Theo nội dung tờ trình, việc quy định mức khung thuế suất thuế nhập khẩu, bao gồm cả mức tối thiểu và mức tối đa như hiện hành không còn ý nghĩa. Bởi lẽ, mức thuế suất trần tối đa đã được cam kết cho toàn bộ biểu thuế với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tại thời điểm gia nhập. 

Bên cạnh đó, việc xây dựng sàn thuế (tối thiểu) của Biểu khung thuế suất thuế nhập khẩu như hiện hành cũng không cần thiết. Cụ thể hiện nay, Việt Nam đã ký 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, nhóm nước, đã cam kết xóa bỏ thuế quan vào thời điểm cuối cùng (2018 -2020) trung bình vào khoảng 90% số dòng thuế, riêng Hiệp định Thương mại Hàng hóa Asean (ATIGA) với mức cam kết tự do hóa đạt 97%. 

Khi ký kết các FTA thế hệ mới như TPP, Việt Nam - EU… thì mức độ tự do hóa sẽ đạt 97-98% dòng thuế trong vòng 10 năm. Dự kiến đến giai đoạn 2028-2030, trên 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất theo các Hiệp định FTA là 0%. Theo đó, việc xây dựng Biểu khung thuế suất thuế nhập khẩu như hiện hành sẽ là không phù hợp trong giai đoạn mới. Do vậy, Chính phủ kiến nghị Luật thuế xuất nhập khẩu (sửa đổi) không quy định Biểu khung thuế nhập khẩu.


Về Biểu khung thuế suất thuế xuất khẩu, đây là căn cứ quan trọng để Bộ Tài chính ban hành mức thuế xuất khẩu đối với một số loại hàng hóa, trong đó chủ yếu là tài nguyên, khoáng sản.

 

Chính phủ cho rằng cần tiếp tục quy định khung thuế suất thuế xuât khẩu đối với một số nhóm mặt hàng cần thu thuế để góp phần bảo vệ tài nguyên trong nước, điều tiết hợp lý thu cho ngân sách Nhà nước, đáp ứng yêu cầu đàm phán hội nhập trên tinh thần đối xử có đi có lại. 


Biểu khung thuế suất thuế xuất khẩu tại dự thảo Luật chỉ điều chỉnh đối với 2 nhóm hàng hóa.

Thứ nhất, nhóm hàng phế liệu, phế thải của sắt, thép, đồng, ni-ken, nhôm, chì, kẽm, thiếc, kim loại thường khác, gốm kim loại, sản phẩm làm từ kim loại thường khác và gốm kim loại.

Theo cam kết với WTO, Việt Nam phải cắt giảm thuế xuất khẩu đối với nhóm hàng phế liệu, phế thải của kim loại với mức thuế sau 5 năm gia nhập. Mức thuế suất thuế XK của Chính phủ đề nghị điều chỉnh mức tối đa khung thuế suất đối với các nhóm hàng nêu trên đúng theo mức thuế suất tối đa đã cam kết (Nhóm hàng phế liệu, phế thải từ sắt, thép giảm mức tối đa từ 30% xuống 17%; đối với các phế liệu, phế thải từ kim loại khác giảm mức tối đa từ 40% xuống 22%).

Thứ hai, nhóm “Các nhóm hàng khác không quy định ở trên” (thứ tự số 45 của Biểu khung thuế xuất khẩu).

Hàng hóa là vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm thuộc nhóm này có khung thuế suất từ 0-20%, các loại khác có khung thuế suất từ 0-10%. Việc quy định khung thuế suất đối với tất cả các hàng hóa là không hợp lý, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế cần khuyến khích tối đa việc xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến. Mặt khác, mức tối thiểu hiện hành là 0% chưa góp phần bảo vệ tài nguyên khoáng sản, giảm tác động đến môi trường. 

Qua nghiên cứu, Chính phủ đề nghị sửa đổi mô tả tên hàng hóa “Các nhóm hàng khác không quy định ở trên” thành “Các nhóm hàng khác không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” và quy định khung thuế suất của nhóm hàng này là 5-20%.

Ngoài ra, dự thảo Luật có quy định giao thẩm quyền cho UBTVQH trong việc sửa đổi, bổ sung Khung thuế xuất khẩu trong trường hợp cần thiết. 

Nội dung này đề nghị quy định như sau: Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng ban hành kèm theo Luật này.

 

Theo thống kê về khung thuế suất

Biểu khung thuế XK hiện hành gồm 45 nhóm hàng. Trong đó mức tối đa cao nhất là 40%, 29 nhóm hàng có mức tối thiểu khung thuế suất cao hơn mức 0% với mức tối thiểu cao nhất 20% áp dụng đối với mặt hàng Bán thành phẩm kim loại; 

Biểu khung thuế suất thuế NK hiện hành gồm 1.224 nhóm hàng. Trong đó, mức tối đa cao nhất là 150%, có 314 nhóm hàng hóa có mức tối thiểu khung thuế suất cao hơn mức 0% với mức tối thiểu cao nhất là 50% áp dụng đối với một số mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan như đường, lá thuốc lá, trứng. 

 

 

 

Khổng Chiêm