Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục tăng hơn 3% trong phiên vừa qua, sau khi tăng gần 5% trong phiên liền trước, giữa bối cảnh nỗi lo về tác động của biến thể Omicron đối với nhu cầu nhiên liệu toàn cầu tiếp tục giảm.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent biển Bắc tăng 2,3 USD (3,2%) lên 75,44 USD/thùng, sau khi tăng 4,6% trong phiên 6/12. Giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 2,56 USD (3,7%) lên 72,05 USD/thùng, sau khi tăng 4,9% trong phiên trước đó. Giá hai loại dầu phiên này có lúc ghi nhận mức tăng hơn 3 USD/thùng.
Giá dầu đã tuần trước giảm do lo ngại rằng các loại vaccine hiện nay ít có hiệu quả đối với biến thể Omicron, làm dấy lên lo ngại rằng các chính phủ có thể áp đặt các biện pháp hạn chế mới mà có thể làm giảm nhu cầu. Tuy nhiên, một quan chức y tế Nam Phi cuối tuần trước báo cáo rằng các trường hợp mắc biến thể Omicron chỉ có các triệu chứng nhẹ, trong khi quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Mỹ Anthony Fauci cũng cho biết dường như biến thể mới không gây ra “mức độ quá nghiêm trọng” cho đến nay.
Giám đốc nghiên cứu thị trường tại công ty tư vấn quản lý năng lượng Tradition Energy (Mỹ), Gary Cunningham, cho biết thị trường đã phản ứng quá mạnh trước biến thể Omicron, về khả năng lây lan của nó cũng như tác động của nó đối với các hạn chế đi lại. Hiện giờ thị trường đang quay trở lại với kỳ vọng nhu cầu tăng mạnh trong hơn 6-12 tháng nữa.
Tuần trước, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã nhất trí duy trì tăng sản lượng thêm khoảng 400.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022 bất chấp việc Mỹ “giải phỏng” dầu từ các kho dự trữ chiến lược.
Ngoài ra, giá dầu tăng còn do dự báo tồn trữ dầu thô của Mỹ sẽ giảm tuần thứ 2 liên tiếp. Đồng thời, giá dầu được hỗ trợ bởi sự trì hoãn trở lại của dầu Iran, với các cuộc đàm phán hạt nhân gián tiếp giữa Mỹ và Iran đã gặp những trở ngại. Đức hối thúc Iran đưa ra các đề xuất thực tế trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng nhẹ khi các nhà đầu tư chờ đợi số liệu về tình hình lạm phát tại Mỹ, nhân tố có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.782,39 USD/ounce; vàng giao sau tăng 0,3% lên 1.784,70 USD/ounce.
Nhà phân tích thị trường thuộc công ty môi giới OANDA có trụ sở tại New York (Mỹ), Craig Erlam, nhận định thị trường đang theo dõi cuộc họp của Fed vào tuần tới và các nhà đầu tư muốn tìm kiếm tín hiệu rõ ràng hơn về chính sách lãi suất trước sự thiếu chắc chắn liên quan đến biến thể Omicron.
Báo cáo Chỉ số Giá tiêu dùng của Mỹ dự kiến công bố ngày 10/12 có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Fed trước cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang vào ngày 14-15/12 tới.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại trang web phân tích về thị trường vàng Kitco Metals (Canada) cho biết thị trường cũng theo sát cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ, khi bất kỳ bất ổn địa chính trị lớn nào cũng sẽ hỗ trợ vàng. Tuy nhiên, giá vàng miếng có thể giảm nếu biến thể Omicron không nguy hiểm như dự báo.
Về những kim loại quý khác, giá bạch kim tăng 1,7% lên 953,06 USD/ounce, palladium 0,5% lên 1.845,45 USD, và bạc tăng 0,6% lên 22,49 USD/ounce.
Giá trung bình vàng, bạc và bạch kim năm tới dự báo sẽ tương tự như năm 2021, trontg khi palladium sẽ giảm.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ và nhập khẩu tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới tăng.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,6% lên 9.562 USD/tấn.
Nhập khẩu đồng của Trung Quốc trong tháng 11/2021 tăng tháng thứ 3 liên tiếp, lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2021, do nhu cầu tăng sau cuộc khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp giảm bớt. Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11/2021 tăng 31,7%, so với mức tăng 19,8% trong tháng 10/2021 và cao hơn so với dự báo tăng 20,6%.
Giá quặng sắt tiếp tục tăng do biện pháp thúc đẩy thanh khoản hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tại nước sản xuất và tiêu thụ thép hàng đầu – Trung Quốc. Quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Đại Liên tăng 6,7% lên 659,5 CNY (103,56 USD)/tấn, đầu phiên giao dịch, giá quặng sắt tăng 9% lên 673,5 CNY/tấn – cao nhất kể từ ngày 29/10/2021; quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Singapore tăng 10 USD tương đương 9,7% lên 114,15 USD/tấn. Giá thép cây trên sàn Thượng Hải tăng 1,3%, thép cuộn cán nóng tăng 1%, trong khi thép không gỉ giảm 0,8%.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương tại Mỹ giảm, bởi các dấu hiệu cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gia tăng, có thể dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung thị trường nội địa.
Trên thị trường Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 2-1/2 US cent lên 5,86 USD/bushel và giá lúa mì giao cùng kỳ hạn tăng 2-1/4 US cent lên 8,08-1/2 USD/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 11-1/4 US cent xuống 12,5-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 1,6% lên 19,48 US cent/lb; giá đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London tăng 1,4% lên 503,4 USD/tấn.
Giá cà phê arabica và robusta giảm, sau khi đạt mức cao nhất 10 năm mới trong đầu phiên giao dịch, do tắc nghẽn vận chuyển container, tồn trữ giảm, triển vọng sản lượng giảm và tâm lý lạc quan về thị trường tài chính.
Theo đó, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE giảm 6,55 US cent tương đương 2,6% xuống 2,433 USD/lb, trong phiên có lúc đạt 2,5235 USD/lb – cao nhất kể từ năm 2011; cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London giảm 42 USD tương đương 1,8% xuống 2.273 USD/tấn, trước đó trong phiên đạt 2.334 USD/tấn – cao nhất kể từ năm 2011.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, rời khỏi chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp, do lo ngại về tác động của biến thể virus corona Omicron đối với nền kinh tế toàn cầu suy giảm, cùng với đó là đồng JPY giảm so với đồng USD cũng hỗ trợ thị trường.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Osaka tăng 0,3 JPY lên 237,0 JPY (2,1 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 125 CNY xuống 14.510 CNY (2.281 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)