Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm sau khi EU không thống nhất kế hoạch cấm dầu của Nga trong khi xuất khẩu dầu từ Caspian Pipeline Consortium (CPC) (Kazakhstan) có thể sớm khôi phục trở lại.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 2,57 USD, tương đương 2,1%, xuống 119,03 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,59 USD, tương đương 2,3%, xuống 112,34 USD/thùng. Trong phiên trước đó, cả hai loại dầu đều đạt mức cao nhất kể từ ngày 8/3/2022.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ phiên này cũng tăng 3% lên mức cao nhất 7 tuần, do dự báo thời tiết lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm trong tuần tới cao hơn so với dự kiến trước đó. Theo đó, khí gas tự nhiên kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn New York tăng 16,9 US cent tương đương 3,2% lên 5,401 USD/mmBTU – cao nhất kể từ ngày 2/2/2022 – phiên thứ 3 liên tiếp.
Các nhà lãnh đạo EU tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày 24-25/3 để bàn thảo cùng mua khí đốt tự nhiên khi tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga. Một số nhà lãnh đạo nói rằng sẽ không tuân thủ yêu cầu của Nga về việc mua dầu và khí đốt bằng đồng ruble. Các nước EU vẫn còn bất đồng về việc có nên trừng phạt trực tiếp đối với dầu và khí đốt của Nga hay không, song nhóm này đã cam kết sẽ giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga bằng cách tăng cường nhập khẩu từ các nước khác và nhanh chóng mở rộng năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh đang thảo luận về việc có thể phối hợp hơn nữa để giải phóng dầu từ kho dự trữ, giúp xoa dịu thị trường dầu mỏ. Canada cũng cho biết nước này có khả năng tăng xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên lên tới 300.000 thùng/ngày trong năm 2022 để giúp cải thiện an ninh năng lượng toàn cầu.
John Kilduff, đối tác của Again Capital ở New York, cho biết: “Các báo cáo rằng đường ống CPC sẽ hoạt động trở lại là một sự cứu trợ lớn cho thị trường, đồng thời chuyên gia này cũng lưu ý rằng sự gián đoạn nguồn cung do đường ống ngừng hoạt động hoặc các lệnh trừng phạt đối với Nga là“ một vấn đề lớn”.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 tuần do lo ngại lạm phát tăng vọt và sự không chắc chắn xung quanh vấn đề Nga – Ukraine, thúc đẩy nhu cầu tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 1% lên 1.963,21 USD/ounce – cao nhất kể từ ngày 14/3/2022; vàng kỳ hạn tháng 4/2022 tăng 1,3% lên 1.962,2 USD/ounce.
Giám đốc bộ phận giao dịch kim loại thuộc công ty môi giới đầu tư High Ridge Futures, David Meger, cho biết áp lực lạm phát tiềm ẩn rất mạnh tiếp tục là yếu tố cơ bản chính hỗ trợ thúc đẩy giá vàng. Ngoài ra còn có những yếu tố phụ trợ khác, đáng chú ý nhất là cuộc xung đột ở Ukraine.
Các nhà lãnh đạo Mỹ cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Brussels, Bỉ vào ngày 24/3. Tại hội nghị, Mỹ thông báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với nhiều cá nhân Nga, đồng thời công bố các biện pháp hợp tác với đồng minh nhằm hạn chế khả năng nước này sử dụng nguồn dự trữ vàng của ngân hàng trung ương để "né" các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Hôm 16/3, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tăng lãi suất 25 điểm cơ bản. Kể từ đó, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của ngân hàng trung ương Mỹ đã báo hiệu một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với việc thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lại lạm phát phi mã.
Giá vàng thường nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể. Tuy nhiên, chuyên gia Meger chỉ ra rằng ngay cả ý tưởng về một môi trường lãi suất cao hơn dù có tác động đến thị trường vàng cũng không đủ để bù đắp những động lực thúc đẩy mạnh mẽ. Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, giá dầu tăng đột biến cộng thêm áp lực lạm phát hiện tại đã giúp nâng đỡ giá kim loại quý này.
Một số nhà phân tích thị trường nhận định vàng có thể thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, nếu rủi ro lạm phát đi kèm suy thoái kinh tế tăng lên trong thời gian tới.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 2% lên 25,55 USD/ounce, bạch kim tăng 0,4% lên 1.024,50 USD/ounce, palladium tăng 0,6% lên 2.525,72 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nickel tăng do lo ngại về nguồn cung do xung đột Nga – Ukraine. Theo đó, giá nickel trên sàn London tăng 15% lên 37.325 USD/tấn và giá nickel trên sàn Thượng Hải tăng 17% lên 233.710 CNY (36.666,14 USD)/tấn.
Nga cung cấp khoảng 10% nickel toàn cầu, được sử dụng sản xuất thép không gỉ và ắc quy xe điện, đồng thời cũng sản xuất khoảng 6% lượng nhôm toàn cầu.
Về các kim loại khác, giá nhôm trên sàn London phiên này giảm 1,5% xuống 3.600 USD/tấn, sau khi tăng 4,2% trong phiên trước đó, giá đồng giảm 1,1% xuống 10.323 USD/tấn, kẽm tăng 1,8% lên 4.025,50 USD, chì giảm 3,2% xuống 2.343,50 USD nhưng thiếc tăng 1,4% lên 42.660 USD.
Về nhóm sắt thép, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 1,3% lên 818 CNY/tấn, quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc không thay đổi ở mức 147 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Giá thép không gỉ tại Trung Quốc tăng hơn 10% lên mức cao nhất kể từ ngày 9/3/2022, sau khi giá nickel nguyên liệu tăng lên mức giới hạn trên cả 2 sàn London và Thượng Hải. Trên sàn Thượng Hải, giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 4/2022 tăng 6,7% lên 21.680 CNY (3.405 USD)/tấn, trong đầu phiên giao dịch giá thép không gỉ tăng lên 22.345 CNY/tấn; thép cây kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 0,4% lên 4.945 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 0,5% lên 5.173 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì và ngô tại Chicago giảm mặc dù nguồn cung gián đoạn từ khu vực biển Đen sau cuộc xung đột Nga – Ukraine cách đây 1 tháng.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 18 US cent xuống 17-3/4 USD/bushel; ngô kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 9-1/2 US cent xuống 7,48-1/4 USD/bushel; trong khi lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 20 US cent xuống 10,85-3/4 USD/bushel.
Giá dầu thô và dầu thực vật giảm trên toàn cầu cũng góp phần tạo áp lực lên thị trường đậu tương. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy doanh số xuất khẩu đậu tương tuần qua giảm xuống còn 399.300 tấn, thấp nhất kể từ tháng 7 và thấp hơn nhiều so với dự báo là khoảng 800.000 đến 2,1 triệu tấn. Doanh số xuất khẩu ngô tuần qua là 985.600 tấn, gần mức thấp nhất trong khoảng ước tính 900.000 đến 2,2 triệu tấn, trong khi doanh số xuất khẩu lúa mì đạt 523.000 tấn so với mức dự báo 200.000 đến 900.000.
Giá đường thô tăng lên mức cao nhất 2 tuần, do đồng real Brazil tiếp tục tăng và xung đột Nga – Ukraine đẩy giá dầu tăng cao. Theo đó, đường thô kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE tăng 0,02 US cent tương đương 0,1% lên 19,26 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London tăng 1,6 USD tương đương 0,6% lên 551,6 USD/tấn.
Giá cà phê phiên này cũng giảm. Theo đó, cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn New York giảm 1,4% xuống 2,2185 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London giảm 3 USD tương đương 0,1% xuống 2.136 USD/tấn. 
Tại Châu Á, giao dịch cà phê không sôi động vì nhu cầu thấp và lượng dự trữ cũng không còn nhiều. Cà phê robusta xuất khẩu loại 2 (5% đen & vỡ) của Việt Nam được chào bán ở mức trừ lùi 240-250 USD/tấn, so với mức trừ lùi 220-240 USD/tấn cách đây 1 tuần; phê robusta Indonesia loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức trừ lùi 200 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London, không thay đổi so với cách đây 1 tuần.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng phiên thứ 5 liên tiếp, do đồng JPY suy yếu so với đồng USD, nguồn cung hạn chế và thị trường chứng khoán Tokyo tăng mạnh.
Giá cao su kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Osaka tăng 2,7 JPY tương đương 1,1% lên 255,2 JPY (2,1 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 80 CNY lên 13.465 CNY (2.114,81 USD)/tấn.
Mưa lớn tại Thái Lan trong tuần qua đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mủ cao su, khiến nguồn nguyên liệu thô thắt chặt và đầy giá tăng cao, thương nhân có trụ sở tại Singapore cho biết.
Giá bông tiếp tục tăng do xuất khẩu của Mỹ mạnh trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung.
Giá bông kỳ hạn tháng 5 trên sàn ICE kỳ hạn tăng 0,57 cent, tương đương 0,4%, lên 130,60 cent/lb, trong phiên giao dịch trong phạm vi 129,36 và 131,61 cent/lb.
Hôm thứ Tư (23/3), giá bông tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7 năm 2011 do nhu cầu ổn định và hạn hán nghiêm trọng ở các khu vực trồng bông quan trọng của Mỹ như Texas, làm gia tăng lo ngại về khan hiếm nguồn cung.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)