Giá vàng trong tuần với xu hướng suy giảm
Tuần qua, giá vàng trong nước nằm trong xu hướng giảm là chủ đạo, duy chỉ có ngày giao dịch 27/7 tăng mạnh theo đà của giá vàng thế giới. Giá dao động ở khoảng 36,12 – 36,21 triệu đồng/lượng (chiều mua vào) và 36,31 – 36,43 triệu đồng/lượng (chiều bán ra). Theo nhận đinh của một số nhà kinh doanh vàng, hiện nay giá vàng trong nước đang ổn định ở mức thấp nên lượng mua đầu cơ hay tích trữ tự nhiên trên thị trường đã xuất hiện. Nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục có những tín hiệu tốt để nhà đầu tư có cơ hội gia nhập thị trường. Kết thúc tuần giao dịch, giá vàng trong nước đứng ở mức 36,12 – 36,34 triệu đồng/lượng (thời điểm 8h28’ sáng 28/7) và chênh lệch cao hơn giá thế giới khoảng 1,4 triệu đồng mỗi lượng
Tỷ giá trung tâm của NHNN trong tuần biến động nhẹ
Tuần qua, tỷ giá trung tâm của NHNN biến động nhẹ, dao động ở khoảng 22.429 – 22.433, trong đó có 2 phiên giữ nguyên ở mốc 22.429 và 2 phiên đứng ở mức 22.433 đồng/USD. Tại các NHTM lớn, giá giao dịch đồng USD tương đối ổn định. Cụ thể, lúc 8 giờ 00 ngày 28/7 tại Vietcombank, giá USD được niêm yết ở mức 22.695 – 22.765 VND/USD (mua vào – bán ra), không đổi so với hôm trước đó. Tương tự, tại BIDV, giá USD được ngân hàng này niêm yết ở mức 22.695 - 22.765 VND/USD (mua vào – bán ra), giảm 5 đồng ở cả hai chiều so với ngày hôm trước.
Nửa đầu tháng 7/2017, cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt
Thương mại của Việt Nam đạt 214,83 tỷ USD, tăng trưởng 20,9% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng chịu thâm hụt lớn. Trong nửa đầu tháng 7 (từ ngày 1-15/7), cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục thâm hụt 187 triệu USD, đưa cán cân thương mại từ đầu năm đến nay thâm hụt 2,96 tỷ USD, bằng 2,8% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tính từ đầu năm đến nay, thương mại của Việt Nam đạt 214,83 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 105,93 tỷ USD, tăng 18,5%, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 108,89 tỷ USD, tăng 23,3%.
Tình hình vốn FDI 7 tháng đầu năm 2017
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 7 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 21,93 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tổng vốn đăng ký mới của các doanh nghiệp nước ngoài tăng gấp rưỡi lên 12,92 tỷ USD. Giai đoạn này cũng có 5,87 tỷ USD vốn đăng ký tăng thêm. Ngoài ra, trong 7 tháng đầu năm, có 2.946 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 3,12 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2016.
Lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm tăng
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT), trong tháng 7/2017, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 1.036.880 lượt, tăng 21,1% so với tháng 7/2016. Đây là tháng thứ 5 lượng khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 1 triệu lượt trong một tháng. Như vậy, tổng số khách quốc tế đến trong 7 tháng đầu năm được nâng lên 7.243.216 lượt khách, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2016. Về thị trường, hầu hết khách từ các thị trường đều tăng. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với việc đón 2.216.814 lượt khách, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2016…
ADC chấm dứt điều tra chống bán phá giá và trợ cấp đối với sp thép mạ kẽm NK từ Việt Nam
Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) thuộc Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học Úc đã thông báo về việc chấm dứt một phần vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép mạ kẽm nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, ADC đã xác định rằng các nhà sản xuất/xuất khẩu Việt Nam có nhận được trợ cấp có thể đối kháng từ Chính phủ trong giai đoạn điều tra nhưng lượng trợ cấp không vượt quá mức tối thiểu. Do đó, ADC đã quyết định chấm dứt vụ việc điều tra chống trợ cấp với tất cả các nhà sản xuất/xuất khẩu Việt Nam. ADC sẽ không đưa ra thêm bất cứ khuyến nghị nào về vấn đề trợ cấp với Việt Nam trong Báo cáo cuối cùng của ADC trình lên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học Úc.
Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017
Bộ Công Thương vừa ban hành Quy chế đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017. Theo quy chế này, tài sản bán đấu giá là hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 89.500 tấn đường, gồm 44.000 tấn đường thô và 45.500 tấn đường tinh luyện. Phiên đấu giá chỉ được tiến hành khi có từ 2 thương nhân đủ điều kiện trở lên tham gia. Mỗi thương nhân có thể bỏ giá với mức đăng ký bằng hoặc khác nhau cho 1 đơn giá, số lượng đăng ký tối đa không vượt quá 20.000 tấn và mỗi đơn giá có số lượng đăng ký là 1.000 tấn đường.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu 175.000 tấn gạo cung cấp cho Philippines
Trong phiên mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo 25% tấm của Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) ngày 25/7, các doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu áp đảo 175.000 tấn gạo. Thông tin này được ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xác nhận. Ngay sau khi có kết quả đấu thầu, 3 doanh nghiệp gồm Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Công ty cổ phần Quốc tế gia và Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long mỗi đơn vị trúng thầu cung cấp 50.000 tấn gạo và Công ty cổ phần Hiệp Lợi trúng lô 25.000 tấn. Còn lại 75.000 tấn gạo trong gói thầu trên do 2 Tập đoàn nước ngoài trúng thầu.
Kim ngạch xuất khẩu Nông-Lâm-Thủy sản 7 tháng 2017 tăng so với cùng kỳ
Theo báo cáo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7 năm 2017 ước đạt 3,11 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2017 đạt 20,45 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,89 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 4,31 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2016; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 4,41 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016. Tính theo giá trị thì xuất khẩu thủy sản là mặt hàng đứng đầu của tháng 7 năm 2017 với giá trị ước đạt 727 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet