Năng lượng: Giá dầu giảm mạnh nhất trong nhiều tháng
Trong phiên cuối tuần (thứ Sáu, 9/12), giá dầu trải qua nhiều giờ biến động mạnh và kết thúc giảm so với phiên liền trước, tính chung cả tuần giảm mạnh nhất trong nhiều tháng do lo sợ suy thoái ngày càng tăng sau những số liệu kinh tế yếu từ Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ, làm lu mờ sự hỗ trợ từ tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường.
Chốt phiên 9/12, dầu thô Brent giảm 5 US cent xuống 76,1 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 44 US cent xuống 71,02 USD/thùng, mức thấp mới trong năm 2022.
Đầu phiên, giá dầu đã tăng hơn 1% sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới có thể cắt giảm sản lượng để đối phó chính sách áp trần giá lên dầu thô xuất khẩu của nước này.
Giá dầu đã có một số hỗ trợ và tăng hơn 1% trước đó trong phiên sau khi Tổng thống Nga cho biết nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới này có thể cắt giảm sản lượng để phản ứng với việc áp trần giá xuất khẩu dầu thô của họ. Nhà phân tích Robert Yawger của ngân hàng Mizuho cho biết hiện bất kỳ mối lo ngại nào về nguồn cung cũng chỉ là thứ yếu so với những lo lắng về nền kinh tế.
Tính chung cả tuần, giá cả 2 loại dầu đều giảm khoảng 10%, theo đó dầu WTI có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 4, trong khi dầu Brent giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 5/8.
Tại Trung Quốc, số ca nhiễm Covid-19 đang tăng vọt sẽ gây sức ép cho tăng trưởng kinh tế trong vài tháng tới mặc dù một số hạn chế đang được nới lỏng.
Các nhà kinh tế trong thăm dò của Reuters dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ trải qua suy thoái ngắn và nhẹ trong năm tới. Các nhà dự báo dự kiến Fed sẽ tăng 50 điểm cơ bản vào ngày 14/12.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu có khả năng sẽ nâng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tuần tới lên 2% ngay cả khi nền kinh tế khu vực đồng euro được cho là đã suy thoái.
Hồi tháng Ba, giá dầu đã tăng lên xấp xỉ 140 USD/thùng, gần với mức cao chưa từng có trong lịch sử, sau khi Nga tiến hành dịch đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, giá “vàng đen” đã giảm dần trong những tháng cuối năm khi các nhà kinh tế dự báo về sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu, một phần do chi phí năng lượng tăng cao.
Cả chuyên gia Yawger của ngân hàng Mizuho và quản lý cấp cao phụ trách bộ phận phân tích kỹ thuật Walter Zimmerman thuộc công ty dịch vụ tài chính ICAP đều cảnh báo nếu dầu thô của Mỹ giảm xuống dưới 70 USD/thùng, loại hàng hóa này có thể rơi vào tình trạng rơi tự do và chạm mức thấp nhất của thập niên 60 trong các phiên sắp tới.
Kim loại quý: Giá vàng giao dịch thất thường suốt tuần trước thềm cuộc họp của Fed, tính chung cả tuần giảm
Trong phiên cuối tuần, giá vàng tăng bất chấp đà tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ, khi nhà đầu tư an tâm trước khả năng Fed nâng lãi suất chậm hơn trong thời gian tới.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.978,4 USD/ounce; vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2/2023 tăng 0,5% lên 1.810,7 USD/ounce.
Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay tăng 1,8% lên 23,48 USD/ounce, bạch kim tăng 2,1% lên 1.024,00 USD, palladium tăng 1,7% lên 1.958,79 USD.
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Future nói: “Dường như thị trường sẽ tập trung vào ‘ánh sáng cuối đường hầm’, chính là việc Fed kết thúc lộ trình nâng lãi suất và chúng ta sẽ chứng kiến sự hỗ trợ dành cho giá vàng”.
Nhà phân tích Rupert Rowling tại Kinesis cho biết, tâm lý‎ tích cực đối với giá vàng kéo dài trong bao lâu sẽ tùy thuộc vào mức độ nâng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ và bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp báo sau phiên họp của Fed.
Tuy nhiên, số liệu cho thấy chỉ số giá sản xuất tại Mỹ tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 11, qua đó gia tăng bất ổn của thị trường đối với triển vọng chính sách của Fed. Sau khi nhận được số liệu này, đồng USD tăng 0,1%, khiến kim loại quý đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ cũng tăng.
Tâm điểm của thị trường giờ đây chuyển sang chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 13/12.
Kim loại công nghiệp: Giá kim loại cơ bản đồng loạt tăng trong tuần, trừ nhôm và thiếc
Phiên giao dịch cuối tuần, giá đồng chạm mức cao nhất kể từ tháng 6 do các nhà đầu tư dự kiến rằng việc nới lỏng những hạn chế về Covid của Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu kim loại. Đồng CNY tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9 cũng giúp các hàng hóa định giá bằng USD rẻ hơn cho người mua ở Trung Quốc.
Giá đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng lên 8.618 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 23/6, trước khi đóng cửa giảm 0,1% xuống 8.535,5 USD. Kim loại này đã tăng khoảng 3,5% trong tháng này sau khi tăng 10,6% trong tháng 11.
Giá nhôm giảm 0,9% xuống 2.480,5 USD/tấn, kẽm tăng 0,2% lên 3.242,50 USD, niken giảm 1,5% xuống 29.275 USD, chì giảm 1,2% xuống 2.186,50 USD và thiếc giảm 2,1% xuống 24.110 USD.
Tuy nhiên, với việc tăng trưởng trên các thị trường tiếp tục yếu, thị trường, các ngân hàng đầu tư dự kiến kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại trong năm 2023, Cục dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu dự kiến nâng lãi suất trong tuần tới. Nhưng dự đoán lãi suất của Mỹ sẽ tăng chậm lại cũng làm suy yếu USD, tạo ra hỗ trợ cho kim loại.
Các nhà kinh tế dự kiến các khoản vay mới bằng đồng nhân dân tệ phục hồi trong tháng 11 và sự hỗ trợ của nhà nước đối với thị trường bất động sản đã hỗ trợ thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh.
Giá quặng sắt tăng trong phiên cuối tuần do Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế Covid-19 làm tăng hy vọng về nhu cầu.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 4,7% lên 814,5 CNY (117,17 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 16/6 và tăng 6% trong tuần này. Tại Singapore quặng sắt kỳ hạn tháng 12 tăng 0,7% lên 109,95 USD/tấn. Giá thép thanh tại Thượng Hải tăng 3,4%, thép cuộn cán nóng tăng 2,5% và thép không gỉ tăng 1,4%.
USD suy yếu và lạc quan về việc Trung Quốc mở cửa đã hỗ trợ tâm lý thị trường, cùng với sự phát triển tích cực trong lĩnh vực bất động sản của nước này.
Giá bán tại kho của các nhà sản xuất Trung Quốc đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 11 so với một năm trước đó, trong khi lạm phát tiêu dùng chậm lại cho thấy hoạt động kinh tế suy yếu và nhu cầu thấp.
Nông sản: Giá lúa mì giảm trong tuần, đậu tương tăng
Trong phiên giao dịch 9/12, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) giao dịch trái chiều, trong đó giá ngô tăng, còn giá lúa mỳ và đậu tương giảm do nguồn cung toàn cầu tiếp tục gây áp lực lên thị trường Mỹ. Tính chung cả tuần, giá đậu tương tăng, trong khi lúa mì giảm.
Theo đó, giá lúa mì mềm đỏ vụ đông giao tháng 3/2023 đóng cửa mất 12 US cent xuống 7,34-1/4 USD/bushel. Tính chung cả tuần hợp đồng lúa mì này giảm 3,52%, giảm tuần thứ 5 liên tiếp.
Đậu tương giảm sau khi biến động trong cả hai chiều. Giá đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 1/2023 giảm 2-1/2 US cent xuống 14,83-3/4 USD/bushel, nhưng tăng 3,15% trong tuần. Giá ngô đóng cửa tăng nhẹ, bất chấp dự trữ của Mỹ ước tính tăng. Ngô kỳ hạn tháng 3/2023 tăng 1-1/4 US cent lên 6,44 USD/bushel.
Báo cáo Vụ mùa tháng 12 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) có ít bất ngờ và sự chú ý của thị trường nhanh chóng chuyển hướng trở lại vào tình hình thời tiết của khu vực Nam Mỹ và các xu hướng kinh tế vĩ mô. USDA đã nâng lượng dự trữ ngô cuối vụ của Mỹ niên vụ 2022-2023 thêm 75 triệu bushel lên 1,257 triệu bushel. Doanh số bán ngô của Mỹ giảm 48%. USDA đã hạ ước tính xuất khẩu ngô của Mỹ niên vụ 2022-2023 xuống còn 2,075 triệu bushel, giảm 396 triệu bushel so với năm ngoái. Báo cáo Ước tính Cung và Cầu Nông nghiệp Thế giới (WASDE) của USDA không đưa ra thay đổi nào về sản lượng ngô được sử dụng để sản xuất ethanol của Mỹ.
Về nguồn cung ngô thế giới, USDA ước tính ngô Brazil ở mức kỷ lục 126 triệu tấn, với Argentina là 55 triệu tấn. Nhập khẩu ngô của châu Âu tăng lên 21,5 triệu tấn trong khi nhập khẩu ngô của Trung Quốc giữ nguyên ở mức 18 triệu tấn. Dự trữ ngô thế giới giảm nhẹ xuống 298,4 triệu tấn, giảm 2,4 triệu tấn so với tháng 11/2022.
Dự trữ đậu tương cuối niên vụ 2022-2023 của Mỹ không đổi trong tháng 11/2022, ở mức 220 triệu bushel. Vụ thu hoạch đậu tương của Brazil năm 2023 ước tính đạt kỷ lục 152 triệu tấn, trong khi vụ thu hoạch của Argentina không đổi ở mức 49,5 triệu tấn. Dự trữ đậu tương của thế giới được dự báo ở mức 102,7 triệu tấn, tăng 7,1 triệu tấn trong giai đoạn 2021-2022. Về cơ bản, giá đậu tương đang giảm.
Sản lượng lúa mỳ của Nga không đổi ở mức 91 triệu tấn. Sản lượng lúa mỳ của Australia đã tăng 2,1 triệu tấn. Sản lượng lúa mỳ của Argentina ở mức 12,5 triệu tấn và xuất khẩu sẽ không nhiều hơn 7,5 triệu tấn, so với mức 16,3 triệu tấn một năm trước. Dự trữ lúa mỳ thế giới ước tính đạt 267,3 triệu tấn trong báo cáo tháng 12/2022, không đổi so với mức 267,8 triệu tấn trong tháng 11/2022.
Đối với mặt hàng đường, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 đóng cửa phiên cuối tuần giảm 0,08 US cent hay 0,4% xuống 19,6 US cent/lb. Tuy nhiên hợp đồng này tăng 0,6% trong tuần, tăng tuần thứ hai liên tiếp. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 3 phiên này tăng 0,8 USD hay 0,1% lên 541,4 USD/tấn.
Thị trường đường được hỗ trợ bởi mưa tại Brazil có thể khiến hàng triệu tấn mía chuyển sang thu hoạch vào năm tới. Unica, tổ chức đường và ethanol của Brazil sẽ phát hành báo cáo trong ngày 12/12 liên quan tới sản lượng khu vực Trung Nam trong nửa cuối tháng 11.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2023 đóng cửa giảm 0,55 US cent hay 0,3% xuống 1,5815 USD/lb. Hợp đồng này mất 2,7% trong tuần, có tuần giảm thứ hai liên tiếp; cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2023 giảm 34 USD hay 1,8% xuống 1.884 USD/tấn.
Dự trữ cà phê của sàn ICE tăng lên 681.698 bao tính tới ngày 9/12, cao hơn nhiều mức thấp nhất 23 năm tại 382.695 bao thiết lập hôm 3/11. Nguồn cung cà phê toàn cầu sẽ chuyển từ thiếu hụt 2,17 triệu bao trong niên vụ 2022/23 thành dư thừa 3,74 triệu bao trong niên vụ 2023/24 một phần do sản lượng của Brazil phục hồi.
Giá cao su Nhật Bản tăng trong suốt tuần qua theo xu hướng thị trường Thượng Hải do việc nới lỏng những hạn chế về Covid gần đây của Trung Quốc.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa phiên 9/12 tăng 2,3 JPY hay 1% lên 230 JPY (1,69 USD)/kg sau khi đạt cao nhất kể từ ngày 17/10 trong đầu phiên. Tính chung cả tuần hợp đồng cao su này tăng 6,1%. Tại Thượng Hải, cao su giao tháng 1/2023 tăng 215 CNY lên 13.215 CNY (1.901 USD)/tấn. Hy vọng nhu cầu cao su tại Trung Quốc sẽ cải thiện khi thêm nhiều thành phố nới lỏng những hạn chế về Covid-19.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)