Năng lượng: Giá dầu tăng mạnh nhất 15 tuần
Giá dầu thế giới vừa trải qua tuần tăng mạnh nhất trong vòng 15 tuần do nhà đầu tư bớt lo ngại về ảnh hưởng của virus biến thể Omicron đối với tăng trưởng kinh tế thế giới và nhu cầu nhiên liệu.
Kết thúc phiên cuối tuần (10/12), giá dầu Brent tăng 73 US cent (tương đương 1%) lên 75,15 USD/thùng, sau khi giảm 1,9% ở phiên liền trước; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 73 US cent (1%) lên 71,67 USD/thùng, sau khi giảm 2% ở phiên liền trước.
Tính chung cả tuần, cả 2 loại dầu đều tăng khoảng 8%, là tuần tăng đầu tiên trong vòng 7 tuần, đồng thời có tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 8/2021,
Một yếu tố giúp nâng đỡ thị trường trong phiên cuối tuần là báo cáo mới nhất của Chính phủ Mỹ cho thấy giá tiêu dùng tháng 11/2021 tại nước này ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ năm 1982, làm gia tăng tâm lý lạc quan đối với nhu cầu dầu.
Nhà phân tích cao cấp về thị trường năng lượng, Phil Flynn, cho hay giới đầu tư đã dần thoát tâm trạng lo lắng và cảm thấy lạc quan hơn do sự chỉnh lại kỳ vọng về nhu cầu năng lượng sau sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Tuy nhiên, giá “dầu” đang chịu áp lực do hoạt động hàng không nội địa của Trung Quốc đang chững lại giữa lúc chính phủ thắt chặt hơn quy định về đi lại, trong khi niềm tin của người tiêu dùng yếu đi sau nhiều đợt bùng phát dịch nhỏ lẻ ở nước này.
Một yếu tố đáng lo khác là cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ bậc đánh giá đối với các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc là China Evergrande Group và Kaisa Group, nói rằng họ đã vỡ nợ đối với trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ.
Điều đó càng làm gia tăng lo ngại về khả năng suy thoái trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, các nhà đàm phán đã có mặt tại Vienna, Áo trong tuần này khi Iran tổ chức các cuộc đàm phán với các cường quốc thế giới nhằm nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Một số quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tiến tới thắt chặt việc thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại Iran khi các nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục thỏa thuận bị đình trệ.
Ngoài ra, bà cho hay Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhiều khả năng có thêm một đợt nâng sản lượng nữa vào giữa năm 2022. Trong trường hợp không có thỏa thuận hạt nhân nào với Iran vào năm tới, thị trường sẽ cần sử dụng tất cả năng lực sản xuất dự phòng của OPEC để bù đắp cho nguồn cung bị thiếu hụt. Điều đó sẽ khiến công suất dự phòng vốn đã rất hạn hẹp càng xuống thấp hơn, khiến việc đối phó với bất kỳ sự kiện làm gián đoạn nguồn cung nào trong năm tới khá khó khăn. Nếu không có một thỏa thuận hạt nhân với Iran và nguồn cung lại bị gián đoạn, thị trường cần chuẩn bị tâm lý trước khả năng giá dầu chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong năm 2022.
Kim loại quý: Giá vàng biến động nhẹ
Phiên cuối tuần, giá vàng tăng do lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ tăng thấp hơn dự kiến và nhà đầu tư giảm đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nâng lãi suất.
Theo đó, giá vàng giao ngay kết thúc phiên 10/12 tăng tăng 0,5% lên 1.782,44 USD/ounce, đảo chiều sau 2 phiên giảm trước đó; vàng kỳ hạn tháng 2/2022 tăng 0,5% lên 1.784,8 USD/ounce.
Phiên này, giá vàng chỉ biến động trong biên độ hẹp, chịu tác động từ những yếu tố trái chiều: Những lo ngại về lạm phát và biến thể Omicron, cũng như lãi suất ở mức thấp lịch sử, lực cản từ đồng USD mạnh và những lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hơn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm sau số liệu cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 11/2021 tăng và có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982.
Diễn biến của giá vàng tuần qua cũng bị chi phối bởi tâm lý thận trọng khi thị trường chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ.
Theo số liệu mới nhất do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/12, giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 11/2021 đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tiến 0,8% so với tháng 10 khi nền kinh tế hàng đầu thế giới này tiếp tục phát triển mạnh, lấn át cả những khó khăn về chuỗi cung ứng và thúc đẩy lạm phát đi lên.
Diễn biến này có thể sẽ khiến Fed tiếp tục thu hẹp các biện pháp kích thích được triển khai kể từ khi cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra bắt đầu, đồng thời thúc đẩy ngân hàng này đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất vì lo ngại về khả năng tiền lương tiếp tục tăng mạnh và khiến lạm phát thậm chí còn lên cao hơn.
Các chuyên gia nhận định giá vàng sẽ dao động trong phạm vi 1.770 - 1.810 USD/ounce do các nhà đầu tư lo lắng về chính sách của Fed, những bất ổn xung quanh sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể làm hoãn chu kỳ tăng lãi suất.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay phiên này tăng 1% lên 22,15 USD/ounce, bạch kim tăng 0,3% lên 937,68 USD/ounce và là tuần tăng đầu tiên trong vòng 4 tuần, palladium giảm 3,2% xuống 1.754,57 USD/ounce.
Kim loại công nghiệp: Giá biến động trái chiều
Giá đồng giảm trong phiên cuối tuần sau khi giá tiêu dùng của Mỹ tăng phù hợp với kỳ vọng, làm cản trở hoạt động mua hàng của các nhà đầu tư. Theo đó, giá đồng trên sàn London giảm 0,3% xuống 9.504 USD/tấn, sau khi giảm 1,2% trong phiên trước đó.
Số liệu lạm phát của Mỹ cho thấy mức tăng hàng năm lớn nhất trong hơn 39 năm.
Nước tiêu thụ kim loại hàng đầu – Trung Quốc – là động lực chính thúc đẩy giá kim loại và 2 trong 3 trụ cột của nhu cầu đồng Trung Quốc là bất động sản và cơ sở hạ tầng đã suy yếu.
Cũng trong phiên này, giá kẽm tăng 0,2% lên 3.317,50 USD/tấn mặc dù lượng thép lưu kho trên sàn London twang 14.025 tấn lên 164.425 tấn. Giá nhôm giảm 0,6% xuống 2.612 USD/tấn, nickel tăng 0,3% lên 19.820 USD/tấn, thiếc giảm 0,3% xuống 39.375 tấn, nhưng chỉ tăng 0,3% lên 2.290,50 USD/tấn.
Tính chung cả tuần, giá đồng giảm, trong khi giá nhôm, thiếc và kẽm tăng.
Giá quặng sắt tại Đại Liên giảm trong phiên cuối tuần do tồn trữ nguyên liệu này tại nước sản xuất thép hàng đầu – Trung Quốc – tăng, cùng với đó là nhu cầu suy yếu, điều này cho thấy giá có thể suy yếu hơn nữa trong năm 2022. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Đại Liên giảm 0,7% xuống 639,5 CNY (100,46 USD)/tấn. Tuy nhiên, giá quặng sắt có tuần tăng thứ 3 liên tiếp, do lạc quan về các biện pháp kích thích của Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Singapore giảm 0,5% xuống 108,55 USD/tấn.
Dự báo giá quặng sắt có thể đạt 75 USD/tấn vào cuối năm 2022, do các biện pháp kiểm soát sản xuất thép thắt chặt để hạn chế lượng khí thải tại Trung Quốc sẽ vẫn được duy trì.
Quặng sắt nhập khẩu tồn trữ tại các cảng của Trung Quốc trong tuần trước đạt 155,4 triệu tấn – cao nhất kể từ tháng 7/2018, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Nông sản: Giá đồng loạt tăng, ngoại trừ cao su
Giá lúa mì trong phiên giao dịch cuối tuần biến động trái chiều, trong đó giá lúa mỳ và đậu tương tăng, còn giá ngô giảm.
Chốt phiên này, giá lúa mì đỏ mềm, vụ đông kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 8-1/2 US cent lên 7,85-1/4 USD/bushel; ngô giao cùng kỳ hạn giảm 1-3/4 US cent xuống 5,9 USD/bushel; đậu tương kỳ hạn tháng 1/2022 tăng 3-1/4 US cent lên 12,67-3/4 USD/bushel.
Theo Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago, khối lượng giao dịch thấp hơn nhiều so với những ngày trước đó do các nhà giao dịch bắt đầu chốt sổ năm 2021 khi kỳ nghỉ lễ tới gần. Thị trường dự kiến sẽ sôi nổi trở lại khi bước sang năm mới.
Các công ty tư nhân Trung Quốc cho biết đã mua 200.000-400.000 tấn ngô Mỹ và lượng ngũ cốc chưng cất khô (DDG) chưa rõ khối lượng. Trung Quốc cũng đã đặt mua lượng lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi đáng kể từ Đông Australia, khoảng 1,25-1,75 triệu tấn.
Dự báo thời tiết cho thấy khu vực miền Trung Argentina sẽ vẫn khô ráo vào cuối tuần này.
Các khu vực của Cordoba và vùng xa phía Tây Argentina sẽ có mưa rào nhẹ trong 48 giờ tới, nhưng sau đó thời tiết sẽ khô hạn và nhiệt độ ấm lên cho đến ngày 26/12. Thời tiết khô hạn cũng sẽ lan rộng đến nửa phía nam của vành đai cây trồng của Brazil.
Đối với mặt hàng đường, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE thay đổi nhẹ ở mức 19,71 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London tăng 0,13% lên 511,4 USD/tấn.
Với mặt hàng cà phê, giá arabica kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE phiên cuối tuần giảm 3,1% xuống 2,326 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất 10 năm (2,5235 USD/lb) trong ngày 7/12/2021; robusta kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London giảm 0,6% xuống 2.291 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 10 năm (2.334 USD/tấn) trong ngày 7/12/2021.
Giá cà phê hai sàn sụt giảm do lo ngại nhu cầu tiêu thụ suy yếu vì dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại đã dẫn tới hoạt động thanh lý kéo dài.
Mặc dù đã có nhiều tuyên bố trấn an rằng biến thể Omicron không nguy hiểm như nhiều người lo ngại, song ngày càng có thêm nhiều quốc gia tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội do biến thể này được xác nhận lây lan hơn Delta rất nhiều lần và cần nâng cao sự thận trọng hơn nữa.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng trong phiên cuối tuần do các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào sau khi giá chạm mức thấp nhất 3 tuần, bởi các dấu hiệu về sự gián đoạn sản xuất ô tô do thiếu chip và linh kiện suy giảm.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Osaka tăng 0,4 JPY tương đương 0,2% lên 229,1 JPY (2,02 USD)/kg, trong phiên trước đó chạm mức thấp nhất kể từ ngày 19/11/2021 (225,4 JPY/kg). Tính chung cả tuần, giá cao su giảm 4,8% - tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 105 CNY lên 14.490 CNY (2.276 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: Vinanet / VITIC / Reuters, Bloomberg