Thái Lan có nguy cơ suy thoái kinh tế kép
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lây nhiễm cao, căng thẳng chính trị gia tăng và hy vọng về sự hồi sinh của ngành du lịch ngày càng giảm, các nhà kinh tế tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm của Thái Lan chỉ còn 1,8%, theo đó nước này sẽ là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất ở khu vực Đông Nam Á trong năm nay.
Đây là kết quả khảo sát từ 36 chuyên gia kinh tế được Bloomberg thực hiện. Chỉ số tăng trưởng trên là cực kỳ thấp vì năm ngoái, nền kinh tế Thái Lan đã giảm 6,1%, mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ.
Bangkok và 12 tỉnh khác, chiếm tỷ trọng hơn một nửa nền kinh tế Thái Lan, đã bị phong tỏa một phần kể từ trung tuần tháng 7 do số ca nhiễm mới ngày càng tăng cao. Theo dự báo mới của Bộ Tài chính Thái Lan, GDP sẽ dao động trong khoảng 0,8% -1,8%, với giả định rằng Thái Lan sẽ đón 300.000 khách du lịch trong năm nay, giảm 96% so với năm 2020 và dự kiến việc phong tỏa một phần chỉ kéo dài một tháng với sự bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 8/2021. Đợt bùng phát dịch Covid-19 ngày càng trầm trọng ở Thái Lan sẽ đẩy nền kinh tế vào cuộc suy thoái kép trong quý 3/2021.
Xuất khẩu Thái Lan tăng cao nhất trong 11 năm
Chỉ số sản xuất công nghiệp của Thái Lan tăng trưởng hết sức khả quan trong thời gian qua, tháng 6/2021 cao hơn 17,58% so với cùng kỳ năm 2020, cả quý 2/2021 tăng trung bình 20,41% và nửa đầu năm 2021 tăng trung bình 9,4%. Sản xuất hồi phục giúp xuất khẩu của Thái Lan trong tháng 6/2021 đạt kim ngạch 23,7 tỷ USD, tăng 43,82%, cao nhất trong 11 năm. Các thị trường xuất khẩu quan trọng có mức tăng trưởng cao nhất gồm Hoa Kỳ (tăng 41% so với cùng kỳ 2020), Trung Quốc (tăng 42%), Nhật Bản (tăng 32%) và Liên minh châu Âu (47%). Dự báo cùng sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ các đối tác thương mại lớn sẽ khiến xuất khẩu của các sản phẩm công nghiệp Thái Lan tiếp tục tăng trưởng.
Bộ Công nghiệp Thái Lan thừa nhận sự lây lan của COVID-19 có tác động đến một số ngành công nghiệp nhưng Bộ này đã có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp. Ngoài ra, kế hoạch phân bổ vắc-xin cho nhân viên trong các nhà máy là yếu tố quan trọng giúp hồi phục và duy trì ổn định sản xuất.
Thái Lan đặt mục tiêu sản xuất lúa giống đạt 152.000 tấn mỗi năm
Ngành lúa gạo Thái Lan đang gặp nhiều yếu tố bất lợi do dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và vấn đề thiếu hụt hạt giống lúa. Hiện Thái Lan có khoảng 70 triệu hécta diện tích trồng lúa, với nhu cầu 1.364.800 tấn hạt giống chất lượng tốt mỗi năm. Hợp tác xã nông nghiệp, Trung tâm lúa gạo cộng đồng và khu vực tư nhân chỉ có thể cung cấp khoảng 40%, tương đương 537.000 tấn hạt giống tốt, được phân bổ theo tiêu thức: Cục Gạo 95.000 tấn, Hợp tác xã nông nghiệp 30.000 tấn, Trung tâm lúa gạo cộng đồng 112.000 tấn và khu vực tư nhân 300. 000 tấn.
Cục Lúa gạo đề xuất chính phủ cấp ngân sách thực hiện các dự án nâng cao năng lực sản xuất và quản lý giống lúa hiệu quả, hỗ trợ mục tiêu sản xuất. Dự án ban đầu hoàn thành 120.000 tấn/năm, tiến tới nâng công suất sản xuất thêm 32.000 tấn/năm, tổng cộng 152.000 tấn/năm, tạo việc làm cho khoảng 4.400 người. Đồng thời, thúc đẩy việc sử dụng giống lúa chất lượng tốt vào hệ thống sản xuất và phân phối, nâng cao kỹ thuật canh tác lúa trên cả nước.
Thái Lan triển khai biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Cục Khuyến công – Bộ Công nghiệp đánh giá làn sóng mới của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế và công nghiệp Thái Lan trên diện rộng. Đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện tổng mức hỗ trợ 3,1 nghìn tỷ bạt đem lại hiệu quả chưa nhiều, bởi cơ cấu nền kinh tế Thái Lan gồm hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ và bán lẻ. Vì vậy, 05 biện pháp hỗ trợ mới được đưa ra bao gồm:
(i) Đào tạo kiến thức và trao đổi kinh nghiệm cho các doanh nhân quản lý cơ sở để giúp các doanh nghiệp được an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19;
(ii) Tập trung mở rộng thị trường bằng nhiều hình thức, trong đó tăng cường quảng bá theo hình thức trực tuyến;
(iii) Biến chi phí thành vốn bằng cách đưa công nghệ và đổi mới sáng tạo để điều chỉnh chi phí hoạt động kinh doanh.
(iv) Xây dựng mạng lưới liên kết thông qua các dự án quan trọng như dự án liên kết mạng lưới nông dân và nhà chế biến, dự án liên kết công nghệ để hình thành sản phẩm mới, dự án liên kết máy chế biến (i-Aid)…
(v) Điều chỉnh để mô hình kinh doanh theo kịp tình hình kinh tế; phát triển các nhà cung cấp dịch vụ kinh doanh công nghiệp và nâng cao kỹ năng tài chính cho các doanh nghiệp SME, bao gồm cả việc hỗ trợ chuẩn bị các kế hoạch quản lý rủi ro kinh doanh và tạo ra các phương thức kinh doanh phù hợp.
Thái Lan thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất
Thái Lan đặt mục tiêu sẽ trở thành quốc gia hàng đầu về công nghệ robot và tự động hóa vào năm 2026, sau khi thành công trong thu hút các khoản đầu tư vào các hệ thống sản xuất dựa trên robot. Thái Lan hiện đang trong kế hoạch phát triển trung hạn từ năm 2018 đến năm 2021 để phát triển các công nghệ phù hợp với kế hoạch chính phủ đặt ra.
Trong giai đoạn này, giá trị đầu tư cho các hệ thống tự động hóa và robot là khoảng 116 tỷ Bạt và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm để thúc đẩy đầu tư nâng cấp công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất. Có 74 doanh nghiệp liên quan đến tích hợp hệ thống (SI) đã đăng ký với Trung tâm Robotic Excellence (CORE) và 25% nhà máy sử dụng công nghệ tự động hóa và robot. Việc sản xuất nhiều robot trong nước hơn cũng sẽ giúp nhập khẩu công nghệ robot giảm 12%.
Chính phủ Thái Lan đã và đang thúc đẩy các hệ thống tự động hóa và robot theo kế hoạch công nghiệp 4.0, theo đó khuyến khích các doanh nghiệp vận hành nhà máy kết hợp công nghệ kỹ thuật số với phân tích dữ liệu. Hiện tại, chỉ có 2% các ngành công nghiệp của Thái Lan đáp ứng tiêu chuẩn công nghiệp 4.0; 28% thuộc công nghiệp 3.0 với ít công nghệ cao hơn và 61% thuộc công nghiệp 2.0; 09% thuộc giai đoạn công nghiệp 1.0, mức độ phát triển công nghệ thấp nhất.