Dầu mỏ: Giá tăng 7 tuần liên tiếp
Giá dầu phiên cuối tuần tăng lên mức cao nhất mới trong vòng 7 năm trở lại đây, kéo dài chuỗi tăng sang tuần thứ 7 liên tiếp do thời tiết khắc nghiệt ở Mỹ và bất ổn chính trị giữa các nhà sản xuất lớn trên thế giới trong bối cảnh lo ngại nguồn cung bị gián đoạn.
Kết thúc phiên thứ 4/2, giá dầu Brent tăng 2,16 USD, tương đương 2,4%, lên 93,27 USD/thùng, trước đó có thời điểm giá chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2014, là 93,70 USD. Dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kết thúc ở mức 2,04 USD, tương đương tăng 2,3%, lên 92,31 USD/thùng, sau khi có lúc giao dịch ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2014, là 93,17 USD.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 3,6%, trong khi dầu WTI tăng 6,3%, đợt tăng giá dài nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Số liệu việc làm của Mỹ tháng 1 đã tăng mạnh một cách đáng ngạc nhiên, bất chấp sự hiện diện của virus biến thể Omicron.
Giá dầu tăng mạnh trong hai phiên cuối tuần khi người mua đổ dồn vào các hợp đồng dầu thô do nhận định các nhà cung cấp thế giới sẽ tiếp tục chật vật để đáp ứng nhu cầu. Các nhà chiến lược thị trường cho biết giá dầu thô, đã tăng khoảng 20% trong năm nay, có khả năng vượt 100 USD/thùng do nhu cầu trên toàn cầu tăng mạnh.
Những cơn bão mùa đông kéo theo tình trạng băng giá ở Mỹ, đặc biệt là ở Texas, cũng làm dấy lên lo ngại về nguồn cung vì giá lạnh cực độ có thể khiến hoạt động sản xuất tạm thời ngừng hoạt động, tương tự như những gì đã xảy ra ở bang này một năm trước. Tuần này, một cơn bão lớn mùa đông đã quét qua Mỹ và làm gián đoạn một số hoạt động sản xuất dầu ở khu vực Vịnh Permian.
Nguồn cung dầu hiện đang thắt chặt đã đẩy chênh lệch giá dầu kỳ hạn giao ngay với kỳ hạn 6 tháng tăng lên 9,06 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 9/2013, khi các thương nhân giải phóng dầu từ kho dự trữ để bán kịp thời nhân lúc giá cao.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết số lượng giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã tăng hai giàn lên 497 trong tuần này, cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020. Mặc dù số lượng giàn khoan dầu đã tăng kỷ lục trong 17 tháng liên tiếp, nhưng mức tăng hàng tuần chủ yếu ở một con số và sản lượng vẫn còn cách xa mức cao kỷ lục trước khi xảy ra đại dịch do nhiều công ty tập trung nhiều hơn vào việc hoàn tiền cho các nhà đầu tư hơn là thúc đẩy sản xuất.
Thị trường dầu cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ những rủi ro địa chính trị khi nhà sản xuất dầu lớn, Nga, đã điều hàng nghìn quân đến biên giới Ukraine, và cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga đứng đầu, còn được gọi là OPEC +, trong tuần này đã nhất trí sẽ tiếp tục tăng sản lượng ở mức vừa phải, là 400.000 thùng/ngày trong tháng 3/2022, trong bối cảnh nhóm này rất khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu hiện nay, bất chấp áp lực từ những nước tiêu thụ dầu lớn nhất trên thế giới yêu cầu tăng sản lượng nhanh hơn.
Iraq, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của OPEC, trong tháng 1 đã bơm dầu ở mức thấp hơn hạn ngạch của OPEC +, trong khhi một thành viên khác của nhóm là Kazakhstan muốn giữ thêm sản lượng dầu lại để cung cấp cho thị trường nội địa nhằm ngăn chặn giá nhiên liệu tăng.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích bắt đầu nhận thấy có yếu tố rủi ro trong đợt tăng giá này. Citi Research cho biết họ hy vọng thị trường dầu mỏ sẽ nhanh chóng chuyển sang trạng thái dư thừa trong quý tiếp theo, giúp kìm hãm đà tăng.
Bjørnar Tonhaugen, người đứng đầu công ty Rystad Energy cho biết: “Không loại trừ mức tăng đột biến đối với dầu thô, đẩy giá lên 100 USD trong ngắn hạn, nhưng rủi ro giảm là rất lớn, bao gồm mức độ tác động của virus Omicron đến nhu cầu không nhiều như dự đoán, lo ngại về tăng trưởng kinh tế và sự điều chỉnh của thị trường tài chính khi các ngân hàng trung ương tung biện pháp chống lại lạm phát”.
Kim loại quý: Giá vàng tăng gần 1%
Giá vàng tăng trong phiên cuối tuần do lo ngại lạm phát ngày càng tăng khiến áp lực tăng giá của đồng USD giảm đi, mặc dù lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh sau dữ liệu việc làm của Mỹ tích cực một cách đáng ngạc nhiên.
Theo đó, giá vàng giao ngay lúc đóng cửa phiên 4/2 tăng 0,1% lên 1.805,95 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức cao nhất một tuần. Tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,8%.
Giá vàng kỳ hạn tháng 4 cũng tăng 0,2% lên 1.807,80 USD lúc kết thúc phiên, sau những giờ giao dịch nhiều biến động.
Ông David Meger, Giám đốc bộ phận giao dịch kim loại tại công ty môi giới đầu tư High Ridge Futures cho biết áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng trong nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, điều này lại đang tạo ra lực đẩy giúp thị trường vàng đi lên.
Báo cáo mới nhất công bố cùng ngày cho thấy số việc làm phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng vượt kỳ vọng thêm 467.000 vị trí trong tháng 1/2022, qua đó làm dấy lên lo ngại về lạm phát và đè nặng lên tâm lý thích rủi ro của các nhà đầu tư.
Nhìn chung, giá vàng đã có một tuần khá thành công với bốn phiên tăng và chỉ một phiên giảm. Giá vàng đã tăng bất chấp kỳ vọng rằng Fed có thể đẩy mạnh tăng lãi suất từ tháng 3/2022, bên cạnh việc rút lại các biện pháp kích thích tiền tệ trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Trong một ghi chú mới đây, ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới OANDA cho hay về mặt kỹ thuật, 1.800 USD/ounce là ngưỡng vô cùng quan trọng đối với giá vàng. Nếu kim loại quý này có thể tiếp tục dao động quanh mức đó, thị trường có thể tiếp tục đi lên.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên cuối tuần tăng 0,2% lên 22,44 USD/ounce, bạch kim giảm 1,1% xuống 1.021,96 USD, trong khi palladium giảm 1,2% xuống 2.297,63 USD/ounce.
Kim loại công nghiệp: Giá tăng nhẹ
Giá đồng và nhôm tăng trong phiên cuối tuần do lượng tồn trữ còn rất ít. Tuy nhiên, lo ngại rằng các ngân hàng trung ương tăng lãi suất sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế đã cản trở đà tăng giá kim loại. Theo đó, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) lúc đóng cửa phiên cuối tuần tăng 0,1% lên 9,838 USD/tấn, tính chung cả tuần giá tăng 3%.
Giá nhôm phiên này cũng tăng 0,9% lên 3.076,50 USD/tấn, kẽm tăng 0,4% lên 3,611 USD, chì tăng 0,5% lên 2.201,50 USD, thiếc tăng 0,5% lên 43.100 USD và nickel tăng 0,6% lên 23.000 USD.
Tính chung cả tuần, giá kim loại cơ bản hầu hết tăng nhẹ.
Nông sản: Giá đậu tương, đường và cà phê tăng, ngô và lúa mì giảm
Phiên cuối tuần, giá đậu tương Mỹ kỳ hạn tương lai tăng gần chạm mức cao nhất trong vòng 8 tháng do thị trường vẫn lo năng suất ở Nam Mỹ giảm do thời tiết, mặc dù một số thương nhân bán kiếm lời sau khi giá tăng mạnh trong tuần này. Giá đậu tương kỳ hạn giao tháng 3 trên sàn Chicago phiên này tăng 9-1/4 cent lên 15,53-1/2 USD/bushel, tính chung cả tuần tăng 5,7%.
Giá ngô cũng tăng một cách vững chắc, với ngô giao cùng kỳ hạn tăng 3-3/4 cent lên 6,20-1/2 USD/bushel nhưng kết thúc tuần giảm 2,4%. Trong khi đó, giá lúa mì hồi phục sau 2 phiên giảm, với lúa mì giao tháng 3 tăng 11-1/2 cent lên 7,63-1/4 USD/bushel, nhưng tính chung cả tuần giảm 2,9%.
Các nhà giao dịch ngũ cốc đang bắt đầu cân bằng các vị thế trong tâm trạng chờ đợi báo cáo cung cầu nông sản của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sẽ công bố vào tuần tới, dự kiến sẽ cho thấy nguồn cung ngũ cốc và hạt có dầu thắt chặt hơn và sản lượng cây trồng ở Brazil và Argentina giảm sút.
Thị trường đang theo dõi nhu cầu nông sản từ Trung Quốc khi các thương nhân ở quốc gia nhập khẩu ngô và đậu tương hàng đầu thế giới quay trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
USDA hôm 4/2 xác nhận doanh số xuất khẩu đậu tương của Mỹ đạt 295.000 tấn cho những người mua không được tiết lộ, đây là thông báo mới nhất trong chuỗi các thông báo bán hàng trong tuần này.
Giá đường thô tăng trong phiên cuối tuần theo xu hướng tăng của toàn bộ các thị trường tài chính – hàng hóa. Một số nhà đầu tư cũng tranh thủ mua lại các hợp đồng sau khi giá giảm xuống mức thấp nhất 3,5 tuần ở phiên trước đó.
Đường thô kỳ hạn tháng 3 phiên này tăng 0,24 cent, tương đương 1,3%, lên 18,23 cent/lb, phiên liền trước đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 10/1, là 17,77 cent. Đường trắng giao tháng 3 cũng tăng 6 USD, tương đương 1,2%, lên 498,50/tấn.
Các đại lý cho biết đường sẽ chật vật để hồi phục về mức trên 19 cent do triển vọng mùa vụ tốt ở các nhà sản xuất chính là Ấn Độ và Thái Lan, cũng như kỳ vọng rằng ngay cả nhà sản xuất hàng đầu Brazil cũng sẽ phục hồi sau giai đoạn thời tiết bất lợi vào năm ngoái.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 trong phiên cuối tuần giảm 2,05 cent, tương đương 0,8% xuống 2,4185 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 5 giảm 7 USD, tương đương 0,3% xuống 2.213 USD/tấn; robusta giao tháng 5 giảm 7 USD, tương đương 0,3% xuống 2.213 USD/tấn.
Mưa ở Brazil đã giúp cải thiện mùa màng ở sản lượng ở nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, sau khi bị thiệt hại nặng nề trong năm ngoái do thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, giá arabica vẫn được hậu thuẫn bởi tốc độ xuất khẩu của Brazil c hậm và lượng dự trữ ở các kho trên sàn ICE giảm, đến ngày 4/2 giảm hơn 23.000 bao xuống 1,11 triệu bao, hướng tới mức thấp nhất trong 20 năm. (Toàn câu chuyện)
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng nhẹ trong phiên cuối tuần do thị trường chứng khoán Tokyo hồi phục và giá dầu tăng cao.
Theo đó, hợp đồng kỳ hạn tháng 7 trên sàn Osaka tăng 0,6 yên, tương đương 0,2%, lên 241,6 yên (2,10 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su đã tăng 0,9% trong tuần, là tuần tăng đầu tiên trong vòng 3 tuần.
Hoạt động giao dịch vẫn thưa thớt vì thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ Tết.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)