Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng mạnh, hơn 7%, do tình hình Ukraine chưa có nhiều diễn biến tích cực, trong khi châu Âu vẫn bất đồng về việc có nên vận dầu mỏ nhập khẩu từ Nga hay không.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 7,69 USD, tương đương 7,12%, lên 115,62 USD/thùng; ầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 7,42 USD, tương đương 7,09%, lên 112,12 USD/thùng. Giá xăng tại Mỹ phiên này cũng tăng 5%. Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn New York tăng 3,7 US cent tương đương 0,8% lên 4,900 USD/mmBTU.
Các chính phủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ xem xét liệu có nên áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga vì cuộc xung đột với Ukraine hay không, trước thềm cuộc họp với Tổng thống Mỹ Joe Biden về vấn đề trừng phạt Nga trong tuần này.
Với rất ít dấu hiệu cho thấy xung đột Nga – Ukraine sẽ sớm giảm nhiệt, nhà nhà giao dịch đang tập trung chú ý tới việc liệu thị trường có thể có giải pháp thay thế dầu của Nga trong trường hợp ngành năng lượng nước này bị trừng phạt hay không.
John Kilduff, đối tác của công ty quản lý đầu tư Again Capital LLC (Mỹ) cho biết một lệnh cấm vận kết hợp như vậy có thể là nền tảng cho những rắc rối trên quy mô toàn cầu về nguồn cung dầu.
Giữa bối cảnh đó, những hành động quân sự của lực lượng Houthi hồi cuối tuần trước đã gây ra sự sụt giảm sản lượng tạm thời tại một liên doanh lọc dầu của Saudi Aramco ở Yanbu. Diễn biến này gây nhiều lo ngại về triển vọng thị trường các sản phẩm dầu vốn đã hỗn loạn, nơi Nga là nhà cung cấp chính và lượng hàng dự trữ toàn cầu đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Saudi Arabia cho biết họ sẽ không chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung dầu toàn cầu nào sau các hành động quân sự trên.
Ngoài ra, báo cáo mới nhất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối bao gồm Nga (còn gọi là OPEC+) cho thấy một số nhà sản xuất vẫn chưa đạt được hạn ngạch nguồn cung như đã thỏa thuận. Điều này càng khiến triển vọng nguồn cung dầu toàn cầu thêm ảm đạm.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do xung đột Nga – Ukraine có dấu hiệu gia tăng căng thẳng, thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn như vàng.
Theo đó, giá vàng giao ngay phiên này tăng 0,5% lên 1.931,16 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4/2022 vững ở mức 1.929,5 USD/ounce.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết: “Một đợt leo thang mới trong cuộc xung đột ở Ukraine sẽ thúc đẩy dòng chảy tiền tệ hướng tới tài sản an toàn là vàng, thậm chí là các động thái phòng ngừa lạm phát nếu chúng ta thấy các lệnh trừng phạt kích hoạt một đợt tăng giá hàng hóa khác”.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hôm Chủ nhật (20/3) cho biết Nga và Ukraine đã gần đạt được thỏa thuận về các vấn đề "quan trọng", nhưng nhu cầu đối với các tài sản rủi ro đã giảm và giá dầu bắt đầu tăng nhanh trở lại.
Rob Lutts, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài chính Cabot Wealth Management (Mỹ) cho biết trong khi những tin đồn về một thỏa ước tiềm năng vào cuối tuần đã khiến giá vàng rời khỏi những mức cao, thì "bệ phóng” tiếp theo cho kim loại quý này sẽ ở quanh ngưỡng 1.900 USD/ounce.
Tuần trước, giá vàng giảm hơn 3% do kỳ vọng tiến triển trong các cuộc đàm phán và việc Mỹ tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2022. Tuy nhiên, hôm 21/3, Chủ tịch chi nhánh của Fed tại Atlanta, ông Raphael Bostic cho rằng Fed cần mạnh tay hơn nữa, và nhận định Fed sẽ có sáu lần tăng lãi suất cho năm nay. Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Tuy nhiên, công ty giao dịch và sản xuất sản phẩm từ kim loại quý Heraeus Precious Metals cho hay ngay cả khi những dự đoán về việc Fed tăng lãi suất trở thành hiện thực, lạm phát vẫn sẽ cao trong khi lãi suất thực ở mức âm. Những yếu tố này sẽ duy trì một môi trường tích cực cho giá vàng trong trung hạn.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,8% lên 25,15 USD/ounce trong khi giá bạch kim tăng 1,7% lên 1.038,98 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm cũng tăng do tình hình Nga – Ukraine nóng lên. Trái lại, giá nickel tiếp tục giảm kịch trần.
Kết thúc phiên này, giá nhôm tăng hơn 5%, sau khi Australia cấm xuất khẩu nguyên liệu được sử dụng để sản xuất kim loại này sang Nga, như là một phần của lệnh trừng phạt đối với Moscow trong cuộc xung đột với Ukraine. Mặt khác, giá nhôm tăng còn do tồn trữ nhôm tại London giảm xuống 704.850 tấn, giảm gần 2 triệu tấn so với năm ngoái.
Giá nhôm trên sàn London tăng 4,1% lên 3.518 USD/tấn, trước đó trong phiên đạt 3.574 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 9/3/2022.
Australia đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với quặng alumina và nhôm bao gồm cả bauxite sang Nga. Rusal, Nga – nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới – ngoài Trung Quốc, chiếm 6% nguồn cung toàn cầu ước đạt khoảng 70 triệu tấn trong năm nay.
Giá nickel trên sàn London giảm xuống 31.380 USD/tấn, giảm 15% trong 4 phiên liên tiếp do hoạt động đẩy mạnh bán ra.
Về các kim loại công nghiệp khác, giá đồng giảm 0,5% xuống 10.276 USD/tấn, kẽm tăng 2,8% lên 3.933 USD/tấn, chì tăng 0,5% lên 2.263 USD/tấn và thiếc giảm 1,2% xuống 41.800 USD/tấn.
Nhóm sắt thép phiên này cũng có xu hướng tăng khi dịch Covid-19 bùng phát làm giảm nhu cầu song cũng làm gián đoạn hoạt động sản xuất cũng như vận chuyển.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 1% lên 833 CNY/tấn; quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc tăng 3,5 USD lên 150 USD/tấn. Giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải giảm 0,02% xuống 4.923 CNY (773,64 USD)/tấn, song thép cuộn cán nóng tăng 0,6% lên 5.132 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá bật tăng trở lại.
Giá lúa mì và ngô Mỹ tăng do xuất khẩu từ khu vực Biển Đen tiếp tục bị gián đoạn do chiến sự tại Ukraine. Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 55-1/2 US cent lên 11,19 -1/4 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 14-1/2 US cent lên 7,56 -1/4 USD/bushel và giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 23 US cent lên 16,91 USD/bushel.
Arlan Suderman, trưởng nhóm kinh tế hàng hóa thuộc công ty môi giới StoneX, cho biết: “Tiền đã xoay vòng khỏi hàng hóa nông nghiệp vào tuần trước khi cuộc đàm phán hòa bình tiến triển làm tăng triển vọng về một giải pháp”.
"Nhưng Phố Wall giờ lại dấy lên nghi ngờ nhiều hơn về một thỏa thuận hòa bình, khiến các mặt hàng nông sản và năng lượng lại biến động mạnh”.
Giá đường phiên này cũng tăng mạnh do tác động từ giá dầu và các hàng hóa khác tăng, song triển vọng sản lượng tại Ấn Độ được cải thiện đã hạn chế giá đường tăng mạnh.
Theo đó, đường thô kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE tăng 1,8% lên 19,27 US cent/lb.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London tăng2,5% lên 549,6 USD/tấn.
Giá năng lượng cao hơn có thể thúc đẩy các nhà máy mía ở Brazil chuyển hướng chế biến từ đường sang ethanol, một loại nhiên liệu sinh học làm từ mía. Nhà môi giới Marex ước tính sản lượng đường của Ấn Độ đã tăng lên khoảng 34 triệu tấn từ 31 triệu trong vài tuần qua và có khả năng tăng sẽ tiếp tục tăng thêm nữa.
Giá cà phê phiên này diễn biến trái chiều, với cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE tăng 1,5% lên 2,233 USD/lb, song cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London giảm 0,1% xuống 2.164 USD/tấn.
Dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai của Mỹ cho thấy các nhà đầu cơ cắt giảm vị thế mua ròng đối với cà phê arabica trên sàn ICE trong tuần tính đến ngày 15 tháng 3.
Xuất khẩu cà phê của Uganda trong tháng 2 giảm 20% so với cùng kỳ năm trước do hạn hán gây thiệt hại tới sản lượng ở một số khu vực của nước này.
Về thông tin liên quan, theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, nhập khẩu cà phê của nước này năm 2021 cao nhất từ trước đến nay do sản phẩm này ngày càng được phổ biến rộng rãi. Cụ thể, giá trị nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc đạt 916,5 triệu USD trong năm 2021, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước đó, ghi dấu lần đầu tiên nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc vượt mức 1 nghìn tỷ won (823 triệu USD) tính theo đồng nội tệ. Giá trị nhập khẩu cũng tăng 12,7 lần so với 20 năm trước.
Về khối lượng, nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc cũng đạt mức cao mới là 189.502 tấn trong năm 2021, tăng 7,3% so với năm trước đó. Nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc đã tăng ổn định kể từ năm 2013 (trừ năm 2018), do ngày càng nhiều người Hàn Quốc ưa thích đồ uống này.
Tiêu thụ cà phê ngày càng gia tăng ở Hàn Quốc khiến số lượng các cửa hàng cà phê đã tăng lên nhanh chóng. Số cửa hàng cà phê ở nước này là 83.363 cửa hàng tính đến cuối tháng 12/2021, tăng 88,2% so với 4 năm trước đó.
Giá bông phiên vừa qua tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ do lo ngại về nguồn cung giữa lúc triển vọng về nhu cầu khả quan.
Theo đó, giá bông trên sàn ICE tăng 3,55 cent, tương đương 2,8%, lên 130,41 cent/lb vào lúc đóng cửa, sau khi có lúc đạt 131,71 US cent, cao nhất kể từ tháng 7 năm 2011.
Rogers Varner, chủ tịch Varner Brokerage ở Cleveland, Mississippi, cho biết: “Các quỹ lớn đang đổ tiền đầu cơ đổ vào bông”, "Nhu cầu đối với bông của Mỹ tăng kể từ giữa tháng 7. Doanh số bán bông thực sự tốt và tôi hy vọng điều đó sẽ tiếp diễn”.
Tuần trước, một báo cáo hàng tuần của liên bang cho thấy doanh số xuất khẩu ròng bông Mỹ là 371.400 kiện từ đầu năm 2021/2022 đến nay, tăng 5% so với tuần trước và tăng 34% so với mức trung bình 4 tuần trước đó. Khách hàng mua chủ yếu đến từ Trung Quốc.