Theo đó, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong các quy định như có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên; Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên, nhưng đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 4 của Phụ lục trong Thông tư; Được sản xuất tại lãnh thổ của một nước thành viên từ các nguyên liệu có xuất xứ của một hay nhiều nước thành viên khác...
Hàng hóa đáp ứng các yêu cầu xuất xứ quy định trên sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang một nước thành viên và sau đó tái xuất khẩu sang một nước thành viên khác.
Cơ quan Hải quan nước thành viên nhập khẩu có thể từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan nếu: Hàng hóa không đáp ứng các quy định về xuất xứ. Hoặc người nhập khẩu, người xuất khẩu, hoặc nhà sản xuất hàng hóa không đáp ứng bất kỳ quy định nào.
Để được hưởng ưu đãi thuế quan, hàng hóa phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do tổ chức hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp.
Mỗi nước thành viên có trách nhiệm gửi danh sách tên, địa chỉ, mẫu chữ ký của cán bộ ký cấp C/O và mẫu con dấu của tổ chức cấp C/O cho tất cả các nước thành viên khác thông qua Ban Thư ký ASEAN.
C/O có chữ ký không được đăng ký trong danh sách trên có thể không được cơ quan Hải quan nước nhập khẩu chấp nhận.
Tổ chức cấp C/O có quyền yêu cầu người xuất khẩu nộp thêm tài liệu và/hoặc các thông tin liên quan khác để kiểm tra theo quy định của nước thành viên xuất khẩu, như: Thông tin của người xuất khẩu; thông tin về lô hàng (Mỗi một C/O chỉ được áp dụng cho một lần nhập khẩu hàng hoá); Cảng dỡ hàng (nếu có); Mô tả chi tiết hàng hóa; Tiêu chí xuất xứ liên quan...
C/O phải được cấp trong thời gian sớm nhất, nhưng không quá 3 ngày làm việc tính từ ngày xuất khẩu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ hôm nay ngày 1/10/2015.
An Nhiên