“Nhiều người lo ngại về sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam khi ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam - EU và lo hàng nhập khẩu EU tràn vào”.
Ông Erwin Schweisshelm, Trưởng đại diện Viện FES (Đức) tại Việt Nam, chia sẻ tại buổi tọa đàm “Hiệp định Thương mại Tự do đối với DN, phân tích từ góc độ pháp lý” do báo Pháp Luật TP.HCM và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM (SCIS) tổ chức chiều 27-8.
Tuy nhiên, ông Erwin Schweisshelm cho rằng khi Việt Nam đã chấp nhận cuộc chơi hội nhập thì phải chấp nhận sự phân hóa, sàng lọc. Điều này có nghĩa DN có năng lực, có nguồn vốn, đầu tư chất lượng giá trị sản phẩm thì phát triển. Còn thiếu vốn, không đủ năng lực… thì khó tránh khỏi phá sản. Chẳng hạn như nhập khẩu thịt từ EU vào Việt Nam sẽ cạnh tranh rất lớn với ngành chăn nuôi, do vậy bản thân DN phải cố gắng, yếu thì có thể chết hẳn, còn lại những DN mạnh.
Lợi tỉ đô nhưng khó lấy
Ông Erwin Schweisshelm cho biết hiệp định FTA Việt Nam - EU là hiệp định đầu tiên mà EU ký với quốc gia châu Á, nó được xem như chuẩn mực cho những FTA sau này của EU. Dự kiến cuối 2016 FTA có hiệu lực. Khi hiệp định có hiệu lực, kinh tế Việt Nam sẽ có thay đổi cực kỳ lớn. Theo đó, 99% dòng thuế nhập khẩu giữa Việt Nam-EU sẽ được bãi bỏ. Khoảng 65% mặt hàng Việt Nam sẽ được miễn thuế khi hiệp định có hiệu lực. Ngành nông sản, thủy sản, dệt may và da giày của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, phía EU đều chấp nhận đưa thuế về 0%, lộ trình tối đa là bảy năm. Tuy nhiên, quy định xuất xứ rất chặt chẽ.
“Chẳng hạn hàng dệt may, quy tắc xuất xứ gồm hai công đoạn, tức vải và may phải làm ở Việt Nam. Điều này dễ đáp ứng hơn so với quy tắc phải làm từ sợi trở đi (tức là phải làm ba công đoạn từ sợi, vải đến may mới được hưởng ưu đãi) mà Mỹ yêu cầu trong tất cả cuộc đàm phán FTA” - ông nói.
Ông Erwin cho rằng hiện nay ngành dệt, nhuộm ở Việt Nam chưa phát triển, phải nhập khá nhiều nguyên phụ liệu, đặc biệt từ các nước khác trong khu vực như Trung Quốc. Trong khi nếu nhập từ Trung Quốc thì không được hưởng thuế suất. Vì vậy DN Việt phải tự làm và sẽ rất khó khăn.
Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, cho hay FTA Việt Nam-EU có hiệu lực, nhiều mặt hàng thủy sản được giảm thuế nhập khẩu về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, mặt hàng nào lâu thì cũng chỉ tối đa ba năm sau khi hiệp định có hiệu lực thuế sẽ về 0% như con cá tra, tôm. Như vậy, các DN ngành này sẽ tiết kiệm được hàng chục triệu USD tiền thuế mỗi năm.
Tuy vậy, ông Bình cũng lo ngại cho sức cạnh tranh những sản phẩm thịt heo, bò, gà… của Việt Nam. Bởi EU với ngành chăn nuôi phát triển, chất lượng, giá lại rẻ nhập vào Việt Nam sẽ đặt thách thức đối với ngành chăn nuôi Việt Nam.
“Lộ trình giảm thuế về 0% các mặt hàng này là 7-10 năm cũng là thời gian dài đủ để DN, nông dân Việt Nam chuẩn bị cạnh tranh” - ông Bình nói.
Mù mờ thông tin
Thực tế đáng buồn trong việc chuẩn bị cho hội nhập FTA mà TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc SCIS, chỉ ra chính là thiếu thông tin. Không chỉ FTA Việt Nam-EU đã ký kết sắp có hiệu lực mà tháng 12-2015 nước ta sẽ chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế chung Asean (AEC) nhưng nhiều DN vẫn còn mù mờ thông tin, thậm chí không biết đến nó.
Ông Vũ nói: “Ở giai đoạn đầu khởi xướng đàm phán thì có thể Chính phủ quyết định, đàm phán. Nhưng sau khi đàm phán xong, quá trình ký kết thì Quốc hội, đại biểu người dân cần được biết. Từ nay đến cuối 2016, đầu 2017 khi FTA Việt Nam-EU có hiệu lực thực thi chính là thời gian để công bố cung cấp thông tin đầy đủ cho DN, người dân”.
TS Vũ cho rằng liên kết liên doanh với các DN nước ngoài như DN dệt may đang làm với các nhà đầu tư Trung Quốc, Hong Kong để xây dựng vùng sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam nhằm đáp ứng các quy định FTA là một giải pháp.
Còn ông Erwin Schweisshelm chia sẻ có ý kiến Việt Nam ký kết FTA với EU là lấy tôm, cá… giá trị thấp để đổi hàng nhập khẩu giá trị cao từ EU như máy móc, thiết bị, dược phẩm. Về cơ bản là đúng do trình độ phát triển kinh tế khác nhau, Việt Nam đang tận dụng những ngành sử dụng nhiều lao động, Đức thì muốn xuất khẩu những mặt hàng giá trị gia tăng cao. DN Việt Nam hoàn toàn tận dụng được lợi ích đó. Ngay chính trong hiệp định FTA Việt Nam-EU cũng nói EU sẽ hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho DN Việt Nam.
“Tuy vậy, trong thời gian đầu không thể tăng xuất khẩu tôm, cá tra, dệt may mà để làm được điều này DN Việt cần chuẩn bị tốt các chuẩn mực về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, môi trường…” - ông Erwin Schweisshelm gợi ý.
Cũng theo ông Erwin, trong việc thông tin về các FTA thì vai trò của các tổ chức xã hội dân sự, hiệp hội ngành hàng rất quan trọng chứ không chỉ trông chờ vào chính phủ.
“Ở Đức có hiệp hội DN thu thập thông tin về cơ hội, lợi ích cũng như khó khăn khi tham gia FTA. Hiệp hội những người sản xuất thịt cũng thu thập thông tin về FTA để chỉ cho hội viên nông dân biết đến cơ hội và họ biết phải làm gì” - ông Erwin Schweisshelm nói.
Cần có DN trong đoàn đàm phán
Ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Chánh Tinh Anh, cho rằng trong đoàn đàm phán các hiệp định cần có đại diện DN, hiệp hội và chuyên gia, những người am hiểu thực tế. Ngoài ra cũng nên hỏi ý kiến họ khi tiến hành ký kết.
Hiện nay thuế nhập khẩu thông thường vào EU trung bình 6,5%. Nếu chỉ cần căn cứ vào tổng xuất khẩu của Việt Nam sang EU năm 2014 gần 27 tỉ USD thì số thuế tiết kiệm được cho DN có thể lên tới trên 1 tỉ USD. Đó là chưa kể xuất khẩu của ta sẽ tăng lên nhờ FTA này có hiệu lực.
Theo Quang Huy
Pháp luật TPHCM