Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm nhẹ do các nhà đầu tư lo ngại rằng nhu cầu toàn cầu có thể sụt giảm do các ca mắc COVID-19 tăng mạnh mặc dù nguồn cung đang thắt chặt và tỷ lệ tiêm chủng tăng.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent giảm 2 US cent xuống 78,48 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 26 US cent, tương đương 0,4% xuống 76,65 USD/thùng. Đây là phiên đầu tiên giá dầu giảm trong vòng 6 phiên trở lại đây. 
Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho biết dự trữ dầu thô của nước này giảm 4,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/7 và dự trữ xăng giảm 6,2 triệu thùng. Những con số này đều cao hơn mức dự kiến của các nhà phân tích. Theo kết quả thăm dò của Reuters, các nhà đầu tư ước tính dự trữ dầu thô của Mỹ giảm khoảng 2,9 triệu thùng và dự trữ xăng giảm 900.000 thùng trong tuần tính đến ngày 23/7. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ sẽ công bố số liệu chính thức về dự trữ dầu của Mỹ trong ngày 28/7.
Theo Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại trung tâm Price Futures Group ở Chicago (Mỹ), lúc này dường như biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang "kìm hãm" thị trường dầu mặc dù tất cả dấu hiệu hiện tại đều cho thấy nguồn cung bị thắt chặt đáng kể.
Nước Anh báo cáo số người chết và số người phải nhập viện vì Covid-19 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng Ba. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến nghị những người Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ nên đeo khẩu trang trong nhà. Mỹ cũng đã ban hành cảnh báo du lịch đối với các địa điểm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vì số ca nhiễm Covid-19 gia tăng. Thành phố đăng cai Olympic, Tokyo, cũng cảnh báo số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục ngay cả khi các vận động viên tiếp tục thi đấu.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn mạnh mẽ, mặc dù hầu hết các nhà kinh tế trong các cuộc thăm dò của Reuters đều lo lắng về các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 6% cho năm 2021, nâng triển vọng đối với các nền kinh tế giàu nhưng lại hạ dự báo đối với các nước đang phát triển đang phải đối mặt với tình trạng số ca mắc COVID-19 gia tăng.
Giá than cốc giao dịch trên sàn Đại Liên tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất 11 tuần, trong khi than luyện cốc cũng đi lên bởi lo ngại nguồn cung sẽ khan hiếm.
Theo đó, than cốc kỳ hạn tháng 9 tăng 1,2% lên 2.863 CNY (441,55 USD)/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc chạm mức 2.910 CNY – cao nhất kể từ ngày 12/5.
Giá than luyện cốc kết thúc phiên này cũng tăng 0,1% lên 2.135 CNY/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.190,50 CNY.
Than cốc được sử dụng để nung chảy gang (cốc lò cao) cũng như làm nhiên liệu không khói chất lượng cao, làm chất khử trong các công nghệ luyện kim từ quặng sắt, các chất làm tơi trong phối liệu. Than cốc cũng được sử dụng như là nhiên liệu trong sản xuất gang đúc hay các mục đích sử dụng thông thường, trong các công nghiệp hóa chất và luyện các hợp kim của sắt (các dạng cốc đặc biệt).
Nguồn cung than cốc tại Trung Quốc bị thắt chặt do các nhà sản xuất than cũng bị ảnh hưởng bởi các quy định chặt chẽ hơn về phát thải carbon.
Các nhà phân tích của Sinosteel Futures cho biết: “Cả cung và cầu đều giảm ... nhưng thị trường vẫn trong tình trạng thắt chặt nguồn cung”.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng duy trì quanh mức 1.800 USD/ounce giữa bối cảnh đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm. Tuy vậy, biên độ tăng của giá vàng vẫn bị hạn chế bởi tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên 1.800,46 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn gần như đi ngang ở mức 1.799,8 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD giảm 0,3% trong phiên này. Ngoài ra, lợi suất của trái phiếu chính phủ bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát (TIPS) kỳ hạn 10 năm cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục, càng làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Giá kim loại quý này những tuần gần đây đã biến động trong phạm vi hẹp, sau khi vượt qua mức 1.830 USD/ounce trong một thời gian ngắn, không tận dụng được việc lợi suất trái phiếu Mỹ ở mức thấp.
Bart Melek, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại nhà cung cấp dịch vụ tài chính TD Securities, có trụ sở tại Toronto (Canada), cho biết lợi nhuận mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán đã cản trở dòng vốn chảy vào vàng. Theo ông Melek, những diễn biến kinh tế tiêu cực trước mắt có thể sẽ lại đẩy giá vàng lên cao.
Các nhà đầu tư đang theo dõi cách Fed cân bằng giữa việc lạm phát gia tăng và mối nguy đối với nền kinh tế ngày càng lớn từ đại dịch COVID-19, trước sự hoành hành của biến thể Delta.
Lukman Otunuga, nhà phân tích cấp cao tại công ty môi giới trực tuyến FXTM của CH Cyprus cho rằng vàng có thể vẫn bị giới hạn trong biên độ giao dịch hẹp cho đến khi cuộc họp kéo dài hai ngày của Fed (bắt đầu từ ngày 27/7) kết thúc.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này hạ 1,8% xuống mức 24,71 USD/ounce, giá palladium lùi 1,8% xuống 2.609,14 USD/ounce, trong khi bạch kim mất 1,1%, xuống 1.052,96 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng kết thúc chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp do các nhà đầu tư ngừng việc đặt cược trước khi cuộc họp của Fed – dự kiến sẽ đưa thêm nhiều manh mối hơn về định hướng chính sách tiền tệ.
Đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London kết thúc phiên giảm 0,8% xuống 9,735 USD/tấn, sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 15/6, là 9,924 USD.
Nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng trước khi có kết quả cuộc họp của Fed, vào ngày 28/7, để có thể đoán được xu hướng lãi suất của Mỹ sẽ như thế nào – yếu tố có thể tác đọng mạnh lên đồng USD và tính thanh khoản trên thị trường tài chính.
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá đồng sẽ tăng do cầu vượt cung bởi thị trường đang trong tình trạng khan hiếm, nhất là ở Trung Quốc. Theo ngân hàng này, giá đồng trong 3, 6 và 12 tháng tới sẽ lần lượt là 10.500 USD/tấn, 11.000 USD/tấn và 11.500 USD/tấn.
Giá sắt thép đều giảm trong phiên vừa qua. Theo đó, giá quặng sắt Đại Liên giảm 2,8% so với phiên liền trước, còn quặng sắt trên Sàn Singapore giảm 0,7%. Nguyên nhân do lợi nhuận của ngành thép giảm khiến các nhà máy thép giảm mua quặng sắt.
Giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải phiên này giảm 1,3%, mất đi toàn bộ mức tăng ở phiên liền trước; thép cuộn cán nóng giảm 1,4%; trong khi thép không gỉ giảm 2%.
Dữ liệu tư vấn của SteelHome cho biết, tỷ lệ sử dụng công suất tại các lò cao ở Trung Quốc vẫn tăng trong tuần đầu tiên của tháng 7, nhưng có thể giảm khi các nhà máy gia tăng cắt giảm sản lượng.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ tăng phiên thứ 2 liên tiếp sau khi báo cáo của Mỹ cho thấy thời tiết khô hạn ảnh hưởng đến cây trồng. Theo đó, giá đậu tương kỳ hạn trên sàn Chicago kết thúc phiên tăng 1,75 cent lên 13,59-1/2 USD/bushel, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 12/7 là 13,32 USD lúc đầu phiên.
Trái lại, giá ngô và lúa mì đều giảm vào lúc đóng cửa do các nhà đầu tư bán chốt lời sau khi giá tăng vào giữa phiên. Giá ngô phiên này giảm 0,5 US cent xuống 5,46-1/4 USD/bushel; lúa mì giảm 2,5 US cent xuống 6,74-1/2 USD/bushel, là phiên giảm thứ tư liên tiếp.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tương lai giảm trong phiên vừa qua, sau khi đạt mức cao nhất gần 7 năm ở phiên liền trước, trong bối cảnh nhiều tổ chức tham gia đánh giá mức độ thiệt hại của những đợt băng giá đối với vụ mùa cà phê của Brazil.
Kết thúc phiên giao dịch, arabica kỳ hạn tháng 9 giảm US cent, tương đương 2,9%, xuống 2,0175 USD/lb. Phiên liền trước, giá đã tăng 9,9% lên 2,1520 USD, mức cao nhất kể từ tháng 10/2014. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 phiên này cũng giảm 35 USD, tương đương 1,8%, xuống 1.940 USD/tấn.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,07 cent, tương đương 0,4%, xuống 18,35 cent/lb, sau khi chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 2, là 18,73 USD ở phiên trước đó.
Các đại lý cho biết thị trường đường đánh giá sương giá ít có khả năng gây thiệt hại nặng đối với sản lượng mía của Brazil - cũng là nước sản xuất đường hàng đầu thế giới.
Brazil đã sản xuất 2,94 triệu tấn đường trong nửa đầu tháng 7, giảm 2,8% so với một năm trước đó, thông tin từ tập đoàn công nghiệp Unica cho biết. Cũng theo Unica, hiện chưa có thông tin rõ ràng về tác động từ những đợt băng giá này.
Giá đường trắng giao tháng 10 phiên vừa qua cũng giảm 1,70 USD, tương đương 0,4%, xuống 454,70 USD/tấn.
Giá cao su giảm mặc dù kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng lên. Theo đó, giá cao su kỳ hạn trên sàn Osaka giảm 0,8% xuống 214,5 yên (1,95 USD)/kg. Trong phiên liền trước, giá đã tăng lên mức 217 JPY/kg, cao nhất kể từ 19/7. Trên sàn Thượng Hải, giá cao su phiên vừa qua cũng giảm 0,7% xuống 13.180 CNY (2.026,16 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 28/7/2021 
gia hang hoa the gioi

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg