Năng lượng: Giá dầu tăng tuần thứ 6 liên tiếp
Phiên cuối tuần giá dầu tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm, tính chung cả tuần tăng tuần thứ 6 liên tiếp do bất ổn địa chính trị giữa bối cảnh lo ngại về nguồn cung eo hẹp.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 69 US cent lên 90,03 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 91,7 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2014; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 21 US cent lên 86,82 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt mức cao kỷ lục 7 năm tại 88,84 USD/thùng.
Các nhà sản xuất chủ chốt trong khối OPEC+ đã chật vật nâng sản lượng để thực hiện thỏa thuận tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng.
Người phụ trách chiến lược thị trường Phillip Streible tại công ty môi giới tài chính Blue Line Futures (Mỹ) cho rằng những căng thẳng địa chính trị với căng thẳng giữa Nga và Ukraine cùng với biến động tiếp diễn tại Trung Đông là mối lo ngại chính.
Nhà phân tích Carsten Fritsch tại ngân hàng Commerzbank (Đức) nhận định không có lý do nào khác lý giải cho việc giá dầu tăng mạnh ngoài những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung nếu cuộc khủng hoảng tại Ukraine leo thang.
Sự chú ý cũng đang được hướng đến cuộc họp trong tuần tới của OPEC+. OPEC+ đang duy trì mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày, dù Mỹ và các nước tiêu thụ dầu khác hối thúc nhóm này tăng sản lượng nhanh hơn. Trong khi đó, một số nước sản xuất trong nhóm gặp khó khăn trong việc tuân thủ hạn ngạch sản lượng đã được nâng lên.
Các nhà phân tích cho rằng OPEC+ có thể lo ngại việc đẩy giá dầu lên trên mức 90 USD/thùng hoặc cao hơn sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu.
Kim loại quý: Giá vàng giảm mạnh
Giá vàng tiếp tục sụt giảm trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần cũng giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 11/2021 do dự đoán ngày càng tăng về việc Mỹ tăng lãi suất khiến USD lên mức cao nhất nhiều tháng.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.785,71 USD/ounce; trong phiên này giá đã giảm xuống 1.779,2 USD, mức thấp nhất trong 6 tuần, tính chung cả tuần giảm khoảng 2,5%; vàng kỳ hạn tháng 2 giảm 0,5% xuống 1.786,6 USD/ounce.
Được định giá theo đồng USD, giá vàng có xu hướng diễn biến trái chiều so với đồng bạc xanh, do đồng USD tăng giá sẽ khiến vàng đắt hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Giá vàng đã giảm dưới mức trung bình 100 ngày và 200 ngày trong phiên trước, sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ tái khẳng định kết thúc chương trình mua trái phiếu thời đại dịch và sẽ tăng lãi suất vào tháng 3.
Hội đồng vàng thế giới (WGC) dự báo nhu cầu trang sức, thỏi nhỏ và xu vàng sẽ vẫn mạnh trong năm 2022 có thể hạn chế đà giảm của giá vàng. WGC cũng dự đoán các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng nhưng ở tốc độ chậm hơn.
Triển vọng tăng lãi suất tại Mỹ đã khiến đồng USD lên giá. Tại cuộc họp báo sau cuộc họp kết thúc ngày 26/1, Chủ tịch Fed Jerome Powell không bác bỏ khả năng sẽ tăng lãi suất tại mỗi cuộc họp trong năm và nói đến việc cần hành động nhanh.
Nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty đầu tư GraniteShares (Mỹ) Jeff Klearman cho rằng giá vàng giảm trong tuần qua do chịu sức ép trước kế hoạch của Fed trong việc tăng lãi suất vào tháng Ba và bắt đầu thu hẹp bản cân đối quyết toán ngay sau đó.
Theo ông Klearman, cuộc họp báo cho thấy Fed tin tưởng nền kinh tế và thị trường việc làm đủ mạnh và cho phép tăng lãi suất để ngăn chặn sự gia tăng lạm phát.
Ông Klearman cho rằng giá vàng có thể tiếp tục giảm trong bối cảnh hiện nay.
Trong khi đó, số liệu được công bố ngày 28/1 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng mà Fed theo dõi tăng 5,8% trong năm 2021, sau khi tiếp tục tăng mạnh trong tháng 12, cơ sở để Fed tăng lãi suất lần đầu tiên trong bốn năm.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng giảm mạnh
Giá đồng hướng tới tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2021 do khả năng ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền làm các nhà đầu tư giảm nhu cầu với các tài sản rủi ro và thúc đẩy USD tăng giá.
USD chạm mức cao nhất so với rổ tiền tệ chính kể từ tháng 6/2021, khiến các kim loại đắt hơn cho người mua bằng đồng tiền khác.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đã giảm 2,8% xuống 9.508 USD/tấn, giảm khoảng 4,5% trong tuần này.
Giá đồng đã đạt mức cao kỷ lục 10.747,5 USD/tấn nhưng sau đó giảm đi do lo lắng về tăng trưởng kinh tế, đặc biệt ở Trung Quốc, nước tiêu thụ hàng đầu thế giới.
Giá yếu có thể kéo dài qua Tết Nguyên Đán của Trung Quốc vào tuần tới, theo nhà phân tích Ole Hansen thuộc ngân hàng Saxo Bank. Tuy nhiên, triển vọng trong dài hạn vẫn là tích cực, với sự chuyển đổi toàn cầu từ nhiên liệu hóa thành sang điện khí hóa sử dụng nhiều đồng có khả năng kích thích nhu cầu.
Các nhà kinh tế và chính sách cho biết các kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc bằng cách chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ gặp phải những trở ngại.
Các nhà phân tích thuộc UBS cho biết họ dự kiến giá kim loại công nghiệp tăng khoảng 10 – 15% trong năm nay, tuy nhiên một thăm dò 25 nhà phân tích của Reuters cho thấy giá đồng trung bình dự báo khoảng 9.370 USD/tấn trong năm 2022.
Quặng sắt Đại Liên tăng hơn 7% trong phiên cuối tuần và có tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 12/2021, bởi sự kết hợp của hy vọng rằng việc tăng cường nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ kích thích nhu cầu và những lo sợ về triển vọng nguồn cung khan hiếm.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 7,6% lên 829 CNY/tấn, trước đó giá đã chạm 830 CNY/tấn, cao nhất kể từ ngày 31/8/2021.
Giá quặng sắt giao tháng 3 tại Singapore tăng khoảng 7% lên 147,25 USD/tấn.
Xu hướng tăng giá ổn định với cả hai thị trường này ngay cả khi một số nhà đầu tư đứng ngoài lề trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.
Giá giao ngay cũng tăng mạnh, với quặng sắt hàm lượng 62% Fe tăng lên 140 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 3/9/2021, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Bất chấp mục tiêu carbon thấp đầy tham vọng của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói giảm khí thải không phải là giảm sản xuất và đó không phải là không có chút khí thải nào.
Thép thanh tại Thượng Hải tăng 2,8%, thép cuộn cán nóng tăng 2,7%. Thép không gỉ tăng 0,7%.
Nông sản: Giá biến động
Phiên cuối tuần, giá đậu tương tăng lên mức cao nhất kể từ mùa hè năm ngoái, do thị trường này dự kiến thiệt hại do hạn hán ở Nam Mỹ có thể hạn chế nguồn cung xuất khẩu toàn cầu.
Lúa mì tăng sau hai ngày giảm, thu hút việc săn giá hời khi các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ bất ổn giữa Nga và các nước Phương Tây về Ukraina. Ngô cũng được hỗ trợ từ một thị trường dầu thô mạnh mẽ.
Hợp đồng đậu tương CBOT đóng cửa tăng 21-3/4 US cent lên 14,7 USD/bushel, trước đó giá đã đạt 14,79 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 15/6/2021; ngô CBOT tăng 10-3/4 US cent lên 6,36 USD/bushel, trong khi lúa mì CBOT tăng 9-1/4 US cent lên 7,86-1/4 USD/bushel. 
Đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa giảm 0,21 US cent xuống 18,20 US cent/lb sau khi xuống mức thấp nhất hai tuần tại 18,09 US cent; đường trắng kỳ hạn tháng 3 giảm 4,5 USD xuống 495,2 USD/tấn.
Các đại lý cho biết dự báo mưa vào cuối tuần tại khu vực Trung Nam Brazil có thể hỗ trợ độ ẩm cho đất và triển vọng vụ mía năm nay. Triển vọng sản lượng của Ấn Độ cải thiện cũng khiến thị trường suy yếu gần đây.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 3,85 US cent lên 2,359 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 tăng 2 USD lên 2.193 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường vẫn tập trung vào triển vọng mùa vụ năm nay tại Brazil và mức độ ảnh hưởng của băng giá và hạn hán tới sản lượng.
Cao su có tuần giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm 2% trong bối cảnh lo ngại Mỹ tăng lãi suất có thể làm chậm lại sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Gía cao su Nhật Bản tăng do đồng JPY giảm so với USD, hỗ trợ cũng đến từ sự phục hồi của cao su Thượng Hải từ mức thấp nhất 2,5 tháng.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 2,9 JPY hay 1,2% lên 239,4 JPY (2,07 USD)/kg sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 4,5 tuần tại 232 JPY. Cao su tại Thượng Hải kỳ hạn tháng 5 giảm 100 CNY hay 0,7% xuống 14.150 CNY (2.223 USD)/tấn. Trước đó giá đã đạt 13.860 CNY, thấp nhất kể từ ngày 10/11/2021.
Dự trữ cao su của sàn giao dịch Thượng Hải tăng 0,8% so với một tuần trước.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)