Trên thị trường năng lượng, giá dầu hồi phục mạnh, tăng hơn 4% sau khi dữ liệu cho thấy dự trữ dầu của Mỹ bất ngờ tăng.
Theo đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 2,88 USD (4,2%) lên 72,23 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 3,1 USD (4,6%) lên 70,30 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của nước này bất ngờ tăng 2,1 triệu thùng trong tuần trước lên 439,7 triệu thùng trong khi các nhà phân tích đã dự kiến giảm 4,5 triệu thùng.
Giá dầu kỳ hạn đang hồi phục sau khi giảm khoảng 7% vào ngày 19/7, sau thỏa thuận của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, nhằm tăng nguồn cung thêm 400.000 thùng mỗi ngày từ tháng 8-12/2021.
Các nhà phân tích tại ngân hàng JP Morgan (Mỹ) cho biết, mặc dù nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến đạt trung bình 99,6 triệu thùng/ngày vào tháng 8/2021, tăng 5,4 triệu thùng so với tháng 4/2021 nhưng dự kiến nhu cầu trong quý IV/2021 chỉ phục hồi thêm 330.000 thùng so với năm 2019.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm phiên thứ hai liên tiếp trong ngày 21/7, chạm mức thấp nhất hơn một tuần giữa bối cảnh nhu cầu đối với các kênh đầu tư mạo hiểm đã gia tăng trở lại với sự khởi sắc của thị trường chứng khoán và trái phiếu Mỹ.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,4%, xuống 1.803,11 USD/ounce, trong phiên có lúc giá giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 12/7 là 1.793,59 USD/ounce; giá vàng kỳ hạn tương lai kết thúc phiên giảm 0,4%, xuống 1.803,40 USD/ounce.
Đợt bùng phát dịch COVID-19 mới với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang làm dấy lên lo ngại về đà phục hồi kinh tế toàn cầu, vốn đang đình trệ. Điều này đè tạo sức ép lên tâm lý của những nhà đầu tư ưa rủi ro và gây ra đợt bán tháo cổ phiếu vào phiên đầu tuần này. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán và lợi suất trái phiếu đã bật tăng trở lại, làm giảm sức hút của vàng, vốn được coi là “thiên đường trú ẩn an toàn”.
Phillip Streible, chiến lược gia thị trường tại công ty môi giới chứng khoán và hàng hóa Blue Line Futures,có trụ sở tại Chicago (Mỹ) cho biết, việc thị trường chứng khoán, trái phiếu và dầu đang tăng trở lại là những dấu hiệu cho thấy sự vực dậy của hoạt động thương mại, và điều này không tốt cho vàng. Nhưng ông Streible cũng nói thêm rằng, hoạt động thương mại phục hồi với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn và lạm phát gia tăng là điều tích cực đối với bạc, bạch kim và palladium, những kim loại ứng dụng trong sản xuất công nghiệp.
Lợi suất trái phiếu cao hơn đè nặng lên giá vàng- tài sản không sinh lợi, vì nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng. David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại công ty môi giới chứng khoán High Ridge Futures (Mỹ) lưu ý rằng, quan điểm cho rằng tình hình lạm phát hiện nay chỉ là nhất thời của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang được chứng minh là đúng, đặc biệt khi số ca mắc COVID-19 tăng trở lại, dấu hiệu tiêu cực đối với một kênh đầu tư phòng ngừa lạm phát như vàng. Ông Meger cho rằng, một chính sách tiền tệ phù hợp trong kịch bản đó sẽ hỗ trợ vàng.
Các quan chức Fed sẽ họp vào tuần tới, trong khi cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến diễn ra trong ngày 22/7.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 1,1% lên 25,19 USD/ounce, palladium tăng 1% lên 2.659,89 USD, trong khi bạch kim tăng 1% lên 1.077,03 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng phục hồi sau thông báo của Trung Quốc về việc bán dự trữ nhà nước lần thứ hai với số lượng ít hơn dự kiến và USD giảm giá. Tại sàn LME, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng tăng 0,2% lên 9.351,5 USD/tấn sau khi trước đó giảm xuống 9.260,5 USD/tấn. Trung Quốc thông báo sẽ bán 30.000 tấn đồng và các kim loại cơ bản khác vào ngày 29/7 do mục đích kiềm chế giá hàng hóa tăng vọt của Bắc Kinh
Đáng chú ý, giá chì tăng vọt lên mức cao nhất 3 năm sau khi nhà máy luyện chì lớn tại Đức dừng hoạt động do lũ lụt. Chì giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 0,3% lên 2.336 USD/tấn sau khi chạm 2.350 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 7/2018. Trước đó giá trong vùng tiêu cực. Chênh lệch của giá chì giao ngay với hợp đồng giao sau 3 tháng đạt mức cao nhất trong gần 3 tuần tại 17,5 USD/tấn, cho thấy nguồn cung ngắn hạn khan hiếm. Tồn kho trên sàn giao dịch LME giảm xuống thấp nhất một năm tại 64.425 tấn.
Berzelius Stolberg đã tuyên bố bất khả kháng về xuất khẩu kim loại này từ nhà máy của họ tại tây Đức, nhà máy luyện chì lớn nhất ở Châu Âu.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm gần 4% do nhu cầu nguội lạnh khi các nhà máy kiểm soát sản lượng thép thô, trong khi nguồn cung các thành phần sản xuất thép tăng. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 tại sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 3,9% xuống 1.174 CNY (181,33 USD)/tấn khi đóng cửa. Quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe ở Trung Quốc giảm 1 USD xuống 221,5 USD/tấn trong ngày 20/7. Các thành phần khác sản xuất thép tăng.
Lượng quặng sắt tới Trung Quốc phục hồi trong tuần trước. Tồn kho quặng sắt tại cảng tăng tuần thứ 3 và ở mức 127,34 triệu tấn tính tới ngày 18/7, theo công ty tư vấn SteelHome.
Giá thép thanh tại Thượng Hải kỳ hạn tháng 10 tăng 0,3% lên 5.561 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng tăng 0,3% lên 5.918 CNY/tấn. Thép không gỉ tại Thượng Hải giao tháng 8 tăng 0,3% lên 18.375 CNY/tấn.
Một số nhà sản xuất thép tại tỉnh Giang Tô, Phúc Kiến và Vân Nam Trung Quốc được chính phủ yêu cầu cắt giảm sản lượng do quốc gia này có mục tiêu giữ sản lượng hàng năm không cao hơn mức năm 2020.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì vụ đông của Mỹ tăng ngày thứ 6 liên tiếp do thời tiết khắc nghiệt tại các nước xuất khẩu chủ chốt làm tăng lo ngại về nguồn cung.
Đậu tương trái chiều với các hợp đồng kỳ hạn gần dịu đi do lo ngại về lợi nhuận lĩnh vực nhiên liệu sinh học trong khi hợp đồng vụ mới tăng. Giá ngô hợp đồng giao tháng tới ổn định trong khi hợp đồng vụ mới tăng.
Lúa mì vụ xuân kỳ hạn tháng 9 đóng của giảm 18-1/4 US cent xuống 8,97-3/4 USD/bushel.
Lúa mì vụ đông đỏ mềm kỳ hạn tháng 9 tăng 10-1/4 US cent lên 7,1-3/4 USD/bushel.
Bộ Nông nghiệp Nga cho biết sản lượng vụ lúa mì của nước này đạt trung bình 3,45 tấn/ha tính tới ngày 20/7, giảm từ 3,47 tấn một năm trước.
Giá ngô CBOT kỳ hạn tháng 12 tăng 2-1/4 US cent lên 5,68-1/2 USD/bushel sau khi đạt đỉnh kể từ ngày 2/7; giá đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 11 tăng 1-1/4 US cent lên 13,89-3/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,26 US cent hay 1,5% lên 17,67 US cent/lb; Đường trắng kỳ hạn tháng 10 tăng 1,1 USD hay 0,2% lên 450,4 USD/tấn.
Băng giá cũng gây thiệt hại cho một số khu vực mía đường tại Brazil, các đại lý cho biết các khu vực bị ảnh hưởng đã được thu hoạch và đợt băng giá tiếp tục ở các khu vực tương tự không thể gây thiệt hại hơn nữa. Tuy nhiên, trước đó, hạn hán đã ảnh hương đến sản lượng mía nước này.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 9,2 US cent hay 5,5% lên 1,76 USD/lb, trước đó giá đã đạt 1,7755 USD/lb cao nhất kể từ tháng 1/2015. Hợp đồng này đóng cửa tăng gần 7% trong phiên trước đó; robusta kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 18 USD hay 1% lên 1.779 USD/tấn.
Các đại lý cho biết vụ cà phê năm 2022 của Brazil có thể mất 1-2 triệu bao do đợt băng giá này, gây thiệt hại cho các khu vực trồng chủ chốt như bang Minas Gerais và Sao Paulo.
Một số trang trại lớn tại khu vực Cerrado thuộc bang Minas Gerais đã bị thiệt hại nặng nề do nhiệt độ giảm đột ngột vào ngày 20/7, với một số nông dân dự kiến sẽ nhổ bỏ cây và trồng lại.
Cây cà phê cực kỳ nhạy cảm với băng giá làm lá rụng, gây thiệt hại cho năng suất vụ tới, trong khi băng giá nghiêm trọng có thể làm cây chết hoàn toàn.
Giá cao su Nhật Bản tăng sau khi số liệu của chính phủ cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản tăng gần 50% trong tháng 6, được thúc đẩy bởi nhu cầu ô tô và cho thấy nền kinh tế đang tăng mạnh.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 3,2 JPY hay 1,5% lên 209,9 JPY/kg.
Xuất khẩu của Nhật Bản tăng trong tháng 6 bởi nhu cầu ô tô của Mỹ và xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc, đang hỗ trợ hy vọng sự phục hồi tại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.
Giá hàng hóa thế giới sáng 22/7/2021
gia hang hoa the gioi
 

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg