Báo cáo cho thấy, nhờ thực thi FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA), xuất khẩu sang EU năm 2022 đạt 47,5 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm trước; xuất siêu sang khối thị trường này ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm trước.
Nhờ tận dụng FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), xuất khẩu của Việt Nam sang Anh năm 2022 tăng trên 45% so với năm 2021, xuất siêu hơn 5 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam đã thu hàng ngàn tỷ đồng từ các thị trường mà nước ta có FTA. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng rất tốt, cho giá trị cao như cà phê, hạt tiêu, cao su, rau, quả, may mặc, giày dép… và đã có những mặt hàng tăng trưởng đến gần 100%.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA đều đạt mức tăng trưởng trên 20%, thậm chí một số thị trường trên 30% - cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Nhiều mặt hàng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao như rau quả tươi, rau củ quả chế biến, gạo, thủy sản đã khai thác tốt cơ hội tại các thị trường có FTA.
Quý I/2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ, do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài khiến kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng sụt giảm. Song, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt nhất các ưu đãi từ các FTA để gia tăng kim ngạch. Có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với quý I/2022, chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).
Bộ Công Thương đánh giá dù giá trị xuất khẩu sang các thị trường có FTA mới như EU, Anh, Canada, Mexico tăng trưởng tốt nhưng tỉ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chưa cao, tỉ lệ tận dụng các FTA còn rất thấp. Cụ thể, tỉ lệ tận dụng ưu đãi trong EVFTA mới đạt 20%, UKVFTA là hơn 22% và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương mới chỉ 6%. Bởi lẽ, vẫn còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp Việt khó tận dụng ưu đãi từ các FTA.
Bên cạnh việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực, năm 2023, Bộ Công Thương đang tiếp tục đẩy mạnh đàm phán các FTA mới để mở cửa các thị trường tiềm năng.
Ngày 2/4 vừa qua, FTA Việt Nam - Israel hoàn tất đàm phán được hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp hào hứng đón nhận và mong muốn hiệp định sớm được thực thi, giúp doanh nghiệp có thêm thị trường, gia tăng xuất khẩu
Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng cho biết, việc hoàn tất đàm phán FTA Việt Nam - Israel có ý nghĩa đặc biệt, giúp doanh nghiệp dệt may có thêm cánh cửa để mở rộng xuất khẩu. Cho dù Israel chưa phải là thị trường thực sự lớn để tạo bước đột phá cho ngành nhưng về lâu dài sẽ rất có giá trị.
“Để đón nhận FTA này, doanh nghiệp dệt may trong nước đã có bước chuẩn bị, chủ động kết nối với đối tác Ấn Độ, Pakistan tìm hiểu nguồn cung nguyên phụ liệu phù hợp với nhu cầu và văn hoá tiêu dùng của thị trường Israel để có thể tận dụng ngay khi hiệp định được thực thi và có đơn hàng xuất khẩu”, ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.
Với thủy sản - một trong những mặt hàng xuất khẩu top đầu của Việt Nam sang Israel, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe cho biết, Israel thuộc top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu qua thị trường này gồm: Tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra…
“Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam hiện đã có chỗ đứng ổn định và được người tiêu dùng tại Israel ưa chuộng. Chính vì thế, dù FTA Việt Nam - Isarel chỉ mới ký kết nhưng theo lộ trình thuế quan sẽ dần giảm về 0%. Việc này sẽ tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, giúp họ có ưu thế hơn so với các đối thủ chưa có FTA với quốc gia này”, ông Hòe nhận định.
Có thể thấy, thị trường mới đang là mảnh đất tiềm năng để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội. Đơn cử, tại thị trường châu Phi, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Algeria đạt hơn 141 triệu USD, giảm 7,8% so với năm 2021. Những mặt hàng xuất khẩu chính là cà phê, hóa chất, hàng thủy sản, kim loại và sản phẩm hạt tiêu. Đáng chú ý, năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu được mặt hàng gạo trở lại, đạt kim ngạch hơn 218.000 USD sau khi năm 2021 không thâm nhập được thị trường này.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương khuyến cáo, với thị trường châu Á, châu Phi, để tận dụng tốt các FTA thì doanh nghiệp phải bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho hàng hóa xuất khẩu. Cùng với đó, phải đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường ngách, thị trường tiềm năng như Bangladesh, Pakistan và coi các thị trường này là “bàn đạp” để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ - thị trường có sức mua lớn của hơn 1,4 tỷ dân… Hoặc thị trường châu Phi với nhu cầu nhập khẩu hàng hóa lên đến 600 tỷ USD/năm nhưng Việt Nam mới khai thác được 0,6% thị phần.
Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước có ký kết FTA với Việt Nam đều khuyến cáo các doanh nghiệp Việt cần lưu ý để nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu hàng hoá. Hàng hóa xuất khẩu phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn bản địa và của EU.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng chào hàng các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, với giá cả cạnh tranh sát thực và chất lượng phù hợp, trả lời nhanh chóng các giao dịch với khách hàng, tuân thủ các yêu cầu về tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu; tích cực quan tâm, đầu tư khai thác thị trường; thường xuyên theo dõi sát những diễn biến về an ninh chính trị đối với thị trường hợp tác để có đối sách kịp thời về các giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu và bảo đảm lợi ích kinh doanh.

Nguồn: vasep.com.vn