Savun Sim – một ngư dân Mỹ gốc Campuchia - chán nản nhìn mớ tôm được bốc lên khỏi hầm nước đá của chiếc tàu kéo. Giá tôm hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2009, do sức ép giảm giá của tôm nhập khẩu từ châu Á. Sim bán tôm cho vựa hải sản Ditcharo Seafood ở Buras, bang Louisiana với giá 75 xu Mỹ một pound (1 pound = 0,45 kg) và tính ra thu nhập từ chỗ tôm nặng 2.600 pound này chỉ vừa đủ trang trải chi phí nhiên liệu của chuyến đi biển 2 ngày trong vịnh Mexico.

 Người đánh bắt tôm của Mỹ có thể bị loại khỏi thị trường

Giá giảm và triển vọng mở cửa thị trường Mỹ cho thủy sản châu Á theo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là nỗi lo đang đè nặng lên cộng đồng ngư dân Mỹ gốc châu Á sinh sống tại vùng châu thổ sông Mississippi này.

Đánh bắt tôm là một trong nhóm các ngành công nghiệp Mỹ - bên cạnh ngành dệt may, xe hơi và mía đường – được coi là sẽ bị ảnh hưởng xấu bởi Hiệp định TPP. Theo Reuters, TPP không chỉ làm cho Mỹ thêm khó ngăn chặn làn sóng nhập khẩu tôm từ châu Á mà giá tôm rẻ hơn còn có khả năng loại các cộng đồng ngư dân Mỹ ra khỏi thị trường – điều mà trận siêu bão Katrina và thảm họa tràn dầu của hãng BP đã không làm nổi.

“Chúng tôi không thể làm ra tiền. Có lẽ tôi sẽ mất con thuyền nếu giá cứ xuống như thế này. Bây giờ tiền chúng tôi làm ra chỉ đủ trả tiền dầu”, ông Sim nói với hãng Reuters trên boong con thuyền Miss Wannda của mình.

Hiệp định TPP được coi là một chính sách trọng tâm của Tổng thống Barack Obama nhằm tái khẳng định sức mạnh kinh tế của Mỹ ở châu Á. TPP gồm 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam và Malaysia – lần lượt xếp hạng thứ tư và thứ tám trong danh sách các nước xuất khẩu tôm lớn nhất vào thị trường Mỹ (và cũng là hai nước bị phê phán nhiều nhất vì sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản).

Tôm sú và các loài giáp xác (sweet crustacean) là món thủy sản ưa thích của người Mỹ; năm 2013 thị trường này tiêu thụ 1,3 tỉ pound tôm các loại; 90% trong số đó là tôm nhập khẩu, phần lớn từ Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc và Ecuador. Do các vùng nuôi tôm của Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan bị dịch bệnh vào năm 2013-2014, giá tôm nhập khẩu có thời điểm đã lên cao hơn; nhưng chẳng bao lâu sau, các nước Indonesia và Ấn Độ tăng mạnh sản lượng, gây sức ép lên giá bán và lên những nhà xuất khẩu khác như Việt Nam. Tuy vậy, trong những tháng đầu năm 2015, giá trị tôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ đã vượt qua con số kỷ lục lập được năm 2006, trước thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm cho sức mua bị giảm sút.

Mỹ làm sao bảo hộ thị trường?


Cộng đồng ngư dân đánh bắt tôm ở vùng Vịnh Mexico gồm hầu hết là người Đông Nam Á di cư tới Mỹ trong và sau thời kỳ chiến tranh, sử dụng kỹ năng đi biển và đánh bắt tôm cá ven bờ để sinh sống; người gốc Việt Nam và Campuchia chiếm 40% dân số của các cộng đồng này.

Ông Trần Thiệu, ngư dân đã rời Việt Nam 30 năm trước, hiện sống ở thành phố New Orleans, công nhận rằng nuôi và chế biến tôm xuất khẩu đã góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào ở quê hương Việt Nam của ông. Ông nói TPP sẽ góp phần đẩy nhanh sự cải thiện này song ông nghĩ Washington nên có biện pháp bảo vệ người nuôi tôm và đánh bắt tôm ở Mỹ. “Chúng tôi lo rằng, giá tôm sẽ loại chúng tôi ra khỏi việc kinh doanh”, ông Trần nói.

Thực tế, số việc làm trong ngành hải sản trị giá 1,9 tỉ đô la Mỹ của tiểu bang Louisiana đã giảm từ 46.389 người năm 2003 xuống còn 33.391 người năm 2012, theo số liệu của Cục Hải dương và Khí hậu quốc gia Hoa Kỳ. Trong thời gian này, 20 nhà máy chế biến thủy sản đã phải đóng cửa. Với Hiệp định TPP sắp được ký kết, người ta cho rằng tình hình sẽ còn tồi tệ hơn cho cư dân vùng Vịnh Mexico.

Hiện thời, nước Mỹ chỉ có thể ngăn dòng hải sản nhập khẩu bằng cách áp thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá khi chứng minh được sản phẩm nhập khẩu được bán dưới giá thành. Tuy nhiên, mới đây Bộ Thương mại Mỹ đã phải điều chỉnh giảm thuế đối với mặt hàng tôm Việt Nam từ mức trung bình 6,4% xuống còn 0,9% sau khi tính toán lại và xác nhận không có chuyện bán phá giá.

Ngoài hàng rào thuế quan có thể bị dỡ bỏ sau khi TPP có hiệu lực, ngành nuôi tôm vùng Vịnh Mexico hy vọng Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (USFDA) đầy quyền lực sẽ đẩy mạnh việc điều tra, xét nghiệm dư lượng thuốc kháng sinh trên tôm nhập khẩu, không cho phép nhập vào Mỹ những lô hàng có chất cấm, từ đó hỗ trợ người nuôi tôm trong nước. Hiện thời, USFDA chỉ có khả năng kiểm tra khoảng 1% lượng thủy sản nhập khẩu; nhưng với TPP hoạt động kiểm tra này có thể sẽ càng khó khăn hơn và chính quyền Mỹ có thể bị doanh nghiệp kiện nếu hành động không phù hợp với tinh thần mở cửa thông thoáng của Hiệp định, theo Giám đốc Hiệp hội Tôm Louisiana Clint Guidry.

Tuy vậy, cơ quan thương mại Mỹ vẫn nhấn mạnh rằng, TPP sẽ nâng cao tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đối với các nước thành viên, buộc các nước này phải sản xuất phù hợp với các tiêu chuẩn dựa trên khoa học của Mỹ. Matthew McAlvanah, phát ngôn viên của Đại diện Thương mại Mỹ nói: “TPP không yêu cầu hạ thấp tiêu chuẩn an toàn thực phẩm hoặc thay đổi các điều luật và quy định hiện hành của Mỹ. Nó [TPP] trái lại còn bao gồm những điều khoản cứng rắn hơn về hải quan, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, giúp chúng ta chống lại việc kinh doanh bất hợp pháp, kể cả thủy sản, và nhận diện những nguy cơ an toàn thực phẩm trước khi hàng hóa cập cảng tại Mỹ”. Các nhà nuôi tôm Mỹ đã nhiều lần phàn nàn tôm Trung Quốc “đội lốt” Malaysia để nhập vào Mỹ, tránh thuế chống bán phá giá khá cao đối với tôm Trung Quốc.

Mối lo của người nuôi tôm Việt Nam

Bên cạnh mối lo giá giảm và tác động của TPP, tồn dư lượng thuốc kháng sinh trong sản phẩm cũng là mối quan tâm lớn của nhà xuất khẩu tôm Việt Nam.

Tại hội chợ quốc tế VietFish ở TPHCM mới đây, nhiều nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng TPP sẽ buộc người nuôi tôm phải từ bỏ việc sử dụng thuốc kháng sinh, tuân thủ quy tắc về nguồn gốc xuất xứ, các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và lao động. Tất cả những yêu cầu này sẽ làm giá thành sản phẩm bị đội lên cao, trong lúc giá thị trường đang trong xu hướng đi xuống, đặt người nuôi tôm và chế biến xuất khẩu trước một tình huống tiến thoái lưỡng nan.

Ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước ở Đà Nẵng còn lo ngại thiếu nguồn tôm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Do sản lượng tôm nuôi của Việt Nam không đủ cung ứng cho các nhà máy nên Việt Nam phải nhập khẩu tôm từ Ấn Độ về chế biến rồi xuất khẩu. Với hiệp định TPP, hoạt động này không còn tiếp tục được nữa vì Ấn Độ không phải là thành viên TPP; chế biến tôm nhập khẩu từ Ấn Độ sẽ khiến nhà xuất khẩu Việt Nam không đáp ứng được quy tắc xuất xứ và do vậy có thể bị mất ưu đãi về thuế quan khi xuất hàng vào Mỹ.

Còn tăng nhanh sản lượng tôm nuôi của Việt Nam là công việc đòi hỏi nhiều thời gian và vốn liếng, không thể triển khai ngay được, chưa kể rằng làm ra con tôm với giá thấp hơn giá tôm Ấn Độ - nước xuất khẩu tôm lớn nhất vào thị trường Mỹ - cũng là một bài toán không dễ có lời giải.

Theo Thanh Bình

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn