Đông Nam Á tiếp tục chứng kiến làn sóng mở rộng công suất thép đầy tham vọng. Tuy nhiên, với mức độ sử dụng thấp, liệu chính sách bảo hộ của các chính phủ có đủ để giải quyết tình trạng dư thừa công suất hay không?
Đằng sau làn sóng gia tăng công suất thép
Ngay cả khi thế giới đang hỗn loạn vì đại dịch Covid-19, xu hướng tăng công suất thép vẫn tiếp diễn trên khắp Đông Nam Á. Trong năm 2020, 5 triệu tấn thép đã được bổ sung và con số này dự kiến là 60 triệu tấn vào năm 2030.
Đi đầu xu hướng này là Trung Quốc với việc tập trung đầu tư vào các lò cao. Wood Mackenzie dự đoán sản lượng thép lò cao của khu vực Đông Nam Á sẽ tăng mạnh, từ đó nhu cầu về quặng sắt và than luyện kim cũng sẽ bị đẩy lên cao.
Tuy nhiên, những kế hoạch tham vọng này cũng sẽ khiến tình trạng dư thừa công suất thép càng thêm nghiêm trọng. Chưa kể hoạt động sản xuất thép của khu vực sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng nhập khẩu giá rẻ, theo Wood Mackenzie.
Ngăn chặn rủi ro từ tình trạng dư công suất
Liệu mức độ sử dụng có tăng đủ nhanh để tiêu thụ hết sản lượng thép hay không?
Kịch bản cơ bản của Wood Mackenzie cho rằng sản lượng thép sẽ tăng 5% mỗi năm từ nay cho tới năm 2030. Tuy nhiên, thặng dư công suất cũng tăng lên.
Dưới áp lực về lợi nhuận, các công ty và cơ quan quản lý tại Đông Nam Á đã triển khai một số biện pháp giải quyết.
Thứ nhất, phản đối kế hoạch mở rộng. Các nhà sản xuất và hiệp hội thép đang kêu gọi ngừng cấp phép hoạt động cho dự án Wenan Steel với công suất 10 triệu tấn thép tại Malaysia.
Đồng thời, cơ quan quản lý có thể tăng cường đàn áp những nhà máy có công nghệ không đạt tiêu chuẩn. Họ đang lo ngại về vấn đề môi trường và chất lượng sản phẩm khi các công ty Trung Quốc bán phá giá các lò luyện thép cảm ứng lỗi thời tại Philippines, Indonesia và Thái Lan. 
Thặng dư công suất thép tại Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng. Ảnh: Wood Mackenzie.
Thứ 3 là loại bớt dự án. Tập đoàn Hoa Sen của Việt Nam gần đây từ bỏ một nhà máy có công suất 4,5 triệu tấn với lý do là bị thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt.
Cuối cùng, các chính phủ có thể thắt chặt khuôn khổ pháp lý. Khu vực Đông Nam Á dự kiến hạn chế số lượng giấy phép được cấp cho các nhà máy thép, đồng thời dựng lên các rào cản thương mại.
Tuy nhiên, bất chấp những biện pháp kiểm soát trên, Wood Mackenzie dự báo Đông Nam Á sẽ vẫn mở rộng được 60 – 70% trong kế hoạch 60 triệu tấn thép.
Chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ
Đông Nam Á đang giảm nhập khẩu thép thành phẩm, nhưng tỷ lệ nhập khẩu so với tiêu thụ hiện vẫn cao, ở 60%.
Các nhà máy sản xuất thép trong khu vực từ lâu đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ việc giảm nhập khẩu thép. Hiện nay, chính phủ các quốc gia trong khu vực đã bắt đầu hành động thông qua một loạt biện pháp bảo hộ. Các nền kinh tế lớn, như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Indonesia, quyết định áp thuế đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ các đối tác lớn.
Ví dụ, Việt Nam áp thuế 25% đối với thép tấm và thép cuộn cán nguội xuất xứ từ Trung Quốc. Indonesia cũng áp thuế với một số sản phẩm thép tấm nhập khẩu từ Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.
Những biện pháp này sẽ giúp siết chặt hơn hoạt động nhập khẩu thép thành phẩm. Nhập khẩu thép thành phẩm của khu vực này có thể giảm xuống 40 – 50% so với tiêu thụ vào năm 2030.
Cơ hội để tự lực cánh sinh
Đông Nam Á buộc phải đạt được sự cân bằng phù hợp giữa nhập khẩu và sản xuất trong nước. Wood Mackenzie tin rằng các nền kinh tế sẽ tập trung phát triển chuỗi cung ứng nội bộ linh hoạt. Điều này có nghĩa là các dự án do chính phủ tài trợ sẽ phải mua thép sản xuất trong nước.
Khu vực này cũng nên tiếp tục giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu bằng cách áp thuế tự vệ, hạn ngạch và hạn chế cấp phép. Ngoài ra, việc làm rõ chính sách của chính phủ về đầu tư, cấp phép và sử dụng công nghệ có thể giúp hạn chế tình trạng dư thừa công suất, đồng thời ngăn chặn được việc chuyển giao công nghệ lạc hậu.
Tập trung phát triển nguồn cung thép trong nước sẽ giúp đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng từ lĩnh vực hạ tầng, ôtô và công nghiệp.

Nguồn: ndh.vn