1. Phủ Tây Hồ
Phủ Tây Hồ có một vị trí rất đặc biệt – nằm ngay trên một đảo nhỏ nhô ra giữa hồ Tây. Phủ Tây Hồ cách trung tâm Hà Nội tầm 4km hướng về phía Tây. Phủ Tây Hồ gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Ở đây thờ Chúa Liễu Hạnh – một trong tứ bất tử của hệ thống điện thần.

 

Đi lễ đầu năm tại phủ Tây Hồ. Ảnh: TTXVN

 

Phủ Tây Hồ là một trong những địa điểm du xuân ở Hà Nội có tiếng bao đời nay là do người dân tin rằng khi đến đây thì sẽ được xá tội, ban phúc, giải ách. Không chỉ vậy thì ngoài việc đi lễ, mọi người còn được thưởng ngoạn cảnh đẹp của phủ, của hồ Tây, hít thở không khí trong lành, đặc biệt là khi tới Phủ Tây Hồ vào thời điểm sáng sớm.
Vào dịp tết Nguyên đán thì nơi đây thường rất đông, thậm chí còn có nhiều người không thể chen chân và quay về. Thời điểm đông nhất vào khoảng 10h-16h hàng ngày, đặc biệt vào ngày mồng 1,2,3 tết nguyên đán.
2. Đền Quán Thánh
Đền Quán Thánh hay còn được biết tới với cái tên Trấn Vũ Quán được xây dựng từ đời vua Lý Thái Tổ. Đền được xây để trấn phía Bắc thành Thăng Long và thờ một trong Thăng Long tứ trấn là Huyền Thiên Trấn Vũ Đại Đế Quán – thần Huyền Thiên trấn phía Bắc.

 

Cổng đền Quán Thánh, một trong Tứ trấn Thăng Long nơi thờ Tượng Trấn Vũ (Niên đại: khoảng cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII). Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

 

Đền Quán Thánh là một trong những địa điểm sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của Hà Nội từ lâu. Người dân đến đây để cầu tài, cầu lộc, cầu may ngày đâu năm mới.
Theo truyền thuyết cũng như ghi chép xưa thì Huyền Thiên Trấn Vũ là thần giúp dân thành trừ ma, trừ tà, đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Một điểm nữa khiến đây trở nên nổi tiếng là nhờ giá trị văn hóa lâu đời từ những cổ vật như bài thơ, câu đối, bia khắc của những Thám hoa, Tiến sĩ có tiếng đương thời cùng với những bức chạm trổ cầu kỳ trên gỗ.
Bạn nên nhớ một số lưu ý sau khi đi lễ ở đền như: lễ bái từ giữa rồi sau đó là từ phải sang. Lúc vào thì không đi từ cửa giữa mà vào từ một trong hai cửa bên. Không nên đặt tiền thật lên mâm lễ để cúng bái và tiền thật thì chỉ nhét vào hòm công đức, không để ở nhiều nơi như tượng hay các ban thờ.
3. Chùa Trấn Quốc
Cùng với Phủ Tây Hồ, Đền Quán Thánh thì Chùa Trấn Quốc là một trong những địa điểm du xuân ở Hà Nội chắc chắn bạn phải đến trong những ngày đầu năm mới. Không chỉ ngày lễ tết mà những ngày bình thường thì đây cũng rất đông du khách ghé thăm.

Chùa Trấn Quốc là một trong những điểm đón tiếp khách nhiều nhất trong những ngày đầu năm của tết nguyên đán. Trước đây vào thời Lý – thời kỳ phật giáo hưng thịnh thì chùa Trấn Quốc là trung tâm phật giáo của cả kinh thành. Mọi người chủ yếu đến đây để cầu bình an và cầu may mắn trong năm mới. Ngoài ra còn kết hợp với việc du xuân vãn cảnh chùa.
Khi đi vào chùa thì nên đi từ cổng bên phải và ra từ cổng trái, tránh đi từ cổng chính giữa. Ngoài ra thì khi làm lễ bái nên đứng chéo sang một bên, không nên đứng đối diện ban thờ.Ban thờ Phật thì không cúng tiền vàng mã, lễ mặn, bia rượu. Đi lễ chùa chỉ nên dâng lễ hương hoa, quả, kẹo bánh.
4. Chùa Kim Liên
Chùa Kim Liên được xếp hạng thuộc 10 di tích kiến trúc cổ đẹp nhất Việt Nam, với ý nghĩa “bông sen nở trên mặt hồ Tây”. Chùa được xây vào năm 1443 từ thời Lý – Trần. Cũng như những Chùa khác thì Chùa Kim Liên đều có cấu trúc gồm tam quan được chạm khắc tinh xảo.

 

Chùa Kim Liên. Ảnh: Mytour

 

Điểm đặc biệt của ngôi chùa này là từ ánh nhìn ban đầu bạn sẽ liên tưởng đến kiểu kiến trúc đậm chất cung đình của nhà Lý. Bắt đầu từ tam quan là ba nếp xếp theo hình chữ “tam” đối xứng với trục kéo dài đến nhà Tổ. Phía bên ngoài chùa là tấm bia cổ nhất của Hà Nội tính đến thời điểm này.
Chùa Kim Liên có diện tích không quá lớn, tuy nhiên thì không nằm ở khu vực nội thành nên không khí khá yên tĩnh và thoáng đãng. Với lối kiến trúc độc đáo, tinh xảo vẫn còn lưu giữ lại tinh hoa văn hóa tín ngưỡng một thời thì đây luôn là nơi người dân Hà Nội chọn làm địa điểm du xuân tâm linh để cầu may mắn và hạnh phúc dịp đầu năm mới.
5. Đền Ngọc Sơn
Nhắc đến những địa điểm du xuân Hà Nội thì không thể bỏ qua đền Ngọc Sơn – ngôi đền nằm ngay trên hồ Hoàn Kiếm nổi tiếng ở khu vực trung tâm phồn thịnh nhất Hà Nội. Đền Ngọc Sơn có niên đại tầm thế kỷ XIX thờ thần Văn Xương – Thần chủ quản văn chương thi cử cùng với vị Đức đại vương Trần Hưng Đạo.

 

Cổng vào đền Ngọc Sơn. Ảnh: TTXVN

 

Đền Ngọc Sơn bao gồm một quần thể di tích kiến trúc là Tháp Bút đề ba chữ “Tả Thanh Thiên”, Đài Nghiên, cầu Thê Húc, Đắc Nguyệt lâu, Đền Thờ và Trấn Ba Đình ở phía Nam. Trong khu vực đền thờ thì ngoài 2 vị thánh trên còn có Quan Vân Trường, Lã Động Tân và Phật A Di Đà.
Vào dịp Tết nguyên đán thì lượng người đổ về trung tâm thành phố vui chơi là rất nhiều, nhiều người sẽ kết hợp luôn cả việc đi đền lễ bái đầu năm và ngắm cảnh hồ. Mọi người đến Đền Ngọc Sơn để cầu tài, cầu lộc, cầu may. Và đặc biệt hơn cả là cầu học hành, con đường thi đỗ đạt và sự nghiệp học hành có nhiều thành công, thành tựu.
Nguồn: Linh An (Tổng hợp)/bnews.vn