Hiệp định thương mại tự do (FTA) là nét chủ đạo trong hội nhập kinh tế quốc tế và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian qua. Trong 5 năm gần đây, Việt Nam đã ký một loạt các FTA, trong đó có Hiệp định CPTPP, FTA Việt Nam – EU (EVFTA), FTA Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho hay, với những hiệp định này, chúng ta thấy có một đặc điểm khác biệt với các FTA trước đây, đó là mức độ cam kết sâu hơn và diện phủ rộng hơn. Đặc biệt trong CPTPP, phạm vi địa lý của các quốc gia tham gia cũng mở ra khá rộng. Với CPTPP, các quốc gia tham gia nằm ở hai bên bờ của Thái Bình Dương, trong đó về phía khu vực châu Á có Việt Nam, Singapore, Malaysia...
Đánh giá về mức độ tận dụng Hiệp định CPTPP, bà Võ Hồng Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) – cho biết, có 4 quốc gia châu Mỹ tham gia CPTPP là Canada, Mexico, Peru, Chi Lê… trong đó, 3 quốc gia lần đầu tiên chúng ta có quan hệ FTA là Canada, Mexico, Peru; riêng Chi Lê đã có FTA song phương. Kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ tháng 01/2019, chúng ta chứng kiến tăng trưởng nhảy vọt của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP, đặc biệt ở khu vực châu Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ. Như, xuất khẩu sang Canada năm 2021 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2020 và tăng 75% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Hay như đối với Mexico, năm 2021, xuất khẩu sang thị trường này đã có bước nhảy vọt, đạt 4,6 tỷ USD, tăng trưởng trên 100% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang khai thác tương đối tốt các ưu đãi của Hiệp định CPTPP.
Xét về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường thành viên CPTPP, dẫn đầu là điện thoại và linh kiện chiếm 20%; tiếp theo là máy vi tính, thiết bị, sản phẩm điện tử chiếm 16% và máy móc thiết bị phụ tùng 9%; hàng dệt may chiếm 10% và da giày chiếm 7%. Riêng hai mặt hàng này, nhờ lợi Hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp xuất khẩu đã có lợi thế về thuế quan từ 10-20% so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chúng ta. Theo bà Võ Hồng Anh, các doanh nghiệp nên tận dụng triệt để các lợi thế ưu đãi thuế quan này.
Mặt hàng thế mạnh xuất khẩu khác là thủy sản. Đối với thủy sản, hầu hết các thành viên CPTPP đều cam kết giảm thuế quan về mức 0% trong vòng 0-3 năm. Hiện, độ phủ sóng hàng thủy sản Việt Nam tại các thị trường đang ngày tăng cao rõ rệt. Như thị trường Canada, Việt Nam là nhà xuất khẩu tâm hàng đầu, chiếm 34% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Canada; hay cá tra, Mexico là thị trưởng tăng trưởng nóng của cá tra Việt Nam. Mexico là quốc gia nhập khẩu cá tra Việt Nam nhiều nhất trong các nước thành viên CPTPP.
Ngoài ra, nhờ ưu đãi thuế quan, hiện tại Việt Nam đã trở thành 1 trong 5 nhà xuất khẩu đồ gỗ nội thất lớn nhất tại thị trường Canada. Tuy nhiên với Mexico và Chi Lê, thị phần của đồ gỗ Việt Nam còn tương đối nhỏ mới chỉ khoảng trên dưới 1% nên dư địa phát triển mặt hàng này còn lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang có thế mạnh trong xuất khẩu các mặt hàng túi xách, va li, ô dù và các hàng nông sản như chè, hạt điều, cà phê, hạt tiêu…
Đánh giá các thị trường thuộc CPTPP, PGS.TS Lương Đức Long – Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam – cũng cho rằng, thị trường hứa hẹn phát triển có thể là Chile, Mexico và Peru nhưng khó khăn đối với những thị trường này là vấn đề vận tải, do vị trí rất xa.
Ngoài ra, khu vực châu Mỹ, đặc biệt là các quốc gia thuộc Bắc Mỹ như Hoa Kỳ, Canada họ đều đòi hỏi yêu cầu tương đối khắt khe về chất lượng hàng hóa, trong quy trình sản xuất như trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường, tiêu chuẩn lao động… Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp trở ngại về ngôn ngữ khi họ chủ yếu sử dụng tiếng Tây Ban Nha trong kinh doanh, giao tiếp. Ngược lại, mức độ nhận biết của các doanh nghiệp nhập khẩu của khu vực thị trường này đối với quy mô, chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất của Việt Nam còn chưa cao.
Tận dụng mối liên kết kinh tế, mở rộng thị trường
Bên cạnh đó, chúng ta có thể xem xét tận dụng hệ thống hạ tầng thương mại tại các nước CPTPP để tăng sự hiện diện, cũng như dần đưa hàng hóa chúng ta xâm nhập thị trường khu vực này.
Bà Võ Hồng Anh cho rằng, thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu bên cạnh nâng cao kim ngạch xuất khẩu, chúng ta phải xem xét, chú trọng gia tăng giá trị cho sản phẩm của mình qua cải tiến chất lượng sản phẩm, phù hợp tiêu chí, thị hiếu và các yêu cầu của thị trường; đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ trong quy trình sản xuất. Hướng tới các sản phẩm xanh, phát triển bền vững để phù hợp với thị trường đích đến của mình. “Lời khuyên cho doanh nghiệp đó là cần tìm hiểu kỹ thị trường, hiểu về nhu cầu của họ. Chúng ta không bán cái ta có mà phải bán cái thị trường cần” – bà Võ Hồng Anh chia sẻ và cho rằng, với mạng lưới FTA bao phủ, rộng khắp như vậy chúng ta có thể tận dụng những mối liên kết kinh tế này để đưa hàng hóa tiếp cận sang các thị trường rộng lớn hơn của châu Mỹ. Đáng chú ý như Canada, Mexico cùng tham gia Hiệp định USMCA với Hoa Kỳ, hay Chi Lê, Mexico đều có FTA với hầu hết các nước khu vực châu Mỹ La Tinh.
Không những thế, doanh nghiệp có thể xem xét khả năng hợp tác sản xuất đối với các nước thành viên CPTPP. Ví dụ xuất khẩu nguyên vật liệu hoặc sản phẩm chế biến thô sang thị trường này sau đó hợp tác liên doanh sản xuất, gia công, chế biến thành các sản phẩm hoàn thiện và tiếp tục xuất khẩu sang thị trường đối tác mà các nước này họ có FTA, với điều kiện đáp ứng được quy tắc xuất xứ trên cơ sở việc tận dụng quy tốc xuất xứ cộng gộp. Qua đó tận dụng ưu đãi thuế để xuất khẩu sang nước thứ ba.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể xem xét tận dụng hệ thống hạ tầng thương mại tại các nước CPTPP để tăng sự hiện diện, cũng như dần đưa hàng hóa chúng ta xâm nhập thị trường khu vực này. Ví dụ ở Bắc Mỹ có hệ thống phân phối Walmart, Costco… hay hệ thống bán lẻ Fallabella, Sodimac, Cencosud ở Mỹ Latinh.
Ngoài ra, logistics, vận tải cũng đang là trở ngại để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường châu Mỹ. Bà Võ Hồng Anh cũng gợi mở, các doanh nghiệp có thể xem xét tận dụng cơ sở hạ tầng logistics của các nước thành viên CPTPP để xuất khẩu hàng hóa. Như Canada có hệ thống đường sắt nội địa rất phát triển, với khối lượng trung chuyển lớn nhất khu vực. Từ hệ thống đường sắt này của Canada hàng hóa chúng ta có thể vươn tới các thành phố khác của Hoa Kỳ, Mexico và cũng như các nước Nam Mỹ.
Hay xuất khẩu hàng hóa sang Chi Lê thông qua trung tâm logistics vùng Iquique … Từ đây sẽ có tuyến vận tải đường bộ để liên kết với khu vực thị trường rộng lớn hơn khoảng 200 triệu dân của Argentina, Brazil, Peru…
“Đây cũng là hướng mà chúng tôi có thể gợi ý để doanh nghiệp xem xét, tận dụng các mối liên hết, cũng như hạ tầng để xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ”- bà Võ Hồng Anh nhấn mạnh. 
 

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công Thương