Theo khảo sát của phóng viên Vinanet tại Hưng Yên cho thấy, một kg nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGap có giá bán tại vườn từ 35.000 – 40.000đ/kg, cao hơn nhãn trồng theo phương thức truyền thống từ 15.000 – 20.000đ/kg. Hầu hết các chủ vườn đều cảm thấy phấn khởi trước cơ hội đưa nhãn lồng Hưng Yên ra thị trường nước ngoài. 

Ông Đoàn Hữu Tỉnh, người trồng nhãn tại xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu tâm sự, mặc dù trồng nhãn VietGap vất vả hơn so với truyền thống nhưng giá bán lại cao hơn nên người trồng rất vui. “Chúng tôi rất phấn khởi trước thông tin nhãn lồng Hưng Yên sẽ có cơ hội xuất khẩu, tôi mong các cơ quan chức năng có giải pháp để người nông dân chúng tôi có thị trường xuất khẩu bền vững”, ông Tỉnh nói.

Bà Trần Thị Bắc, Tổ trưởng tổ sản xuất nhãn Thế Châu, huyện Khoái Châu cho biết, Hưng Yên đã xây dựng được vùng trồng, dù chưa lớn nhưng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Bà Bắc tin rằng, với thị trường ASEAN, sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên hoàn toàn có thể đáp ứng.

Ông Trịnh Văn Thinh, Chủ nhiệm HTX Nhãn Hồng Nam, tỉnh Hưng Yên cho biết thêm, vừa rồi quả nhãn Hưng Yên đã được mang đi kiểm định, các tiêu chuẩn đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu. So với các nước trong khu vực đặc biệt là Thái Lan, nhãn lồng Hưng Yên có giá bán thấp hơn khoảng 10%, đây chính là các lợi thế để nhãn Việt Nam vào thị trường ASEAN. 

Ông Đặng Minh Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong đó nhấn mạnh giải pháp chăm sóc và trồng đảm bảo yêu cầu của xuất khẩu. 


Theo ông Ngọc, tỉnh Hưng Yên đang phối hợp với Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương để hướng dẫn cấp phép vùng sản xuất nhãn xuất khẩu, hướng dẫn người nông dân sản xuất theo Vietgap. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng xúc tiến thương mại để đưa nhãn lồng Hưng Yên đến các siêu thị và các thị trường tiềm năng, đặc biệt quan tâm đến thị trường nước ngoài như ASEAN, Nhật Bản, Úc, hay Mỹ. 
Vũ Nguyệt