Giá vàng trong nước
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chốt giá cuối tuần ở mức mua vào 44,05 - 44,4 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ so với đầu ngày 15/2/2020. Dù vậy tính chung suốt tuần, mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng thêm 200.000 – 300.000 đồng/lượng. Trong đó, SJC tăng giá chiều mua vào mạnh hơn với mức 300.000 đồng/lượng trong khi chiều bán ra chỉ tăng 200.000 đồng/lượng. Điều này giúp rút ngắn mức chênh lệch mua bán từ 450.000 đồng/lượng vào cuối tuần trước xuống còn 350.000 đồng/lượng.
Sau ngày vía Thần tài, giá vàng trong nước tăng liên tục theo thị trường thế giới. Tuy nhiên thị trường vàng khá ổn định và giao dịch không sôi động như tuần trước đó.
Giá vàng thế giới
Trên thị trường thế giới, giá vàng chốt phiên cuối tuần đạt 1.584 USD/ounce, tăng thêm 14 USD/ounce so với cuối tuần trước đó. Nếu quy đổi theo tỷ giá USD tại ngân hàng Vietcombank thì giá vàng thế giới tương đương khoảng 44,5 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).
Giá vàng thế giới trong tuần qua cũng liên tục đi lên nhưng không quá mạnh. Các hợp đồng vàng tương lai tiếp tục tăng vào ngày 14/02/2020 để ghi nhận đà tăng nhẹ trong tuần qua, khi nhà đầu tư cố gắng đánh giá tác động của sự lây lan COVID-19 ở Trung Quốc, MarketWatch đưa tin.
Craig Erlam, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định. “Chúng ta có sự hoảng loạn không thể tránh khỏi để bắt đầu và sau đó, khi thực tế trở nên tồi tệ hơn lo ngại, sự bình tĩnh đã được khôi phục và các thị trường chứng khoán đã tự quay về khu vực cao kỷ lục”. Vào ngày 14/02/2020, vàng đã tăng khi các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm nhẹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/02/2020, hợp đồng vàng giao tháng 4 tăng 7,6 USD (tương đương 0.5%) lên 1.586,4 USD/oz và tăng 0.8% trong tuần qua. Hợp đồng này đã đóng cửa tại mức cao nhất kể từ ngày 31/01/2020, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Theo CNBC, cũng trong ngày 14/02/2020, hợp đồng vàng giao ngay cộng 0.3% lên 1,581.25 USD/oz.
Lo ngại ngày càng tăng về sự bùng phát virus corona ở Trung Quốc đã giúp củng cố vàng và các tài sản trú ẩn an toàn khác, đặc biệt khi chứng khoán và các tài sản rủi ro chịu áp lực bán tháo.
Vào ngày thứ Sáu, Trung Quốc cho biết 121 người nữa đã tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca tử vong lên 1,381 người. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc báo cáo có 5,090 ca nhiễm virus corona mới ở Trung Quốc đại lục, đưa tổng số ca nhiễm lên 63,851 người. Con số ca nhiễm mới nhảy vọt trong ngày thứ Năm (13/02) sau sự thay đổi phương pháp thống kê của Chính quyền.
Vàng tăng giá bất chấp đồng USD treo cao sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hôm 12/2 nhắc lại sự tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Mỹ tại cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, ngay cả khi cho rằng dịch viêm phỏi do virus Corona sẽ sớm gây tác dộng tới Mỹ.
Ông Powell cũng đề cập tới việc các nhà máy bị đóng cửa và các lệnh cấm đi lại được ban hành nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh được cho là sẽ khiến các chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Đồng USD đang được giao dịch ở mức cao cũng góp phần kéo giá vàng đi xuống nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy giới đầu tư tìm kiếm một kênh an toàn.
Trong số các kim loại trên sàn Comex, hợp đồng bạc giao tháng 3 tiến gần 0,7% lên 17.734 USD/ounce và nhích 0,2% trong tuần qua.
Trong khi đó, hợp đồng bạch kim giao tháng 4 lùi 0,6% xuống 968.80 USD/ounce và giảm 40 xu từ đầu tuần đến nay. Hợp đồng paladi giao tháng 3 mất 1.5% còn 2,316.70 USD/ounce, nhưng vẫn vọt 4,8% trong tuần qua. Hợp đồng đồng giao tháng 3 rớt 0,5% xuống 2.5995 USD/ounce. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng 1.8%.
Các chuyên gia nhận định ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, giá vàng vẫn dự kiến sẽ giao dịch trong phạm vi 1.550- 1.600 USD/ounce. Giá kim loại quý được hỗ trợ còn do những bất ổn như các ngân hàng trung ương lớn điều chỉnh hạ lãi suất, căng thẳng tại Trung Đông và các rủi ro chính trị khác. Trong tuần qua, lượng vàng dự trữ do quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ tăng 0,67% lên 922,23 tấn.

Nguồn: VITIC