Ông Vicent Nguyen, Quản lý danh mục đầu tư Quỹ AFC Vietnam Fund

Ảnh hưởng của lạm phát tới chứng khoán: Mối lo nhỏ, niềm tin lớn ảnh 1 

Lạm phát tăng có nghĩa là giá cả hàng hóa tăng mạnh, điều này sẽ làm đội chi phí đầu vào của nhiều doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp đầu ra hưởng lợi. Chẳng hạn, giá thép tăng vọt đã giúp các tập đoàn sản xuất thép thu về khoản lợi nhuận lớn, hay giá gạo tăng cao giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thêm lợi nhuận…
Nhưng giá thép tăng khiến không ít doanh nghiệp xây dựng điêu đứng vì đã chốt giá xây dựng với chủ đầu tư từ trước, nhất là khi giá các vật liệu xây dựng khác cũng tăng, sẽ bào mòn lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.
Các công ty trong lĩnh vực vận chuyển, sản xuất thức ăn chăn nuôi hay sản xuất các sản phẩm có đầu vào từ xăng dầu cũng bị ảnh hưởng đáng kể khi giá nguyên liệu này trên thế giới tăng mạnh, trong khi Việt Nam là nước nhập khẩu xăng dầu. Thực tế, giá xăng dầu tăng cao gây ảnh hưởng gián tiếp đến hầu hết các ngành thông qua chi phí logistic và vận chuyển.
Nguyên nhân lạm phát toàn cầu xảy ra do nhu cầu tiêu dùng sau đại dịch Covid-19 đột ngột tăng mạnh, lượng tiền bơm ra thị trường nhằm hỗ trợ kinh tế bởi các ngân hàng trung ương lớn ở mức kỷ lục, trong khi nguồn cung hàng hóa bị giới hạn bởi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn do thương chiến và đại dịch.
Do đó, hầu hết các ngân hàng trung ương đang đứng trước ngã ba đường, vì kiểm soát lạm phát bằng cách tăng lãi suất sẽ triệt tiêu tăng trưởng, thậm chí đẩy kinh tế rơi vào suy thoái.
Tại Việt Nam, áp lực tương tự là có, nhưng ở mức độ thấp do kinh tế đang tăng trưởng tốt và tiền không được bơm ồ ạt ra thị trường như các nước phát triển, mà thay vào đó là kích thích kinh tế thông qua hoãn thuế, phí.
Ngoài ra, trong rổ CPI, lương thực, thực phẩm chiếm chủ yếu, trong khi Việt Nam là nước nông nghiệp, có ưu thế trong việc kiểm soát giá lương thực, thực phẩm.
Tuy nhiên, không thể ỷ lại vào những yếu tố này, Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi sát sao biến động của thị trường để can thiệp kịp thời như điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt…
Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI

Ảnh hưởng của lạm phát tới chứng khoán: Mối lo nhỏ, niềm tin lớn ảnh 2 

Giá hàng hóa cơ bản tăng trong 4 tháng đầu năm 2021 trên quy mô toàn cầu có tác động đến mặt bằng giá nguyên vật liệu là đầu vào của sản xuất tại Việt Nam. Ví dụ, giá sắt, thép tăng bình quân gần 24%, nhóm nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 5 - 9%.
Diễn biến tăng giá này khiến chỉ số giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất (PPI) tháng 4/2021 tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước và có thể còn tăng cao hơn trong tháng 5, nhưng ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng chỉ ở mức thấp do cơ cấu rổ hàng hóa CPI và PPI là khác nhau, cũng như không phải ngành nào cũng có khả năng chuyển được hết mức tăng từ chi phí đầu vào đến giá thành.
Nói một cách đơn giản hơn, tại Việt Nam, việc chuyển mức tăng PPI vào trong CPI là khá hạn chế.
Còn về chuyện nhập khẩu lạm phát, khi giá cả hàng hóa thế giới tăng sẽ có tác động tới Việt Nam, nhưng ảnh hưởng như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Ví dụ, hiện nay, VND khá ổn định, thậm chí còn tăng giá nhẹ, nên ảnh hưởng từ tỷ giá là không có, chưa kể đến việc Việt Nam vẫn xuất siêu trong 4 tháng đầu năm.
Trong ngắn hạn, lạm phát tháng 5 so với cùng kỳ có thể tăng, do nền giá của giai đoạn tháng 5/2020 ở mức thấp, nhưng dự báo vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ đề ra cho cả năm 2021 là 4%. Tính chung cả năm, ít có khả năng lạm phát vượt được ngưỡng này.
Lạm phát thường được hiểu theo nghĩa xấu, nên mọi người thường nghĩ lạm phát tăng thì thị trường chứng khoán sẽ giảm.
Tuy nhiên, thị trường chỉ xấu đi nếu lạm phát ở mức không kiểm soát được, đi kèm với việc tăng lãi suất và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Còn trong trường hợp triển vọng kinh tế hồi phục mạnh mẽ, đẩy mặt bằng giá cả hàng hóa tăng theo - nhưng vẫn trong khả năng kiểm soát, thì đó không phải là một tín hiệu xấu.
Tôi cho rằng, hiện chưa có dấu hiệu để nhà đầu tư mất niềm tin vào việc kiểm soát lạm phát, do đó, họ không bán tháo. Một logic tương tự là đối với đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây, niềm tin về việc Chính phủ sớm kiểm soát dịch ở mức cao, nên đến nay vẫn không có đợt bán tháo nào.
Ông Trần Hoàng Thế Kiệt, Chuyên viên phân tích cao cấp, Công ty Chứng khoán Rồng

Ảnh hưởng của lạm phát tới chứng khoán: Mối lo nhỏ, niềm tin lớn ảnh 3 

Trong quá khứ, diễn biến của thị trường có mối quan hệ mật thiết với tình hình lạm phát. Do đó, lạm phát là một chỉ báo đáng chú ý khi mà mối tương quan nghịch là rất rõ ràng.
Ở giai đoạn hiện tại, chúng tôi cho rằng, chưa có nhiều rủi ro trong ngắn hạn đối với thị trường khi lạm phát có tín hiệu tăng, bởi Chính phủ vẫn đang thực hiện các chính sách nhằm kiềm chế lạm phát như hạn chế đà tăng của giá xăng dầu thông qua quỹ bình ổn; chỉ số giá thực phẩm có thể giảm nhờ nguồn cung thịt lợn tăng.
Đồng thời, Chính phủ đang xem xét biện pháp nhằm kiềm chế đà tăng của giá vật liệu xây dựng; bình ổn giá một số hàng hóa, dịch vụ công.
Dó đó, chúng tôi nhìn nhận, các nhà đầu tư không còn sợ lạm phát như năm 2008 hay 2011 và đây sẽ là động lực hỗ trợ cho đà tăng của thị trường. Trong năm nay, chúng tôi dự báo lạm phát ở mức 3,5%.
Trong dài hạn, chúng tôi đưa ra 3 kịch bản về tầm ảnh hưởng của lạm phát lên thị trường chứng khoán.
Một là, lạm phát được duy trì ở mức dưới 4% như mục tiêu của Chính phủ. Điều đó sẽ đảm bảo môi trường vĩ mô ổn định, đảm bảo sức khỏe của nền kinh tế, tạo tiền đề cho dòng tiền đầu tư mở rộng hơn nữa vào kênh chứng khoán và giúp thị trường duy trì đà tăng.
Hai là, lạm phát vượt qua mục tiêu của Chính phủ. Nếu mặt bằng lãi suất không giảm hoặc tăng lên, lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ trở nên hấp dẫn hơn, còn chứng khoán giảm sức hấp dẫn. Tuy nhiên, việc này tác động tới dòng tiền và thị trường chứng khoán không phải trong một sớm một chiều. Bên cạnh đó, đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, lạm phát trên 4% vẫn chưa phải là quá cao.
Ba là, lạm phát tăng cao như đã từng xảy ra trong quá khứ và nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng tiêu cực. Kịch bản này khó xảy ra khi nước ta vẫn đang trong bối cảnh vĩ mô ổn định với sự kiểm soát tốt của Chính phủ.
Ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý quỹ VietinBank

Ảnh hưởng của lạm phát tới chứng khoán: Mối lo nhỏ, niềm tin lớn ảnh 4Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu đầu vào tháng 4/2021 tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước sẽ gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tuy nhiên, nguyên nhân tăng giá trong thời gian qua có nguồn gốc từ việc các nước phong tỏa kéo dài vì Covid-19, gây đứt gẫy nguồn cung, dự trữ giảm dần.

Đến nay, sự hồi phục kinh tế mạnh mẽ ở các đầu tàu kinh tế như châu Âu, Trung Quốc và Mỹ kèm với việc duy trì các gói kích thích kinh tế đã thúc đẩy nhu cầu. Nhưng việc tái cân bằng cung cầu nguyên liệu có thể sẽ diễn ra rất nhanh và sớm đạt trạng thái bình thường mới. Do đó, tôi cho rằng, tác động của việc tăng giá nguyên nhiên vật liệu lên CPI chỉ trong ngắn hạn, dưới 12 tháng.
Từ giữa năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 khiến nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng, nên họ tìm kiếm cơ hội có được nguồn thu nhập thứ hai từ kênh đầu tư, thông qua sử dụng các khoản tiết kiệm hoặc các khoản vay tiêu dùng. Do đó, có một lượng tiền rất lớn đổ vào kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản, giúp hai thị trường này tăng giá mạnh, bất chấp lợi nhuận của các doanh nghiệp bị đe dọa vì Covid-19.
Dự báo, khi công cuộc kiểm soát dịch Covid-19 thành công, việc mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế giúp cho các hộ gia đình khôi phục nguồn thu nhập đều đặn, chính yếu của họ, sẽ là lúc dòng tiền được rút ra khỏi các thị trường đầu cơ. Khi đó, dù yếu tố cơ bản tốt lên, nhưng thị trường sẽ “giảm nhiệt”.
Thậm chí, với đà tăng của thị trường chứng khoán hiện nay không dựa nhiều vào yếu tố nền tảng cơ bản, mà chủ yếu là nhờ dòng tiền, chênh lệch cung - cầu, nên thị trường có thể sẽ sớm điều chỉnh.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng

Ảnh hưởng của lạm phát tới chứng khoán: Mối lo nhỏ, niềm tin lớn ảnh 5 Mối lo lạm phát bắt đầu tăng lên trên toàn thế giới trong bối cảnh nới lỏng tiền tệ, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, kinh tế phục hồi mạnh ở các nước lớn như Mỹ khiến giá cả leo thang, trong khi nhiều lĩnh vực vẫn còn gặp khó khăn.

Nghĩa là, một số ngành nghề hưởng lợi từ sự lệch pha này, chứ không phải từ những yếu tố bền vững xuất phát từ kinh tế.
Chỉ số lạm phát của không ít nước tăng vọt, nhiều ý kiến cho rằng, năm 2020, dịch Covid-19 đã đẩy giá cả xuống sâu, nên mức tăng mạnh trong thời gian qua khó kéo dài. Nhưng chuỗi cung ứng chưa được cải thiện, tỷ lệ tiền tiết kiệm cao và nhu cầu tiêu dùng trực chờ bùng nổ, thì lạm phát có thể tiếp tục tăng.
Bộ Tài chính Mỹ và một số quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã nhắc đến khả năng tăng lãi suất, còn ở Trung Quốc và Nga dần thắt chặt chính sách tiền tệ… Các động thái này cho thấy, lạm phát bắt đầu có dấu hiệu “đe dọa”.
Bên cạnh đó, vàng đang tăng giá trở lại, cho thấy nhu cầu đầu tư an toàn, phòng chống lạm phát gia tăng, sẽ khiến các kênh rủi ro như chứng khoán, bất động sản bị ảnh hưởng.

Nguồn: VITIC/Reuter