Ở Phố Wall đang diễn ra một cuộc tranh cãi gay gắt quanh chuyện tỷ giá đồng USD sẽ như thế nào trong thời gian tới, khi mà thâm hụt vãng lai của Mỹ không ngừng tăng - hãng tin Bloomberg cho hay.
Cuối năm 2020, thâm hụt cán cân vãng lai của Mỹ là 3,09% tổng sản phẩm trong nước (GDP), mức cao nhất kể từ năm 2008. Đáng chú ý, mức thâm hụt ngày càng tăng cho dù kinh tế Mỹ đang dẫn đầu thế giới về sự hồi phục từ đại dịch Covid-19, một phần bởi nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ hàng hoá từ nước ngoài. Goldman Sachs dự báo thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ - thước đo rộng nhất về các dòng chảy thương mại và đầu tư ra, vào nền kinh tế lớn nhất thế giới - sẽ đạt đỉnh 4,4% GDP vào cuối năm 2021. Mức dự báo trung bình ở Phố Wall là 3,6%.

“Đồng USD hiện đang đắt nếu xét trên cơ sở tỷ trọng thương mại. Trong khi đó, các tài sản ngoài Mỹ đang mang lại mức lợi nhuận ngày càng hấp dẫn” - ông Zach Pandl, chiến lược gia Goldman Sachs.

Dự báo về tỷ giá USD thời gian tới, Phố Wall chia làm hai phe. Goldman Sachs và một số nhà dự báo khác nhận thấy những dấu hiệu về một trong những thời kỳ yếu nhất của USD của lịch sử gần đây. Trái lại, một nhóm đối lập trong đó có Morgan Stanley nói đồng bạc xanh thực ra có thể tăng giá.
QUAN ĐIỂM BI QUAN VỀ TỶ GIÁ USD
Theo quan điểm của Goldman Sachs, các điều kiện hiện nay tương tự như thời kỳ 2002-2007, khi đồng USD trải qua một giai đoạn mất giá sâu và kéo dài. Một ngân hàng lớn khác là Deutsche Bank đồng tình với quan điểm này.
“Đồng USD hiện đang đắt nếu xét trên cơ sở tỷ trọng thương mại. Trong khi đó, các tài sản ngoài Mỹ đang mang lại mức lợi nhuận ngày càng hấp dẫn”, ông Zach Pandl, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối và thị trường mới nổi toàn cầu của Goldman nhận định, à cho biết có quan điểm “bi quan mang tính cơ cấu” về tỷ giá USD trong 3 năm tới. “Các nhà đầu tư có thể rút vốn khỏi các trái phiếu Mỹ kỳ hạn dài và thị trường chứng khoán Mỹ, khiến đồng USD mất giá dần theo thời gian”.
Tháng 5 vừa qua, Bloomberg Dollar Spot Index – một thước đo tỷ giá đồng USD – giảm 1,3%, xuống gần mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Nếu nhận định của Goldman Sachs là chuẩn xác, thì việc nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm những tài sản mang lại mức lợi nhuận cao hơn tại các thị trường ngoài Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian. Điều này sẽ làm suy yếu đồng USD và gây ra một sự suy giảm mang tính cấu trúc trong dài hạn của đồng bạc xanh. Khi đó, các thị trường mới nổi sẽ hưởng lợi từ mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa tỷ giá đồng USD với giá hàng hoá cơ bản, khả năng bứt phá của giá cổ phiếu tại các thị trường này, cũng như khối nợ bằng USD thu nhỏ lại.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện ở mức khoảng 1,6%, cao hơn lợi suất trái phiếu cùng kỳ hạn của hầu hết các nền kinh tế phát triển khác, nhưng thấp hơn nhiều so với trái phiếu cùng kỳ hạn của Trung Quốc và Mexico. Và cho dù thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục thời gian gần đây, Goldman Sachs dự báo trong năm tới, lợi tức từ đầu tư cổ phiếu Mỹ sẽ kém hơn so với các thị trường khác, và vốn sẽ tiếp tục chảy khỏi USD.
GÓC NHÌN LẠC QUAN VỀ TỶ GIÁ BẠC XANH
Ở một luồng quan điểm khác so với Goldman Sachs, Morgan Stanley, Bank of America, và Eurizon SLJ Capital tin rằng môi trường hiện nay tương tự như hồi thập niên 1980 và 1990, khi đồng USD tăng giá mạnh trong lúc cán cân vãng lai của Mỹ thâm hụt khổng lồ.

Vào thập niên 1990, đồng USD tăng giá bất chấp thâm hụt vãng lai của Mỹ phình to. Khi đó, cơn sốt cổ phiếu công nghệ của Mỹ thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài.

Chuyên gia Stephen Jen của Eurizon nói rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ lái nhu cầu đồng USD nhiều hơn là nỗi lo về thâm hụt gia tăng và lợi suất thấp. Bank of America cũng cho rằng thâm hụt vãng lai có thể gây áp lực giảm giá lên USD trong 3-5 năm tới đây, nhưng không phải ở thời điểm này vì kinh tế Mỹ đang phục hồi vượt trội so với các nền kinh tế khác.
Sự phục hồi này có được một phần quan trọng là nhờ Mỹ đi đầu trong chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid. Các chuyên gia kinh tế dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng 6,5% trong năm nay so với mức tăng bình quân 5,1% của các nền kinh tế phát triển.
“Một nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh sẽ thu hút đủ vốn để bù đắp thâm hụt và theo đó hỗ trợ tỷ giá USD”, ông Jen nói. “Tăng trưởng kinh tế mạnh lên cũng đồng nghĩa các công ty Mỹ lãi nhiều hơn và lạm phát ở Mỹ tăng, tất cả đều là những yếu tố dẫn đến một đồng USD mạnh hơn”.
Những người cùng quan điểm với ông Jen lập luận rằng khi mà các tài sản Mỹ còn sức hấp dẫn lớn so với thế giới, thì đồng USD vẫn còn khả năng tăng giá cho dù thâm hụt tài khoản vãng lai có gia tăng. Đó là bởi nhà đầu tư nước ngoài cần có USD để mua cổ phiếu của những công ty khổng lồ của Mỹ như Amazon, Alphabet hay Facebook.
Điều này không phải chưa từng có tiền lệ. Vào thập niên 1990, đồng USD tăng giá bất chấp thâm hụt vãng lai của Mỹ phình to. Khi đó, cơn sốt cổ phiếu công nghệ của Mỹ thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài. Hồi thập niên 1980, lãi suất danh nghĩa cao ở Mỹ cũng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thời đó là Paul Volcker nâng lãi suất lên tới 20%. Mức lãi suất “khủng” này hỗ trợ tỷ giá USD cho dù thâm hụt tài khoản vãng lai tăng cao.
Tất nhiên, những người ở phe bên kia cũng chỉ ra rằng đồng USD đã mất giá khi thâm hụt cán cân vãng lai của Mỹ gia tăng hồi giữa những năm 2000. Tuy nhiên, một phân tích của Morgan Stanley về 28 đồng tiền cho thấy mối quan hệ giữa tỷ giá với thâm hụt tài khoản vãng lai là không rõ ràng.
Ở một luồng quan điểm có phần trung tính hơn, Bank of America nói rằng tỷ giá USD hiện tại có thể chưa bị ảnh hưởng bởi thâm hụt vãng lai khổng lồ của Mỹ, nhưng điều đó có thể xảy ra sau trong 3-5 năm tới đây.
“Một quốc gia không thể mãi mãi có thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức cao. Để giảm thâm hụt, bạn cần một đồng tiền yếu để giảm nhập khẩu và tăng xuất khẩu. Đến một lúc nào đó, điều này sẽ xảy ra”, trưởng bộ phận ngoại hối G-10 của Bank of America, ông Athanasios Vamvakidis, nhận định.

Nguồn: An Huy / VnEconomy