Năng lượng: Giá dầu giảm tuần thứ 5 liên tiếp
Giá dầu giảm mạnh trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần cũng giảm tuần thứ 5 liên tiếp, với mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020 do Mỹ và một số nước tiêu thụ dầu lớn dự định giải phóng dầu dự trữ quốc gia và biến thể mới của virus Covid-19 gây lo ngại sụt giảm nhu cầu.
Phiên cuối tuần, 26/11, giá dầu giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020 do một biến thể mới của virus corona khiến các nhà đầu tư lo sợ và làm tăng thêm lo ngại rằng nguồn cung dư thừa có thể tăng lên trong quý 1/2022. Mỹ, Canada, Anh, Guatemala và các nước Châu Âu đồng loạt hạn chế khách du lịch đến và đi từ Nam Phi và một số nước lân cận, nơi có chủng virus mới này được phát hiện.
Nỗi lo ngại lớn nhất của thị trường là biến thể Omicron sẽ kháng lại vaccine và trở thành 'đòn giáng' nặng nề với các quốc gia đã nỗ lực nhiều để đạt được các thành quả từ việc triển khai các chương trình tiêm chủng.
Kết thúc phiên dầu Brent giảm 9,5 USD/thùng hay 11,6% so với phiên liền trước, xuống 72,72 USD/thùng, tính cả tuần giảm hơn 8%. Dầu thô WTI giảm 10,24 USD/thùng hay 13,1% xuống 68,15 USD/thùng, giảm hơn 10,4% trong tuần này với khối lượng giao dịch lớn sau ngày nghỉ Lễ Tạ ơn.
Cả hai loại dầu đã giảm tuần thứ 5 và giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020, khi giá WTI lần đầu tiên chuyển sang âm trong bối cảnh dư thừa nguồn cung do virus corona gây ra.
OPEC+ cũng đang theo dõi sự phát triển của biến thể này, với một số người tỏ ra lo ngại rằng nó có thể làm xấu đi triển vọng thị trường dầu mỏ trong chưa đầy một tuần trước cuộc họp thiết lập chính sách.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch xuất 50 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược cùng với sự phối hợp của các quốc gia tiêu thụ lớn khác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, để cố gắng “hạ nhiệt” thị trường năng lượng. Tuy nhiên, OPEC cảnh báo rằng, động thái này sẽ làm nguồn cung dư thừa trên thị trường dầu mỏ tăng thêm 1,1 triệu thùng/ngày. OPEC+, sẽ nhóm họp vào ngày 1-2/12 để bàn thảo về chính sách sản lượng.
Kim loại quý: Giá vàng tuần qua giảm mạnh
Giá vàng đã trải qua một tuần nhiều biến động. Giảm giá trong gần suốt tuần, đến phiên cuối tuần, 26/11, giá vàng đột ngột tăng mạnh sau thông tin về sự xuất hiện của virus biến thể mới. Theo đó, giá vàng giao ngay gần cuối phiên 26/11 tăng vọt hơn 1% lên 1.815,26 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 1,7% lên 1.813,80 USD trong bối cảnh nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro cao để tìm đến nơi trú ẩn an toàn.
Tuy nhiên, lúc kết thúc phiên này, giá vàng dừng tăng nóng bởi xu hướng giảm giá chung của hàng hóa cuối cùng cũng khiến vàng bị ảnh hưởng. Yếu tố ngăn giá vàng giảm mạnh ở cuối phiên là sự sụt giảm mạnh giá trị của đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm.
Kết thúc phiên 26/11, giá vàng giao ngay tăng 0,2% so với phiên liền trước, chốt ở mức 1.791,97 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,1% đạt 1.785,5 USD.
Chỉ số đô la Mỹ - Dollar index – phiên này giảm 0,75% có lợi cho vàng bởi USD giảm khiến vàng tính theo các tiền tệ khác trở nên rẻ hơn, trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm – cũng làm tăng sức hấp dẫn của vàng.
Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 2,9%, tuần giảm nhiều nhất kể từ giữa tháng 6, bởi áp lực từ dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất.
Các kim loại quý khác dường như đang tách khỏi động thái của vàng. Theo đó, giá bạc kết thúc phiên vừa qua giảm 1,9% xuống 23,14 USD/ounce, bạch kim giảm 4,3% xuống 952,77 USD/ounce, trong khi palladium giảm 6% xuống 1.747,95 USD, trong phiên có lúc palladium giảm hơn 8% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 23/3/2020. Tính chung cả tuần hai kim loại quý này đều giảm rất mạnh.
Nhà phân tích Peter Fertig của Nghiên cứu Hàng hóa Định lượng cho rằng giá palladium và bạch kim giảm là bởi lo ngại virus biến thể mới có thể ảnh hưởng đến doanh số bán xe hơi cũng như nhu cầu về kim loại được sử dụng trong hệ thống xả ô tô.
Kim loại công nghiệp: Giá giảm
Phiên cuối tuần, giá kim loại cơ bản đồng loạt giảm do lo ngại một biến thể mới của virus corona có khả năng kháng vaccine sẽ làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 2,6% xuống 9.465 USD/tấn. Kim loại này dùng để đánh giá sức khỏe kinh tế toàn cầu đã giảm tuần thứ hai liên tiếp.
Thị trường đồng thiếu hụt 107.000 tấn trong 8 tháng đầu năm nay so với thiếu hụt 97.000 tấn trong cùng kỳ năm trước, theo Tổ chức Nghiên cứu Đồng Quốc tế. Dự trữ toàn cầu đang tăng nhưng vẫn ở mức thấp trong lịch sử.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm phiên cuối tuần giảm 4,2% xuốn 2.601 USD/tấn, kẽm giảm 3,1% xuống 3.197 USD/tấn, chì giảm 0,4% xuống 2.261 USD/tấn, thiếc giảm 0,5% xuống 38.600 USD/tấn trong khi nickel giảm 3,7% xuống 19.895 USD/tấn.
Tính chung cả tuần, tất cả các kim loại cơ bản đều giảm giá.
Giá quặng sắt và thép giảm tại Trung Quốc cũng giảm trong phiên này do việc phát hiện biến thể mới của virus corona ở Nam Phi và các trường hợp nhiễm Covid-19 mới ở Thượng Hải khiến các nhà đầu tư lo ngại về sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, hợp đồng quặng sắt Đại Liên có tuần tăng đầu tiên kể từ đầu tháng 10, sau 5 phiên tăng bởi động thái làm giảm khó khăn về thanh khoản của Trung Quốc nhằm hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản đang nợ nần.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 6,7% xuống 575,5 CNY (90,06 USD)/tấn. Tuy nhiên giá tăng 9,5% trong tuần này. Tại Singapore hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 12 giảm 5% xuống 96,95 USD/tấn. Trong khi đó, giá thép thanh tại Thượng Hải giảm 2,5% sau khi tăng 6 phiên liên tiếp, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 1,4% kết thúc 4 ngày tăng liên tiếp. Thép không gỉ giảm 4,1%.
Nông sản: Giá lúa mì, ngô và cà phê tăng, các nông sản khác giảm trong tuần
Phiên cuối tuần, giá đậu tương, lúa mì của Mỹ giảm do tin tức biến thể Covid mới tại Nam Phi.
Đậu tương trên sàn giao dịch Chicago giảm 13-3/4 US cent xuống 12,52-3/4 USD/bushel, hợp đồng này giảm mạnh nhất kể từ ngày 4/11. Tính cả tuần này đậu tương đã giảm 0,81%.
Giá lúa mì CBOT kỳ hạn tháng 3/2022 giảm 10 US cent xuống 8,4-1/4 USD/bushel, trong khi ngô CBOT cùng kỳ hạn đóng cửa tăng 6-1/4 US cent lên 5,91-3/4 USD/bushel. Trong tuần này giá lúa mì tăng 0,72% và ngô tăng 3,63%. Doanh số xuất khẩu mạnh đã làm dịu đi cú sốc về biến chủng mới, ngô chuyển trở lại tích cực vào cuối phiên giao dịch.
Doanh số xuất khẩu ngô và lúa mì của Mỹ vượt dự đoán, với 1,429 triệu tấn ngô đã được bán chủ yếu sang Mexico và Canada, tăng 58% so với tuần trước.
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 đóng cửa phiên 26/11 giảm 2,8% xuống 19,35 US cent/lb, tiếp tục thoái lui từ mức cao nhất 4,5 năm tại 20,69 US cent/lb trong tuần trước; đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 giảm 1,9% xuống 501,4 USD/tấn sau khi chạm mức thấp nhất 2 tháng tại 495,8 USD/tấn.
Giá đường thô giảm nhanh sau khi phá vỡ ngưỡng kỹ thuật 19,56 US cent. Giá năng lượng giảm cũng góp phần làm giảm giá đường, bởi giá dầu giảm có thể khiến các nhà máy đường tại Brazil sản xuất thêm đường và ít ethanol đi.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 giảm 1% trong phiên cuối tuần, xuống 2,4295 USD/lb. Trước đó, phiên 24/11, giá hợp đồng này tăng lên mức cao 10 năm tại 2,4820 USD/lb trong ngày 24/11. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2022 cùng phiên tăng 0,8% lên 2.308 USD/tấn. Việc trì hoãn thu hoạch tại Việt Nam vẫn là một yếu tốt hỗ trợ.
Cà phê ít bị bán tháo hơn do thị trường này tiếp tục nhận được hỗ trợ từ nguồn dự trữ của sàn giao dịch đang giảm, bởi các chuyến hàng từ Nam Mỹ bị trì hoãn do thiếu công suất vận chuyển container và nhà sản xuất không muốn bán ra.
Giá cao su Nhật Bản giảm trong phiên cuối tuần, kết thúc 4 ngày tăng liên tiếp và giảm từ mức cao nhất trong 6 tháng đã chạm tới vào phiên trước đó bởi tin tức biến thể mới của virus corona.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 10,4 JPY
hay 4,1% xuống 246,3 JPY (2,2 USD)/kg. Trong trong tuần này giá vẫn tăng 7,2%. Giá cao su tại Thượng Hải giao tháng 5/2022 giảm 455 CNY xuống 15.240 CNY (2.385 USD)/tấn.
Đồng JPY tăng giá khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.
Giá hàng hóa thế giới


 

Nguồn: Vinanet / VITIC / Reuters, Bloomberg