trước khi cắt giảm sản lượng.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty phân tích và dữ liệu OANDA cho biết: “Không ai muốn bán khống dầu thô khi tham gia cuộc họp OPEC+ vào cuối tuần. ... Các nhà giao dịch không bao giờ nên đánh giá thấp những gì Saudi Arabia sẽ làm và tận dụng trong các cuộc họp của OPEC+”. Saudi Arabia là nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC.
Tại Mỹ, các công ty năng lượng trong tuần qua đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu hoạt động nhiều nhất kể từ tháng 9 năm 2021, giảm tổng số giàn khoan tuần thứ năm liên tiếp, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết trong một báo cáo được theo dõi chặt chẽ.
Các công ty khoan của Mỹ đã cắt giảm hoạt động khoan trong nhiều tháng do giá dầu thô của Mỹ giảm 11% và giá khí tự nhiên kỳ hạn tương lai giảm 51% kể từ đầu năm.
Để nhắc nhở về mùa bão sắp tới ở Đại Tây Dương, cơn bão nhiệt đới Arlene đã hình thành ở Vịnh Mexico gần Florida.
Về phía cầu, dữ liệu sản xuất của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, vẽ nên một bức tranh hỗn hợp.
Trung Quốc đang hứng chịu những đợt nắng nóng sớm, dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 6, khiến lưới điện bị căng thẳng khi người tiêu dùng ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Thâm Quyến tăng cường sử dụng máy điều hòa nhiệt độ.
Khí đốt giảm 6 tuần liên tiếp
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á giảm tuần thứ 6 liên tiếp xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm, trong khi giá LNG tại châu Âu cũng giảm do nhu cầu yếu và tồn kho cao.
Theo ước tính của ngành, giá LNG trung bình cho đợt giao hàng tháng 7 tới Đông Bắc Á đã giảm 5,3% so với tuần trước ở mức 9 USD trên một triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2021.
Ryhana Rasidi, nhà phân tích LNG của công ty phân tích Kpler, cho biết: “Các yếu tố cơ bản của thị trường châu Âu về dự trữ khí đốt và tiêu thụ nội địa vẫn khá bi quan, điều này có thể tiếp tục gây áp lực lên giá trong thời gian tới”.
Bà cho biết giá cũng giảm ở Đông Bắc Á trong tuần này do hàng tồn kho vẫn ở mức cao.
Công ty tư vấn Rystad Energy cho biết trong một báo cáo vào cuối ngày thứ Tư rằng nhu cầu ở hạ nguồn yếu và mức lưu trữ cao đã đẩy giá tại châu Á xuống thấp hơn, đồng thời cho biết thêm có những lo ngại rằng xu hướng giảm nhu cầu hạn chế có thể sẽ còn tiếp diễn.
Tại Bắc Âu, Argus thông báo giá LNG kỳ hạn giao trong tháng 7 hôm 31 tháng 5 ở mức 7,15 USD/mmBtu vào, giảm 0,91 USD/mmBtu so với giá khí tháng 7 tại Hà Lan trung tâm khí TTF.
Kim loại quý: Giá vàng tăng 0,2% trong tuần, kết thúc 3 tuần giảm
Giá vàng giảm trong phiên cuối tuần do dữ liệu việc làm của Mỹ cao hơn dự kiến đã nâng lợi suất trái phiếu kho bạc tăng, nhưngtính chung cả tuần giá vàng giảm do tỷ lệ thất nghiệp tăng khiến thị trường tiếp tục nhận định Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên 2/6 giảm 1,4% xuống 1.951,13 USD/ounce, sau khi có lúc đạt mức cao nhất trong bảy phiên. Giá vàng Mỹ giao sau tăng 1,3% lên 1.969,6 USD.
Vàng thỏi đã tăng 0,2% trong tuần này và kết thúc chuỗi 3 tuần giảm giá.
Giá bạc giao ngay trong phiên cuối tuần giảm 1,2% xuống 23,62 USD/ounce; bạch kim giảm 0,7% xuống 999,15 USD, trong khi palladium tăng 0,8% lên 1.405,90 USD, cả hai đều giảm so với một tuần trước đó.
Dữ liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng 339.000 trong tháng 5, vượt qua kỳ vọng là tăng 190.000, nhưng tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 3,7% từ mức thấp nhất trong 53 năm là 3,4% hồi tháng 4.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm và đồng USD tăng giá trong phiên 2/6, khiến cho thỏi vàng thỏi được định giá bằng đồng bạc xanh, vốn không chịu lãi suất, trở nên kém hấp dẫn hơn.
Tại châu Á, nhu cầu vàng vật chất ở Ấn Độ đã chậm lại trong tuần qua do giá trong nước phục hồi khiến người mua hoãn mua, trong khi sự suy yếu của đồng tiền Trung Quốc đã củng cố mức cộng giá vàng tại nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.
Kim lọai công nghiệp: Giá tăng trong tuần
Giá đồng vững trong phiên cuối tuần nhưng đà tăng bị cản trở do USD mạnh lên. Tính chung cả tuần, giá đồng tăng tuần đầu tiên trong 7 tuần.
Thúc đẩy mức tăng vào thứ Năm và đầu ngày thứ Sáu là dữ liệu cho thấy hoạt động của các nhà máy Trung Quốc bất ngờ tăng và một thỏa thuận nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của Mỹ, điều này đã thúc đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu.
Với việc các nhà đầu tư cũng đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ không tăng lãi suất hơn nữa trong cuộc họp tiếp theo, nhu cầu đối với các tài sản liên quan đến tăng trưởng và rủi ro cũng tăng lên.
Kết thúc phiên thứ Sáu, giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) gần như không thay đổi so với đóng cửa phiên thứ Năm, ở mức 8.242 USD/tấn, sau khi trước đó chạm 8.381 USD, mức cao nhất kể từ ngày 11 tháng 5.
Tính chung cả tuần, giá đồng tăng khoảng 1,3%, nhưng vẫn giảm khoảng 14% so với mức đỉnh hồi tháng 1 do sự phục hồi kinh tế yếu kém của Trung Quốc và các đợt tăng lãi suất ở những nơi khác kìm hãm tăng trưởng.
Chiến lược gia Ole Hansen của Saxo Bank cho biết tăng trưởng kinh tế và sản xuất vẫn còn yếu trên toàn cầu, nhưng các nhà đầu tư dường như đã cạn kiệt mong muốn bán đồng.
Giá nhôm kỳ hạn 3 tháng trên sàn LME kết thúc phiên thứ Sáu giảm 0,7% xuống 2.266 USD/tấn. Giá nhôm đã giảm 15% kể từ khi chạm mức cao nhất vào tháng 1 và ở mức 2.285 USD/tấn vào thứ Sáu, do nhu cầu yếu và tăng trưởng chậm lại trên toàn thế giới.
Trong khi đó, giá kẽm tăng 1,6% lên 2.303 USD, niken giảm 1% xuống 21.110 USD, chì tăng 1,8% lên 2.034 USD và thiếc tăng 0,4% lên 25.525 USD.
Tồn trữ nhôm giao ngay tại các kho được phê duyệt của Sàn LME đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 tháng. Theo đó, tổng lượng nhôm dự trữ tại các kho của LME là 579.025 tấn.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên đã tăng vào thứ Sáu lên mức cao nhất trong sáu tuần, trong khi giá tại Singapore đạt mức cao nhất trong hai tuần, kéo dài đà phục hồi do hoạt động nhà máy của Trung Quốc trong tháng Năm bất ngờ tăng trưởng. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt cũng tăng khi các nhà bình luận thị trường tiếp tục suy đoán về nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới - Trung Quốc – sẽ tung ra các biện pháp kích thích bổ sung để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế hiện đang không đồng đều và mong manh sau COVID.
Quặng sắt được giao dịch nhiều nhất trong - kỳ hạn tháng 9 - trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên thứ Sáu tăng 2,9% lên 745,5 nhân dân tệ (107,85 USD)/tấn, sau khi có lúc chạm 755,5 nhân dân tệ, mức cao nhất kể từ ngày 21 tháng 4.
Các nhà phân tích của Westpac cho biết trong một lưu ý rằng quặng sắt Đại Liên đã tăng gần 9% trong tuần này, "một dấu hiệu cho thấy các thương nhân nội địa đang trở nên lạc quan hơn về triển vọng nhu cầu tại Trung Quốc".
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 7 tăng 1,8% lên 103,95 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 19/5, kéo dài mức tăng hàng tuần lên khoảng 6%.
Giá thép tiếp tục xu hướng tăng trong phiên cuối tuần, với thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 2,5%, thép cuộn cán nóng tăng 2,7%, dây thép cuộn tăng 1,2% và thép không gỉ tăng 2,0%.
Tỷ lệ sử dụng công suất lò cao của các nhà máy thép Trung Quốc ở mức 89,66%, nhìn chung ổn định kể từ ngày 26 tháng 5 đến ngày 1 tháng 6 so với tuần trước đó, dựa trên cuộc khảo sát mới nhất của nhà cung cấp dữ liệu và tư vấn ngành Mysteel đối với 247 nhà sản xuất.
Nông sản: Giá đồng loạt tăng trong tuần
Giá ngô và đậu tương kỳ hạn của Mỹ kết thúc phiên thứ Sáu tăng, được hỗ trợ nhờ nhu cầu mua mạnh sau những phiên giá giảm xuống mức thấp nhất nhiều tháng, tình trạng khô hạn ở vành đai cây trồng Trung Tây nước Mỹ và tác động lan tỏa từ các thị trường chứng khoán và dầu thô.
Giá lúa mì cũng tăng bởi lo ngại về thời tiết ở Trung Quốc và căng thẳng về hành lang vận chuyển từ Ukraine.
Kết thúc phiên này, giá ngô kỳ hạn tháng 7 trên sàn Chicago tăng 16-1/2 cent lên 6,09 USD/bushel, vượt qua ngưỡng kháng cự trên biểu đồ tại mức trung bình động 50 ngày, là gần 6,05 USD. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7 tăng 23 cent lên 13,52-1/2 USD/bushel, trong khi lúa mì kỳ hạn tháng 7 tăng 8-1/4 cent lên 6,19 USD/bushel.
Tính chung cả tuần, giá ngô tăng 0,8%, đậu tương tăng 1,1% và lúa mì tăng 0,5%.
Doanh số xuất khẩu hàng tuần của ngô, đậu tương và lúa mì của Mỹ ở mức thấp cho thấy thị trường lo lắng về nhu cầu kém. Tuy nhiên, giá cả ba loại ngũ cốc kỳ hạn tương lai đều tăng khi các thương nhân tập trung vào thời tiết mùa màng của Mỹ, với tình trạng khô hạn diễn ra ở một số khu vực của vùng Trung Tây.
Giá đường thô kết thúc phiên thứ Sáu giảm xuống mức giá thấp nhất 1,5 tháng khi nguồn cung đường từ nhà sản xuất hàng đầu Brazil được cải thiện.
Đường thô kỳ hạn tháng 7 kết thúc phiên này giảm 0,15 cent, tương đương 0,6%, xuống 24,73 cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất 6 tuần là 24,57 US cent. Hợp đồng này đã mất 2,5% giá trị trong tuần.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 4,00 USD, tương đương 0,6%, xuống 686,10 USD/tấn.
Nhà sản xuất đường hàng đầu thế giới - Brazil - đã xuất khẩu 2,47 triệu tấn đường trong tháng 5 so với chỉ 1,57 triệu tấn một năm trước, ngay cả trong thời điểm cao điểm của mùa xuất khẩu đậu tương Brazil, một dấu hiệu cho thấy các nhà khai thác cảng đang xử lý tốt trong tình huốn vụ mùa ngũ cốc và đường trong năm nay đạt sản lượng kỷ lục hoặc gần kỷ lục.
Mưa ở Brazil dự kiến sẽ giảm bớt, cho phép tiến hành thu hoạch, trong khi đã có một số cơn mưa sớm ở Ấn Độ và một số cơn mưa theo mùa ở Thái Lan, làm giảm bớt những lo ngại liên quan đến mô hình thời tiết El Nino.
Giá cà phê arabica giao tháng 7 phiên cuối tuần giảm 2,75 cent, tương đương 1,5%, xuống 1,803 USD/lb. Hợp đồng này đã mất 1,4% trong tuần.
Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn giảm 30 USD, tương đương 1,2%, xuống 2.575 USD/tấn.
Nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, Brazil, đã xuất khẩu 141.085 tấn cà phê xanh trong tháng 5, giảm so với 142.467 tấn một năm trước.
Dự trữ cà phê tại các kho của sàn ICE giảm xuống còn 583.518 bao, thấp hơn mức 1,06 triệu bao một năm trước đây.
Xuất khẩu cà phê từ Honduras, nhà sản xuất cà phê arabica đã qua chế biến lớn nhất Trung Mỹ, đã tăng 79% trong tháng Năm.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng vào thứ Sáu do dữ liệu nhà máy lạc quan ở nước mua cao su hàng đầu thế giới - Trung Quốc - thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản rủi ro trong bối cảnh tâm lý tích cực đối với chính sách tiền tệ của Mỹ và dự luật trần nợ cũng hỗ trợ giá. Tính chung cả tuần, giá tăng nhẹ.
Cụ thể, cao su giao tháng 11 trên Sàn giao dịch Osaka (OSE) kết thúc phiên 2/6 tăng 1,6 yên, tương đương 0,8%, lên 209,8 yên (1,6 USD)/kg. Tính chung cả tuần, hợp đồng này tăng 0,1%, phục hồi sau mức giảm của tuần trước.
Cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) tăng 190 NDT lên 12.000 NDT (1.736 USD)/tấn. Sàn giao Singapore đóng cửa vào thứ Sáu để nghỉ lễ.
Dữ liệu kinh tế khả quan hơn của Trung Quốc và tiến triển trong dự luật đình chỉ trần nợ của Mỹ đã hỗ trợ lực mua, một đại lý có trụ sở tại Tokyo cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng các thương nhân đẩy mạnh mua vì giá OSE bị định giá thấp hơn so với giá thực tại các nước sản xuất.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn thận trọng do lo ngại về sự phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc và khả năng dịch COVID-19 bùng phát trở lại, đồng thời dự đoán rằng thị trường sẽ duy trì biên độ giao dịch hẹp vào tuần tới.
Đà tăng giá cao su phiên này bị hạn chế bởi đồng yên mạnh hơn. Đồng USD được báo giá khoảng 138,87 JPY, so với khoảng 139,70 yên vào chiều thứ Năm. Đồng yên mạnh hơn làm cho các tài sản bằng đồng yên trở nên rẻ hơn khi mua bằng các loại tiền tệ khác.
Giá hàng hóa thế giới:
|
ĐVT
|
Giá 26/5
|
Giá 2/6
|
2/6 so với 1/6
|
2/6 so với 1/6 (%)
|
Dầu thô WTI
|
USD/thùng
|
67,69
|
71,74
|
+1,64
|
+2,34%
|
Dầu Brent
|
USD/thùng
|
72,66
|
76,13
|
+1,85
|
+2,49%
|
Dầu thô TOCOM
|
JPY/kl
|
63.000,00
|
63.900,00
|
+1.250,00
|
+2,00%
|
Khí thiên nhiên
|
USD/mBtu
|
2,26
|
2,17
|
+0,01
|
+0,65%
|
Xăng RBOB FUT
|
US cent/gallon
|
255,99
|
250,07
|
+6,45
|
+2,65%
|
Dầu đốt
|
US cent/gallon
|
225,96
|
235,69
|
+4,22
|
+1,82%
|
Dầu khí
|
USD/tấn
|
657,75
|
695,25
|
+13,75
|
+2,02%
|
Dầu lửa TOCOM
|
JPY/kl
|
75.100,00
|
75.100,00
|
0,00
|
0,00%
|
Vàng New York
|
USD/ounce
|
1.983,40
|
1.969,60
|
-25,90
|
-1,30%
|
Vàng TOCOM
|
JPY/g
|
8.785,00
|
8.753,00
|
-63,00
|
-0,71%
|
Bạc New York
|
USD/ounce
|
23,61
|
23,75
|
-0,24
|
-1,00%
|
Bạc TOCOM
|
JPY/g
|
104,50
|
107,00
|
0,00
|
0,00%
|
Bạch kim
|
USD/ounce
|
1.002,94
|
1.007,95
|
-1,76
|
-0,17%
|
Palađi
|
USD/ounce
|
1.373,20
|
1.424,29
|
+26,71
|
+1,91%
|
Đồng New York
|
US cent/lb
|
366,65
|
372,75
|
+1,65
|
+0,44%
|
Đồng LME
|
USD/tấn
|
8.089,00
|
8.237,00
|
-6,50
|
-0,08%
|
Nhôm LME
|
USD/tấn
|
2.246,00
|
2.263,50
|
-19,00
|
-0,83%
|
Kẽm LME
|
USD/tấn
|
2.248,50
|
2.306,50
|
+39,50
|
+1,74%
|
Thiếc LME
|
USD/tấn
|
25.454,00
|
25.651,00
|
+214,00
|
+0,84%
|
Ngô
|
US cent/bushel
|
594,75
|
609,00
|
+16,50
|
+2,78%
|
Lúa mì CBOT
|
US cent/bushel
|
595,25
|
619,00
|
+8,25
|
+1,35%
|
Lúa mạch
|
US cent/bushel
|
339,00
|
337,50
|
-1,50
|
-0,44%
|
Gạo thô
|
USD/cwt
|
14,74
|
15,04
|
+0,25
|
+1,69%
|
Đậu tương
|
US cent/bushel
|
1.302,50
|
1.352,50
|
+23,00
|
+1,73%
|
Khô đậu tương
|
USD/tấn
|
394,50
|
397,80
|
-3,60
|
-0,90%
|
Dầu đậu tương
|
US cent/lb
|
46,19
|
49,50
|
+1,64
|
+3,43%
|
Hạt cải WCE
|
CAD/tấn
|
621,90
|
637,60
|
+3,90
|
+0,62%
|
Cacao Mỹ
|
USD/tấn
|
3.007,00
|
3.026,00
|
+18,00
|
+0,60%
|
Cà phê Mỹ
|
US cent/lb
|
178,65
|
180,30
|
-2,75
|
-1,50%
|
Đường thô
|
US cent/lb
|
25,06
|
24,73
|
-0,15
|
-0,60%
|
Nước cam cô đặc đông lạnh
|
US cent/lb
|
282,20
|
279,90
|
-3,65
|
-1,29%
|
Bông
|
US cent/lb
|
79,47
|
81,85
|
+0,27
|
+0,33%
|
Lông cừu (SFE)
|
US cent/kg
|
--
|
--
|
--
|
--
|
Gỗ xẻ
|
USD/1000 board feet
|
--
|
--
|
--
|
--
|
Cao su TOCOM
|
JPY/kg
|
130,40
|
130,80
|
0,00
|
0,00%
|
Ethanol CME
|
USD/gallon
|
2,16
|
2,16
|
0,00
|
0,00%
|