Dự kiến không tăng lãi suất trong 2 năm

“Chính sách tiền tệ sẽ vẫn dễ dãi trong một khoảng thời gian đáng kể”, Thống đốc RBNZ Graeme Wheeler cho biết trong một tuyên bố sau quyết định giữ ổn định lãi suất cơ bản ở mức 1,75%. RBNZ cũng duy trì dự báo của mình rằng lãi suất sẽ không tăng cho đến quý 3 năm 2019, đồng thời hạ dự báo về lạm phát.
Các tín hiệu thận trọng đáng ngạc nhiên của RBNZ trong những tháng gần đây bắt nguồn từ các dữ liệu kinh tế. Lạm phát tại New Zealand đã chậm lại nhiều hơn dự báo của các nhà kinh tế và tăng trưởng kinh tế cũng có xu hướng giảm tốc. Việc đồng đôla New Zealand mạnh lên vẫn là một vấn đề gây đau đầu cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ khi nó làm giảm giá nhập khẩu và qua đó giảm áp lực lạm phát.
“Một đôla New Zealand thấp hơn là cần thiết để đẩy tăng lạm phát và có thể đem lại sự tăng trưởng cân bằng hơn”, Wheeler nói.
Thế nhưng đồng nội tệ của nước này vẫn tăng sau tuyên bố của ông Wheeler và giao dịch ở mức 73,51 UScent lúc 12h27 phút ở Wellington. Đôla Kiwi đã tăng hơn 7% so với đồng bạc xanh kể từ khi dự báo gần đây nhất của RBNZ được đưa ra vào ngày 11/5.
Tất cả 11 nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg đều dự đoán RBNZ sẽ quyết định giữ nguyên lãi suất, và hếu hết trong số họ cũng dự báo lãi suất thấp sẽ tiếp tục được duy trì ở mức kỷ lục 1,75% này trong năm tới. Trong khi dữ liệu Swaps cho thấy khoảng 80% cơ hội lãi suất sẽ tăng lên vào tháng 8 năm tới.
“Mặc dù giọng điệu cơ bản trong Tuyên bố chính sách tiền tệ là như mong đợi, nhưng chúng tôi rất ngạc nhiên khi RBNZ không có phản ứng đối với những dữ liệu yếu kém gần đây”, Dominick Stephens - chuyên gia kinh tế trưởng của New Zealand tại Westpac Banking Corp. ở Auckland cho biết. “Các thị trường đã được chuẩn bị cho cái gì đó nhiều hơn là những lời lẽ ôn hòa”.
Lạm phát yếu
Trong khi các nhà kinh tế của ASB Bank cho biết, sự “nhẹ nhàng” đầy bất ngờ trong bản tuyên bố chính sách phát hành hôm nay là do RBNZ không muốn đưa ra dự báo thắt chặt chính sách của mình do triển vọng lạm phát yếu.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cho rằng RBNZ sẽ kết thúc việc nâng lãi suất (official cash rate – OCR) sớm hơn dự đoán của họ” vì đã đánh giá thấp tác động kích thích của ngành sữa đang hồi phục và áp lực về giá cả do nhập cư kỷ lục, các nhà kinh tế của ABS Bank cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.
Lạm phát tăng lên 2,2% trong quý 1, lần đầu tiên trở lại mục tiêu 2% của RBNZ trong hơn 5 năm; nhưng chủ yếu do tác động của các yếu tố tạm thời như giá lương thực và nhiên liệu. Bởi vậy lạm phát nhanh chóng quay đầu giảm xuống còn 1,7% trong quý 2, và RBNZ hôm nay dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục giảm xuống còn 0,7% trong quý đầu năm 2018 - thấp hơn mức dự kiến trước đó.
“Lạm phát sẽ giảm trong những quý tới do ảnh hưởng của giá nhiên liệu và lương thực cao hơn sẽ tan đi”, Wheeler cho biết. Tuy nhiên, theo ông lạm phát sẽ quay trở lại điểm trung vị của phạm vi mục tiêu “trong trung hạn”.
Về tăng trưởng kinh tế, Wheeler cho biết, tăng trưởng “dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian tới” nhờ chi phí vay thấp, dân số tăng trưởng mạnh, thương mại tăng tốc và kích thích tài chính tăng cao. RBNZ dự đoán tăng trưởng hàng năm sẽ tăng lên 3,8% trong quý đầu năm tới từ 2,5% trong quý đầu năm nay.
Trong khi nền kinh tế của New Zealand đang phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây, được hỗ trợ bởi nhập cư và du lịch, xây dựng, tốc độ tăng trưởng không đạt được kỳ vọng vào quý 4/2016 và quý 1/2017. Việc làm bất ngờ giảm trong quý 2 khi các công ty trở nên thận trọng hơn, và lạm phát tiền lương vẫn ì ạch.
Thị trường nhà ở của New Zealand cũng đang dịu lại, dẫn đầu là sự giảm giá tại Auckland, có thể giảm áp lực lên lạm phát và giữ lãi suất ở mức thấp trong thời gian dài. Viện Nghiên cứu Bất động sản New Zealand cho biết tăng trưởng giá nhà hàng năm đã giảm xuống 2,8% trong tháng 6 từ mức 5% vào tháng 5 và 10% trong tháng 3.
“Lạm phát giá nhà tiếp tục ở mức thấp do hạn chế tỷ lệ vay vốn, hạn chế về khả năng chi trả và việc thắt chặt điều kiện tín dụng”, Wheeler cho biết. “Sự yếu ớt này dự kiến sẽ tiếp tục tồn tại, mặc dù vẫn có khả năng hồi phục về giá do sự gia tăng dân số và những hạn chế về nguồn lực trong ngành xây dựng”.
 Nguồn: thoibaonganhang.vn