Báo cáo tại Hội thảo quản lý Nông lâm trường quốc doanh diễn ra ngày 8/9, ông Phạm Nguyên Thành, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung, Đại học Nông lâm Huế cho hay, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất tại các nông trường quốc doanh ngày càng phổ biến.
Theo Nghị định 135, các hộ gia đình công nhân nhận khoán chỉ được xây dựng lều tạm mà không được xây dựng nhà kiên cố trên đất sản xuất nông nghiệp. Điều này gây khó khăn cho các hộ gia đình muốn ổn định cuộc sống tại các khu vực họ nhận khoán.
Vì vậy, tại nông trường Thanh Mai (huyện Thanh Chương, Nghệ An), gần 100% các hộ gia đình sau khi giao khoán đất từ nông trường đều tiến hành xây dựng các công trình kiên cố nhà ở, chuồng trại. Thậm chí, nhiều hộ gia đình khi con cái lớn, lập gia đình đã được bố mẹ chia đất làm nhà ở trên phần diện tích đất mà hộ gia đình được Nông trường giao khoán.
Tại nông trường chè Hạnh Lâm, sau đợt thanh tra của UBND huyện Thanh Chương và UBND tỉnh Nghệ An đã phát hiện ra nhiều vấn đề sai phạm tại xí nghiệp Chế biến và Dịch vụ chè Hạnh Lâm.
Theo kết quả điều tra của UBND tỉnh Nghệ An, việc chuyển nhượng đất tại nông trường chè Hạnh Lâm được thực hiện giữa người trong xóm/xã với nhau, và cả với người dưới các khu vực miền xuông lên mua đất.
Tính đến thời điểm hiện tại, Xí nghiệp Chế biến và Dịch vụ chè Hạnh Lâm đã giao khoán, cho mượn đất tính đến nay là 832 hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp; làm nhà ở, mặt bằng sản xuất kinh doanh, với tổng diện tích 12.723.027 m2 đất.
Tìm hiểu tại xóm Điện Biên (là xóm có đường Hồ Chí Minh chạy qua) người dân cho biết việc mua bán, chuyển nhượng chưa thể làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng vẫn mua bán vì đã có xác nhận của đại diện nông trường.
Bên cạnh đó, theo ông Thành, nhiều lâm trường còn diễn ra tình trạng một số công ty tư nhân sau khi thuê rừng nhưng không sản xuất, quản lý theo hợp đồng, gây nguy cơ cao về mất rừng do cháy và lấn chiếm.
Chẳng hạn như, tại công ty Tam Hiệp và Ban quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim (Lâm Đồng), các công ty tư nhân sau khi được tỉnh giao đất đã tiến hành khai thác, tận thu lâm sản nhưng sau đó một số công ty đã không triển khai trồng cao su.
"Nhiều người dân địa phương cho rằng, việc sử dụng sai mục đích này không những làm mất rừng mà còn gây thiệt hại cho người dân. Bởi đất sản xuất cho người dân chưa được đáp ứng thì các công ty bên ngoài đã lấy mất cơ hội", ông Thành nói.
Nguyên nhân chủ yếu diễn ra thực trạng mua bán, chuyển nhượng đất nông trường theo ông Thành do giá đất tăng cao. Những khu vực thường xuyên bị lấn chiếm là đất lâm nghiệp gần khu sản xuất nông nghiệp, thuận lợi về giao thông. Việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng còn với mục đích kiếm lời từ chuyển nhượng đất rừng trái phép.
Ngoài ra, một số trường hợp người dân bị thu hồi đất để làm thủy điện nhưng sau đó không được cấp đất đền bù nên đã phá rừng để lấy đất sản xuất.
Đồng với quan điểm trên, ông Trần Ngọc Bình (Tổng cục Lâm Nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay, mâu thuẫn tranh chấp đất rừng giữa người dân địa phương với các nông, lâm trường quốc doanh ngày càng nhiều và diễn biến càng phức tạp.
Hiện cả nước có 319 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp đã được sắp xếp lại, quản lý và sử dụng gần 2,8 triệu ha đất, trong đó có 116 đơn vị do Trung ương quản lý, 203 đơn vị do địa phương quản lý.
Tuy nhiên, tiến trình rà soát, sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh diễn ra chậm chạp và gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là vấn đề rà soát, đánh giá và giải quyết các tranh chấp đất đai do các nông, lâm trường quốc doanh quản lý.
Kiều Linh