Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng nhẹ do dự đoán cung – cầu dầu sớm cân bằng và các nhà sản xuất lớn trong nhóm OPEC đang phải chật để đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 44 US cent lên 74,36 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10/2021 tăng 27 US cent lên 70,56 USD/thùng.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của công ty tài chính Price Futures có trụ sở tại Chicago (Mỹ), nhận định thị trường dầu đã trải qua một phiên giao dịch trầm lắng. Mặc dù hãng thông tấn TASS cho biết Nga dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu khó có thể phục hồi về mức đỉnh của năm 2019 trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, song Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các quốc gia sản xuất dầu liên minh bao gồm cả Nga (còn gọi là OPEC+) đang chật vật để bơm đủ dầu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trước đà phục hồi của kinh tế thế giới. Một số quốc gia dường như đã sản xuất dầu ít hơn dự kiến như một phần trong thỏa thuận của OPEC+. Điều này cho thấy khoảng cách về nguồn cung có thể tăng lên.
Bên cạnh đó, tâm lý của các nhà đầu tư còn chịu tác động từ cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande. Nishant Bhushan, nhà phân tích thị trường dầu tại công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (Na Uy) nhận định, các nhà giao dịch lo ngại rằng những rắc rối của Evergrande có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền trong các công ty nợ nần lớn của Trung Quốc và tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu và giá hàng hóa.
Sản lượng dầu của Mỹ đang trên đà phục hồi sau các cơn bão đổ bộ vào khu vực vùng Vịnh Mexico. Song, theo số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ, dự trữ dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ đều giảm trong tuần trước, do nhiều nhà máy lọc dầu và các giàn khoan ngoài khơi vẫn đóng cửa sau cơn bão Ida.
Trong tuần kết thúc vào ngày 17/9, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 6,1 triệu thùng, dự trữ xăng giảm 432.000 thùng và dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 2,7 triệu thùng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do thị trường lo ngại về vụ việc Evergrande có nguy cơ vỡ nợ, trong khi đang chờ đợi kết quả cuộc họp của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để biết thêm manh mối về lịch trình cắt giảm kích thích kinh tế của ngân hàng trung ương này.
Chốt phiên 21/9, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.776,09 USD/ounce, trong khi vàng giao sau tăng 0,8% lên 1.778,2 USD/ounce.
Đồng USD giảm khỏi mức cao nhất 1 tuần sau động thái của Vương quốc Anh về vấn đề Afghanistan cũng hỗ trợ giá vàng đi lên. Trong tuyên bố được Ngoại trưởng Anh Liz Truss đưa ra tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) ngày 21/9, London kêu gọi Trung Quốc và Nga đồng ý với cách tiếp cận chung trên cơ sở phối hợp quốc tế nhằm ngăn Afghanistan trở thành nơi ẩn náu của các phần tử khủng bố. Anh được cho là sẽ tận dụng cuộc gặp của ngoại trưởng 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (gồm Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Mỹ) với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tại New York trong ngày 22/9 để thúc đẩy hợp tác quốc tế liên quan đến Afghanistan.
Hiện các nhà giao dịch cũng đang chờ thông báo chính sách sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 22/9. Bộ Thương mại Mỹ ngày 21/9 công bố báo cáo cho thấy số nhà được xây dựng tại nước này sau khi được điều chỉnh theo mùa trong tháng Tám là 1,62 triệu căn, tăng 3,9% so với mức đã được điều chỉnh tăng của tháng Bảy.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao tháng 12/2021 tăng 40,7 US cent, hay 1,83%, lên 22,611 USD/ounce; bạch kim giao tháng 10/2021 tăng 51,6 USD, hay 5,74%, lên 950,8 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất một tháng do những lo sợ mới rằng những rắc rối tại Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc có thể lan rộng ra nền kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London LME đã giảm 0,3% xuống 8.983 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 19/8. Hợp đồng này đã mất khoảng 7% trong tháng này.
Việc giá đồng phá vỡ mốc tâm lý 9.000 USD đang khiến thanh khoản mới diễn ra. Các nhà đầu tư cũng lo sợ tốc độ thắt chặt kích thích kinh tế nhanh hơn tại Mỹ, khi các quan chức ngân hàng trung ương bước vào cuộc họp diễn ra hai ngày kết thúc vào ngày 22/9.
Sản lượng đồng đã tinh luyện trên toàn cầu thiếu hụt 90.000 tấn trong tháng 6 so với dư thừa 4.000 tấn trong tháng trước đó.Aurubis AG, nhà sản xuất đồng lớn nhất Châu Âu cho biết nhà máy sản xuất đồng Stolberg tại Đức sẽ bắt đầu khôi phục một phần sản xuất vào ngày 1/11.
Trên thị trường nông sản, giá ngô tại Chicago giảm phiên thứ 4 liên tiếp do tiến triện vụ thu hoạch ở Mỹ, trong khi sự gián đoạn do bão kéo dài đã làm giảm tâm lý xuất khẩu. Lúa mì theo xu hướng giảm của ngô, trong khi đậu tương mạnh sau khi ở mức thấp nhất gần 3 tháng trong phiên trước.
Cụ thể, hợp đồng ngô trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa giảm 4-3/4 US cent xuống 5,17 USD/bushel; lúa mì CBOT giảm 10-1/2 US cent xuống 6,90-1/4 USD/bushel; đậu tương giảm 11-1/2 US cent xuống 12,74 USD/bushel.
Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,11 US cent lên 18,97 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 3,3 USD lên 501,20 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường này bị ảnh hưởng mạnh bởi xu hướng trên các thị trường tài chính khi khả năng lây lan từ khủng hoảng Evergrande sẽ bị hạn chế.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng 8 USD lên 2.160 USD/tấn; cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 tăng tăng 0,75 US cent lên 1,8335 USD/lb.
Nhu cầu cà phê robusta tiếp tục tăng lên liên quan tới giá arabcia cao và gián đoạn nguồn cung cấp từ Việt Nam do tình trạng thiếu hụt container vận chuyển. Sản lượng giảm tại Brazil, bởi một phần do hạn hán và băng giá đã khiến nguồn cung arabica khan hiếm. Vụ cà phê của Brazil dự kiến giảm 25,7% trong năm nay so với niên vụ kỷ lục năm 2020 khi sản xuất được 63 triệu bao.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm hơn 5% do tâm lý rủi ro toàn cầu bởi lo ngại cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn Evergrande lan ra các thị trường rộng lớn và làm chệch hướng phục hồi từ đại dịch.
Hợp đồng cao su Osaka kỳ hạn tháng 2/2022 đóng cửa giảm 9,5 JPY hay 5,7% xuống 194,5 JPY/kg. Cao su tại Thượng Hải kỳ hạn tháng 1/2022 không được giao dịch do Trung Quốc nghỉ lễ.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)