Bên cạnh cơ hội là những bất cập liên quan đến quy định kiểm dịch động thực vật của Nga. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam liên tục phải có sự điều chỉnh để có thể xuất khẩu vào thị trường Nga, nhưng hiện nay số DN mà phía Nga duyệt cho đạt yêu cầu chiếm khá nhỏ so với đăng ký.

Đây là những ý kiến của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tại buổi tọa đàm trực tuyến “FTA Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU): để Doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội”, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào sáng ngày 19/8.

Ông Nam cũng kỳ vọng với những cơ hội sau khi Hiệp định này được ký kết, sẽ hóa giải được những bất cập trên. Theo ông Nam, khi chưa có FTA, vì gặp phải nhiều vướng mắc nên giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường của Liên minh Kinh tế Á – Âu chưa được nhiều lắm. Mỗi năm khoảng 110 triệu USD, tức là chỉ hơn 1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của nước ta.

Về quy tắc xuất xứ, ông Dương Hoàng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu, Bộ Công thương chia sẻ, trong Hiệp định có một chương kỹ thuật về quy tắc này. DN muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Ví dụ như cá ngừ, tôm được phép nhập khẩu nguyên liệu về để chế biến xuất khẩu, tuy nhiên phải đáp ứng hàm lượng nội địa từ 40% trở lên, DN cần phải nghiên cứu rất kỹ chương này.

Ông Minh cũng cảnh báo một vấn đề mà các nước trong Liên minh đặc biệt quan tâm. Đó là, lô hàng của VN xuất khẩu vào Liên minh thì phải xuất khẩu thẳng, không được qua nước thứ ba, hoặc là chỉ được phép quá cảnh qua nước thứ ba nhưng không được chia nhỏ lô hàng khi đi qua nước đấy.

Đối với điều khoản mua bán trực tiếp, theo ông Minh hiện nay trong FTA với các đối tác khác thì cho phép mua hàng có xuất xứ từ một nước tham gia hiệp định, nhưng có hóa đơn từ nước khác. Nhưng đối với Liên minh kinh tế Á – Âu, họ đưa ra danh sách một số quốc gia họ miễn thuế, nếu hóa đơn xuất phát từ những nước này thì sẽ không được hưởng ưu đãi.

Cuối cùng ông Minh khuyến cáo DN về điều khoản tạm ngừng ưu đãi, điều khoản này cho phép bên nhập khẩu tạm ngừng ưu đãi thuế quan nếu phát hiện gian lận xuất xứ, hoặc bên xuất khẩu không hợp tác đầy đủ về chứng minh quy tắc xuất xứ với bên nhập khẩu. Trước hết là tạm ngừng ưu đãi đối với DN đó, sau đó có thể là cả ngành hàng xuất khẩu.

Vũ Nguyệt