Năng lượng: giá dầu giảm khoảng 10% trong tháng 5
Giá dầu giảm trong phiên cuối tháng (thứ Tư, 31/5) do đồng USD mạnh hơn và dữ liệu yếu từ nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới - Trung Quốc - làm gia tăng lo ngại về nhu cầu.
Dầu thô Brent kỳ hạn giao tháng 8 giảm 1,11 USD xuống 72,60 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,37 USD, tương đương 2%, xuống còn 68,09 USD.
Trong phiên, có thời điểm cả 2 loại dầu đều giảm hơn 2 USD, xuống mức thấp nhất trong nhiều tuần. Phiên liền trước (thứ Ba), cả hai đều giảm hơn 4%.
Tính chung trong tháng 5, giá dầu Brent giảm 9%, trong khi dầu WTI giảm 10%.
Sự yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc đang đè nặng lên giá dầu. Đáng chú ý, dầu thô Brent hiện rẻ hơn 40% so với một năm trước, làm tăng thêm áp lực giảm lạm phát toàn cầu.
Giá dầu giảm sau khi dữ liệu của Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng 5 giảm nhanh hơn dự kiến do nhu cầu suy yếu. Chỉ số quản lý mua hàng chính thức (PMI) của ngành sản xuất giảm xuống 48,8 từ mức 49,2 trong tháng 4, thấp hơn dự báo là 49,4.
Chỉ số đồng USD, so sánh tiền tệ của Mỹ so với sáu đồng tiền chủ chốt khác, tăng do lạm phát ở châu Âu hạ nhiệt và tiến triển trong thỏa thuận của lưỡng đảng Mỹ về dự luật trần nợ, dự luật này sẽ được đưa ra Hạ viện để tranh luận.
Đồng USD mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Dữ liệu của Mỹ cho thấy cơ hội việc làm bất ngờ tăng trong tháng 4, cho thấy sức mạnh bền bỉ trên thị trường lao động có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất vào tháng 6.
Bob Yawger, giám đốc phụ trách năng lượng tương lai của Mizuho cho biết: “Chúng ta có dữ liệu yếu hơn dự kiến của Trung Quốc, tình hình giới hạn nợ, hai năm chi tiêu không đổi và có khả năng một đợt tăng lãi suất khác vào tháng tới. Tất cả đang đè nặng lên thị trường”.
Các thương nhân sẽ theo dõi cuộc họp sắp tới vào ngày 4 tháng 6 của OPEC+ - Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga. Các tín hiệu lẫn lộn của các nhà sản xuất lớn về việc tiếp tục cắt giảm sản lượng đã gây ra biến động giá dầu, tuy nhiên các ngân hàng HSBC và Goldman Sachs cũng như các nhà phân tích không kỳ vọng OPEC+ sẽ thông báo cắt giảm thêm tại cuộc họp này.
HSBC cho biết nhu cầu dầu mạnh hơn từ Trung Quốc và phương Tây từ mùa hè trở đi sẽ gây ra tình trạng thâm hụt nguồn cung trong nửa cuối năm.
Stephen Brennock, nhà phân tích thị trường dầu mỏ của PVM, nói về quyết định của OPEC+: “Hành động có khả năng xảy ra nhất là không hành động.
Tại Mỹ, sản lượng dầu thô tại mỏ đã tăng trong tháng 3 lên 12,696 triệu thùng mỗi ngày, cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu làm giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu, dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng cho thấy.
Dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ giảm trong tuần trước, trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất có khả năng tăng, một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy hôm thứ Ba.
Kim loại quý: Vàng giảm tháng đầu tiên trong 3 tháng
Giá vàng tăng trong phiên cuối tháng, nhưng giảm tỏng tháng 5 do sức mạnh trở lại của đồng USD bởi thị trường gia tăng đặt cược vào việc Fed tăng lãi suất.
Giá vàng tăng trong phiên 31/5 nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc giảm, nhưng sức mạnh của đồng USD, với nhiều đợt tăng lãi suất sắp xảy ra và sự lạc quan về một thỏa thuận nợ của Mỹ, đã khiến vàng thỏi giảm tháng đầu tiên trong vòng 3 tháng.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên đã tăng 0,4% lên 1.966,89 USD/ounce do dữ liệu Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Chicago yếu hơn dự kiến, sau đó giá hạ nhiệt một chút nhờ dữ liệu việc làm tốt hơn của Mỹ.
Tính chung cả tháng 5, giá vàng giao ngay giảm gần 1,1% và thấp hơn 100 USD so với mức cao gần kỷ lục đạt được vào đầu tháng Năm.
Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 tăng 0,3% lên 1.982,10 USD.
David Meger, giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge Futures, cho biết: “Chúng ta đã có một loại hiệu ứng kéo đẩy,” trong bối cảnh lợi suất thấp hơn hỗ trợ giá vàng nhưng đồng USD mạnh lên gây áp lực giảm giá vàng.
"Với dữ liệu việc làm tương đối tốt, những lo ngại về khả năng tăng lãi suất hơn nữa rõ ràng sẽ có xu hướng gây áp lực lên vàng... và mặt khác, chúng ta có dữ liệu PMI đang đi theo hướng ngược lại."
Chỉ số USD tháng 5 tăng giá khiến vàng thỏi trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Thống đốc Fed Philip Jefferson cho biết bất kỳ quyết định nào của Fed về việc giữ nguyên lãi suất cơ bản qua đêm không có nghĩa là ngân hàng trung ương Mỹ đã hoàn tất việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Lãi suất cao làm giảm sức hấp dẫn đối với vàng, tài sản có lãi suất bằng không
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết, ngưỡng hỗ trợ quan trọng quanh mức 1.950 USD có thể thúc đẩy giao dịch theo đà đẩy vàng trở lại mức 2.000 USD.
Các nhà giao dịch cũng tập trung vào những diễn biến xung quanh trần nợ của Mỹ, với việc Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về dự luật dỡ bỏ giới hạn.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 1,5% lên 23,56 USD/ounce, bạch kim giảm 1,6% xuống 998,31 USD, trong khi palladium giảm 2,5% xuống 1.366,29 USD. Cả ba nloại đều giảm trong tháng 5.
Nornickel của Nga dưh điabs thị trường palladi toàn cầu sẽ chuyển sang thặng dư vào năm 2024 sau khi thâm hụt vào năm 2023 do quá trình tái chế vượt xa nhu cầu phục hồi.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng loạt giảm trong tháng 5
Giá đồng giảm trong phiên cuối tháng và cũng giảm trong tháng 5 do dữ liệu ảm đạm của Trung Quốc
Giá đồng hôm thứ Tư giảm trở lại mức thấp nhất trong 6 tháng sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động của các nhà máy tại nước tiêu dùng hàng đầu thế giới - Trung Quốc - giảm nhanh hơn dự kiến trong tháng Năm.
Các số liệu cung cấp thêm bằng chứng cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc - vốn đã tập trung vào các dịch vụ nhiều hơn là sản xuất hoặc xây dựng (sử dụng nhiều kim loại) đang mất đà.
Nhấn mạnh nhu cầu kim loại yếu, dữ liệu chính thức cho thấy sản lượng nhà máy ở Nhật Bản và Hàn Quốc giảm trong tháng Tư.
Thị trường chứng khoán sụt giảm, với tâm trạng thận trọng gấp đôi của các nhà đầu tư trước cuộc bỏ phiếu quan trọng ở Washington về trần nợ của Mỹ.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 11, gây áp lực lên các kim loại được định giá bằng đồng USD bằng cách khiến chúng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua từ Trung Quốc.
Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã giảm 0,6% xuống 8.074 USD/tấn và gần chạm mức thấp nhất của ngày thứ Tư tuần trước là 7.867 USD.
Giá kim loại được sử dụng trong năng lượng và xây dựng đã giảm khoảng 6% trong tháng này sau khi giảm 4,4% trong tháng Tư.
Nhà phân tích Nitesh Shah của WisdomTree cho biết: “Trung Quốc không phục hồi nhanh như mọi người kỳ vọng vào đầu năm”. Ông nói, chừng nào dữ liệu yếu kém của Trung Quốc tiếp tục được công bố, giá sẽ vẫn giảm, đồng thời cho biết thêm, "có thể còn vài tháng nữa tình trạng yếu kém đó sẽ đến trước mắt chúng ta."
Tuy nhiên, có một số dấu hiệu của sự hồi sinh giá cả. Mức cộng giá đồng nhập khẩu Yangshan của Trung Quốc đã tăng lên 42,50 USD/tấn từ khoảng 25 USD một tháng trước, và các nhà phân tích tại JPMorgan cho biết giá thấp hơn đang khuyến khích Trung Quốc mua kim loại vật chất.
Trong khi tồn trữ đồng tại các kho của LME trong sáu tuần qua tăng gần gấp đôi lên 100.000 tấn, thì khoảng 10.000 tấn đã được dành để giao trong những ngày gần đây.
Về những kim loại cơ bản khác, giá kẽm phiên cuối tháng giảm 2,4% xuống 2.248 USD/tấn sau khi tồn kho kẽm của LME tăng gần gấp đôi lên 87.500 tấn kể từ ngày 23 tháng 5, cho thấy tình trạng dư thừa. Giá nhôm trên sàn LME tăng 0,8% lên 2.242,50 USD/tấn, niken giảm 2,1% xuống 20.595 USD, chì giảm 2,6% xuống 2.011 USD và thiếc không đổi ở mức 25.560 USD.
Tính chung trong tháng 5, giá toàn bộ các kim loại đều giảm.
Thị trường kim loại đen giảm giá mạnh khi dữ liệu Trung Quốc yếu hơn dự kiến, gây ra tâm lý e ngại rủi ro cho các nhà đầu tư.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm nhanh hơn dự kiến vào tháng 5 do nhu cầu suy yếu với chỉ số quản lý mua hàng sản xuất chính thức (PMI) ở mức 48,8, dưới mốc 50 điểm.
Trong khi đó, chỉ số PMI trong ngành thép đã giảm 9,8 điểm cơ bản so với tháng trước xuống còn 35,2 trong tháng 5, theo dữ liệu từ Ủy ban Chuyên nghiệp Hậu cần Thép CFLP.
Tuy nhiên, mức giảm đã được thu hẹp trong phiên giao dịch buổi chiều.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) - được giao dịch nhiều nhất - đã kết thúc phiên với mức giảm 0,42% xuống 711 nhân dân tệ (102,86 USD)/tấn. Hợp đồng này đã chạm 693 NDT/tấn vào buổi sáng, mức thấp nhất kể từ ngày 26/5.
Giá quặng sắt chuẩn tháng 6 trên Sàn giao dịch Singapore đã đảo chiều tăng 0,55% lên 101,75 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 25 tháng 5 là 97,2 USD trước đó.
Giá thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 0,57% xuống 3.463 nhân dân tệ/tấn, thép cuộn cán nóng mất 0,44%, dây thép cuộn giảm 1,32% và thép không gỉ giảm 1,45%.
Các nhà phân tích tại Huatai Futures cho biết: “Những nhà tiêu dùng thép hạ nguồn vẫn thiếu niềm tin vào thời điểm hiện tại và tỏ ra hạn chế quan tâm đến việc tích trữ hàng tồn kho của họ”.
Nông sản: Giá các loại đều giảm trong tháng 5
Trong tháng 5, giá toàn bộ các nông sản đều giảm, trong đó cà phê giảm khoảng 5% trong khi đường giảm khoảng 2%
Giá ngũ cốc Mỹ nhìn chung tiếp tục giảm, với giá lúa mì chạm mức thấp nhất 2,5 năm, do thị trường phớt lờ thông tin về hạn hán ở Mỹ mà tập trung vào nguồn cung toàn cầu dồi dào và lo ngại về tình hình kinh tế thế giới.
Giá lúa mì kỳ hạn tham chiếu trên Sàn giao dịch thương mại Chicago (CBOT) giảm 2,5% xuống 5,76 - 1/4 USD/bushel vào cuối phiên, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.
Giá ngô trên sàn CBOT giảm 1,3% xuống 5,86-1/4 USD/bushel, lùi xa hơn so với mức cao nhất một tháng đạt được hôm thứ Sáu.
Đậu tương phiên này tăng 1,2% lên 12,81 USD/bushel sau khi chạm mức yếu nhất kể từ tháng 12 năm 2021 trước đó.
Một báo cáo tiến độ vụ mùa của chính phủ Mỹ cho thấy tình trạng vụ lúa mì mùa đông bị ảnh hưởng bởi hạn hán của Mỹ đã được cải thiện nhiều hơn so với dự kiến của các nhà phân tích vào tuần trước.
Theo các nhà phân tích, giá xuất khẩu lúa mì của Nga đang giảm hơn nữa do dự đoán về một vụ thu hoạch mới và trong bối cảnh nhu cầu thấp từ các nhà nhập khẩu toàn cầu.
Giá dầu thô tiếp tục trượt dốc, khi các nhà đầu tư lo ngại về hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm mạnh hơn dự kiến, cũng gây áp lực lên ngô và đậu tương, những mặt hàng nhập khẩu và sản xuất nhiên liệu sinh học của Trung Quốc.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 giảm 0,27 cent, tương đương 1,1%, xuống 25,06 cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 4 vào thứ Năm tuần trước. Hợp đồng này đã giảm 7,15% trong tháng Năm. Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 10,7 USD, tương đương 1,5%, xuống 696,1 USD/tấn.
Các quan chức ngành đường Ấn Độ cho biết các nhà máy nước này đã vận chuyển toàn bộ 6,1 triệu tấn đường được phép xuất khẩu, đồng thời cho biết thêm nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới khó có thể cho phép xuất khẩu thêm trong niên vụ kết thúc vào tháng 9.
Các đại lý cho biết đường có thể sẽ giảm hơn nữa trong thời gian tới do các tín hiệu kinh tế vĩ mô yếu, nhưng họ nói thêm rằng giá sẽ không giảm quá nhiều chủ yếu do có sự không chắc chắn về gió mùa Ấn Độ.
Việc gieo củ cải đường bị chậm trễ trên diện rộng do thời tiết ẩm ướt và khả năng sâu bệnh tấn công ở Pháp đang đe dọa hạn chế sự gia tăng sản lượng đường dự kiến của Liên minh châu Âu.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 1,55 cent, tương đương 0,9%, lên 1,7865 USD/lb, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4 1,7555 USD trước đó. Tính chung tháng 5, arabica giảm 5,9% do triển vọng nguồn cung được cải thiện. Cà phê robusta giao tháng 7 giảm 6 USD, tương đương 0,2%, xuống 2.556 USD/tấn, sau khi chạm mức cao nhất 15 năm vào thứ Ba tuần trước.
Các đại lý địa phương tại Brazil cho biết cả chất lượng và khối lượng arabica thu hoạch ở Brazil cho đến nay đều như mong đợi, với giá nội địa giảm khoảng 2,5% trong tuần qua.
Các nhà kinh doanh cà phê Robusta ngày càng lo lắng rằng thị trường sẽ vẫn khan hiếm cho đến năm sau do sự thiếu hụt quá rõ rệt ở châu Á khiến xuất khẩu cải thiện từ Brazil có thể không đủ để thu hẹp khoảng cách.
Xuất khẩu cà phê robusta Sumatra từ Indonesia trong tháng 4 giảm 46,7% so với cùng kỳ, dữ liệu cho thấy. Indonesia là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn thứ hai sau Việt Nam.
Giá cao su trên thị trường châu Á giảm. theo đó, giá tại Nhật Bản giảm phiên thứ hai liên tiếp do niềm tin vào đà phục hồi của Trung Quốc tiếp tục giảm trong bối cảnh số liệu sản xuất ảm đạm, trong khi giá dầu thô lao dốc cũng ảnh hưởng đến thị trường cao su.
Hợp đồng cao su giao tháng 11 của Sở giao dịch Osaka giảm 1 yên, tương đương 0,5%, xuống 208,0 yên ($1,54)/kg. Tính chung trong tháng 5, giá giảm 0,3%, là tháng giảm thứ tư liên tiếp.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 60 CNY xuống còn 11.830 CNY (1.711,49 USD)/tấn. Cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn Singapore giảm 0,3% xuống 133 US cent/kg.
Chỉ số Nikkei trung bình của Nhật Bản đóng cửa giảm 1,41%.
“Nhu cầu cao su hiện tại rất yếu, đặc biệt là ở Trung Quốc khi hàng tồn kho của nước này đạt mức cao chưa từng có,” một thương nhân tại Singapore cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng xuất khẩu lốp xe giảm trong khi các đơn đặt hàng cho quý 2 vẫn chậm chạp.
Giá nguyên liệu thô cần phải giảm hoặc dự trữ cao su Singapore sẽ tăng do phần lớn các nhà sản xuất hiện đang sản xuất thua lỗ và giá dự kiến sẽ giảm thêm khi sản lượng đạt đỉnh vào tháng 6, thương nhân này cho biết.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 5 giảm nhanh hơn dự kiến, trong khi lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc sụt giảm trong 4 tháng đầu năm 2023, khiến thị trường tài chính châu Á giảm điểm.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy sản lượng nhà máy của Nhật Bản trong tháng 4 đã giảm 0,4% so với tháng trước, thấp hơn mức dự báo trung bình của thị trường là tăng 1,5%.
Giá hàng hóa thế giới: