Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm do nhà đầu tư bớt lo ngại về những ảnh hưởng từ bão Nicholas đối với sản lượng dầu ở Vịnh Mexico của Mỹ.
Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 21 US cent (0,3%) lên 75,67 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) vững ở mức 72,61 USD/thùng. Phiên liền trước, 15/9, giá dầu đã tăng vọt do dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 6,4 triệu thùng, nhiều hơn mức dự kiến trong tuần trước.
Các công ty năng lượng vùng Vịnh của Mỹ có thể nhanh chóng khôi phục dịch vụ đường ống và điện sau cơn bão Nicholas đổ bộ vào Texas đầu tuần này, cho phép họ tập trung vào nỗ lực sửa chữa những thiệt hại do cơn bão Ida gây ra vài tuần trước đó.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc trung tâm OANDA, cho biết, giá dầu đã quay trở lại mức cao như hồi mùa Hè và các nhà đầu tư đang đẩy mạnh hoạt động chốt lời, nhưng giá dầu vẫn tiếp tục được hỗ trợ.
Kể từ đầu năm đến nay, giá dầu tăng khoảng 45% do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh kiềm chế sản lượng, cùng với đó là nhu cầu hồi phục. OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu sẽ tăng trên 100 triệu thùng mỗi ngày ngay trong quý II năm sau.
Giá dầu tăng cũng được hỗ trợ từ giá điện tại châu Âu tăng, do các yếu tố bao gồm tồn trữ khí đốt ở mức thấp và nguồn cung khí đốt từ Nga thấp hơn so với bình thường. Giá khí đốt chuẩn châu Âu tại trung tâm Dutch TTF đã tăng hơn 250% kể từ tháng 1/2021 đến nay.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm gần 3%, trong khi giá bạc giảm hơn 5%, do doanh số bán lẻ của Mỹ tăng mạnh thúc đẩy đồng USD tăng, làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh tiến độ giảm kích thích kinh tế.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 2,1% xuống 1.755,75 USD/ounce, trước đó trong cùng phiên, có lúc giá chạm mức thấp nhất hơn 1 tháng, là 1.744,30 USD. Vàng giao sau cùng phiên cũng giảm 2,1% xuống 1.756,70 USD.
Cùng diễn biến với giá vàng, giá bạc phiên này cũng giảm 4,3% xuống 22,79 đô la.
Đồng USD tăng vọt sau dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ bất ngờ tăng vào tháng 8/2021.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao thuộc RJO Futures, cho biết: “Vàng đã bị ảnh hưởng khá lớn, với sự tăng giá của đồng đô la và lợi tức kho bạc cũng như dữ liệu (kinh tế Mỹ) mạnh lên”.
Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao thuộc công ty môi giới đầu tư RJO Futures, cho biết giá vàng đã bị ảnh hưởng khá lớn từ sự đi lên của đồng USD và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ khi có các số liệu kinh tế lạc quan hơn.
Dựa trên các yếu tố đó, chuyên gia của RJO Futures nhận định các nhà đầu tư đang rút khỏi thị trường vàng, tạo sức ép lên giá của kim loại quý này. Trừ khi có một số sự kiện địa chính trị hoặc một sự bất ngờ từ Fed, quỹ đạo của vàng khó có thể thay đổi khi cuộc họp của Fed đến gần.
Trọng tâm chú ý của thị trường bây giờ chuyển sang cuộc họp ngày 21-22/9 của Fed.
Nhà phân tích Peter Fertig của công ty tư vấn Quantitative Commodity Research đánh giá có rất nhiều thành viên của Fed ủng hộ việc bắt đầu giảm bớt các biện pháp hỗ trợ trong năm nay. Do đó, triển vọng của thị trường vàng không mấy tích cực.
Việc Fed thu hẹp các biện pháp hỗ trợ kinh tế sẽ làm lu mờ vị thế của vàng như một kênh “trú ẩn an toàn”. Không chỉ vậy, một khi Fed tăng lãi suất sẽ khiến chi phí cơ hội của việc nắm giữ các tài sản không sinh lời như vàng cũng tăng lên, khiến kim loại quý này bớt hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 4,3% xuống 22,79 USD/ounce; bạch kim giảm 1,7% xuống 930,52 USD/ounce; chỉ riêng palladium tăng 1,5% lên 2.032,50 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do thị trường tập trung vào cuộc họp của Fed trong tuần tới, về dự kiến cắt giảm kích thích đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giá đồng trên sàn London giảm 2,6% xuống 9.372 USD/tấn. Giá đồng đạt mức cao kỷ lục 10.747,5 USD/tấn trong tháng 5/2021.
Ngoài ra, giá đồng chịu áp lực giảm bởi Trung Quốc có kế hoạch giải phóng đồng, nhôm và kẽm từ kho dự trữ nhà nước và theo dõi chặt chẽ các điều kiện thị trường để khắc phục tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu.
Giá nhôm phiên này cũng giảm 0,3% xuống 2.883,5 USD/tấn, sau khi đạt 3.000 USD/tấn trong ngày 14/9/2021, do tồn trữ nhôm tại London tăng 19.250 tấn lên hơn 1,3 triệu tấn.
Giá thép không gỉ tại Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục, do mối lo ngại về nguồn cung suy giảm trong khi nhu cầu hạ nguồn hồi phục.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 3,9% xuống 671 CNY/tấn. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc giảm 5,5 USD xuống 119,5 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Các loại thép tăng giá trong phiên này. Trên sàn Thượng Hải, giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 7% lên 20.680 CNY (3.214,87 USD)/tấn. Giá thép cây tăng 0,8% lên 5.541 CNY/tấn và thép cuộn cán nóng tăng 1% lên 5.743 CNY/tấn.
Nhà phân tích thuộc Huatai Futures cho biết: "Tồn trữ thép không gỉ tương đối thấp … nguồn cung sẽ tiếp tục giảm, chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát sản xuất, song tiêu thụ ổn định".
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì tại Chicago tăng, do triển vọng vụ thu hoạch tại các nước xuất khẩu chủ yếu suy giảm.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì tăng 1-3/4 US cent lên 7,13 USD/bushel, trước đó trong phiên giá lúa mì tăng lên 7,16-3/4 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 8/9/2021. Giá đậu tương tăng 1-1/2 US cent lên 12,96 USD/bushel, trong khi giá ngô giảm 4 US cent xuống 5,29-1/2 USD/bushel. Cả giá đậu tương và ngô đều đạt mức cao nhất kể từ ngày 31/8/2021 trong đầu phiên giao dịch.
Giá đường trắng giảm sau khi đạt mức cao nhất 4,5 năm trong đầu phiên giao dịch, do các dấu hiệu nhu cầu có thể sẽ tăng. Theo đó, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn London giảm 1,6 USD tương đương 0,3% xuống 512,9 USD/tấn, trước đó trong phiên đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2017 (519,6 USD/tấn).
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE giảm 0,03 US cent tương đương 0,2% xuống 19,49 US cent/lb.
Giá cà phê phiên vừa qua tăng. Tại New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 0,8 US cent tương đương 0,4% lên 1,8815 USD/lb. Trong khi đó, tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2021 tăng 25 USD tương đương 1,2% lên 2.107 USD/tấn – phiên tăng thứ 5 liên tiếp.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm, khi một loạt số liệu từ nước mua hàng đầu – Trung Quốc – cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực nhà máy và bán lẻ tháng 8/2021 tiếp tục giảm, dấy lên mối lo ngại về nhu cầu nguyên liệu suy yếu.
Giá cao su kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn Osaka giảm 2,5 JPY xuống 202,4 JPY (1,9 USD)/kg.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 60 CNY lên 13.830 CNY (2.146 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 17/9
gia hang hoa the gioi

 

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg