Trên thị trường năng lượng, giá dầu thế giới tăng trong phiên vừa qua do kỳ vọng biến thể Omicron sẽ không gây nhiều tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent tăng 3,20 USD, tương đương 4,6%, lên 73,08 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 3,23 USD, tương đương 4,9%, lên 69,49 USD/thùng. Tuần trước, giá cả hai loại dầu này đều giảm tuần thứ sáu liên tiếp.
Các báo cáo từ ngành y tế Nam Phi cho thấy các trường hợp nhiễm biến thể Omicron không gây triệu chứng nặng và quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci nhận định rằng cho đến nay tình hình dường như không quá nghiêm trọng. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng động lực tăng trưởng dường như đang khôi phục trở lại.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq (I-rắc) Ihsan Abdul-Jabbar dự kiến giá dầu sẽ ở mức trên 75 USD/thùng, và cho biết OPEC đang cố gắng bình ổn thị trường năng lượng. Saudi Arabia mới đây cũng đã nâng giá bán chính thức tháng 1/2022 đối với tất cả các loại dầu thô bán cho châu Á và Mỹ thêm tới 80 xu Mỹ/thùng so với tháng trước đó.
Về phần mình, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với những quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, tuần trước đã quyết định tiếp tục tăng nguồn cung hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng Giêng, ngay cả sau khi giá dầu giảm do lo ngại biến thể Omicron.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng thế giới giảm nhẹ giữa bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu gia tăng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng chờ đợi số liệu về giá tiêu dùng tại Mỹ dự kiến công bố cuối tuần này.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.778,09 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 2/2022 giảm 0,3% xuống 1.779,5 USD/ounce. Đồng USD tăng khiến vàng trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác, cùng với đó là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng.
Nhà quản lý cấp cao thuộc công ty môi giới High Ridge Futures, có trụ sở tại Mỹ, ông David Meger nhận định vàng đã có một phiên giao dịch đầy biến động, khi thị trường ở thế giằng co giữa hai nhân tố trái chiều là triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu và nhu cầu đối với các tài sản an toàn trước đà tăng của lạm phát.
Dự kiến, số liệu về giá tiêu dùng công bố vào cuối tuần sẽ đánh đi những tín hiệu rõ ràng hơn về chính sách tiền tệ của Fed.
Nhà phân tích Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank (Đan Mạch) cho rằng nếu lạm phát tăng thấp hơn dự kiến, thị trường có thể giảm bớt đồn đoán vào kế hoạch tăng lãi suất trong năm 2022 của Fed.
Giá bạc giao ngay phiên này giảm 1,2% xuống 22,25 USD/ounce, bạch kim tăng 0,4% lên 935,73 USD, trong khi palladium tăng 2% lên1.846,27 đô la.
"Nhu cầu ô tô được dự báo sẽ phục hồi vào năm 2022 khi sản lượng xe cải thiện một cách khiêm tốn trong hai năm yếu liên tiếp", các nhà phân tích tại kim loại quý của công ty Heraeus cho biết.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng sau khi nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới – Trung Quốc – hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, làm dấy lên kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sẽ kéo nhu cầu kim loại công nghiệp tăng theo. Theo đó, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1% lên 9.509 USD/tấn, sau khi giảm 0,8% trong phiên trước đó.
Trái với đồng, giá các kim loại cơ bản khác hầu hết giảm trong phiên này. Theo đó, giá nhôm giảm 1,2% xuống 2,591 USD/tấn sau khi dữ liệu cho thấy lượng nhôm lưu kho trên sàn London tăng lên 698,550 tấn, cao nhất kể từ ngày 23/9 và tăng 21% trong vòng chưa đầy một tuần. Giá kẽm phiên này giảm 0,1% xuống 3.160 USD, chì giảm 0,4% xuống 2.202,50 USD, nickel giảm 1% xuống 19.825 USD và thiếc giảm 1,6% lên 38.705 USD.
Giá quặng sắt tại Đại Liên và Singapore đều tăng, do kỳ vọng việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc có thể hạn chế nguy cơ rủi ro mà nước này phải đối mặt, song đà tăng bị hạn chế bởi mối lo ngại về việc kiểm soát sản lượng thép. Theo đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Đại Liên tăng 1,6% lên 615,5 CNY (96,58 USD)/tấn, sau khi tăng 4,2% trong đầu phiên giao dịch; quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Singapore tăng 2,1% lên 103,7 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 104,6 USD/tấn. Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,7%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,2% và thép không gỉ giảm 1,1%.
Trên thị trường nông sản, giá ngô và đậu tương tại Mỹ giảm, do lo ngại về sự lây lan của biến thể virus corona Omicron, khiến các nhà đầu tư đứng ngoài thị trường.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 5-3/4 US cent xuống 12,61-1/2 USD/bushel và giá ngô kỳ hạn tháng 3/2022 giảm 1/2 US cent xuống 5,83-1/2 USD/bushel. Giá lúa mì mềm đỏ, vụ đông kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 2-1/2 US cent lên 8,06-1/4 USD/bushel, sau khi giảm xuống mức thấp 7,89-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 2,1% lên 19,16 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London tăng 2% lên 496,6 USD/tấn.
Giá cà phê arabica và robusta tăng lên mức cao nhất 10 năm, được hỗ trợ bởi triển vọng sản lượng giảm. Theo đó, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 2,6% lên 2,4985 USD/lb, trong phiên có lúc đạt 2,5085 USD/lb – cao nhất kể từ tháng 10/2011; cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn London tăng 1,4% lên 2.437 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 8/2011.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm phiên thứ 3 liên tiếp, do các nhà đầu tư vẫn lo ngại về nhu cầu chậm lại, bởi biến thể virus corona Omicron lây lan và các hạn chế đi lại tại nhiều quốc gia.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Osaka giảm 3,9 JPY tương đương 1,6% xuống 236,7 JPY (2,1 USD)/kg. Trong đầu phiên giao dịch, giá cao su chạm 236,1 JPY/kg – thấp nhất kể từ ngày 22/11/2021. Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 75 CNY xuống 14.630 CNY (2.296 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)